Cam Hàm Yên vào mùa thu hoạch

Mới vào đầu vụ thu hoạch, nhưng ngày nào bà con nông dân huyện Hàm Yên cũng nhận được những hợp đồng mới, cung ứng sản phẩm cam sành cho các siêu thị và các chợ đầu mối hoa quả trong cả nước. Bình quân mỗi ngày, hàng trăm tấn cam sành được xuất vườn trong niềm vui được mùa, được giá của bà con. Đó cũng là kết quả của quá trình xây dựng và giữ vững thương hiệu Cam sành Hàm Yên trong suốt 5 năm qua. Đặc biệt là từ khi Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chứng nhận Cam sành Hàm Yên xác lập kỷ lục: Đặc sản trái cây nổi tiếng, giá trị bậc nhất Việt Nam.

 
Cam sành Hàm Yên đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập là 1 trong 50 đặc sản trái cây nổi tiếng, giá trị bậc nhất Việt Nam


Đã một tuần nay, ngày nào gia đình chị Hoàng Thị Mừng, thôn Nậm Lương, xã Phù Lưu cũng phải thuê thêm hàng chục lao động để thu hoạch và đóng gói sản phẩm cam sành cung ứng cho Siêu thị Big C. Với 2.000 cây cam sành, trong đó có 1.000 cây cho thu hoạch từ 3 vụ trở lên, 1.000 cây mới bói quả năm đầu, ước sản lượng vụ này của gia đình chị Mừng đạt 60-70 tấn quả. Trước đây, do chưa thuận lợi về giao thông, chị phải thuê người gùi cam xuống bản với giá 1.500 đồng/kg, nay thì xe ô tô vào đến tận chân vườn, công cắt và gùi cam cũng giảm xuống còn 800 đồng/kg. Nhờ có Hội Cam sành Hàm Yên và Trung tâm Cây ăn ăn quả huyện, Hợp tác xã Phong Lưu - Phù Lưu và các ngành chức năng của huyện làm tốt công tác tiếp thị, đặc biệt là từ khi thương hiệu Cam sành Hàm Yên trở nên nổi tiếng, được công nhận là trái cây đặc sản, giá trị bậc nhất Việt Nam, chị Mừng cũng như các hộ trồng cam ở đây rất phấn khởi bởi nhận được nhiều hợp đồng cung ứng sản phẩm cho các nhà hàng, siêu thị, các chợ đầu mối, giá cam xuất vườn cũng cao hơn năm ngoái.

 

Cam sành Hàm Yên đang được thu hoạch theo đơn đặt hàng của nhiều siêu thị trong nước


Vào mùa thu hoạch cam, nhiều lao động là bà con dân tộc thiểu số ở Phù Lưu cũng có thêm thu nhập từ 100 đến 200 ngàn đồng mỗi ngày nhờ cắt và gánh cam cho các chủ vườn. Bên cạnh đó, dịch vụ vận tải cũng trở nên nhộn nhịp, nhất là từ khi đường giao thông nông thôn được mở rộng. Cùng với những con đường bê tông được đầu tư xây dựng ở thôn bản, các hộ trồng cam cũng đã phối hợp với nhau đầu tư làm đường bê tông đến các khu vườn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển cam đi tiêu thụ.

Huyện Hàm Yên hiện có gần 2.500 ha cam sành được trồng ở 9 xã, nhưng tập trung nhất là vùng cam Phù Lưu với diện tích gần 1.000 ha, chiếm 40% diện tích cam toàn huyện, năng suất bình quân đạt 12-13 tấn quả/ha. Những vườn cam được chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, năng suất thu hoạch đạt 20 tấn/ha. Sản lượng cam năm nay của toàn huyện ước đạt 28-30 ngàn tấn, trị giá khoảng 120 tỷ đồng. Cùng với việc giữ vững thương hiệu, Hội Cam sành Hàm Yên, Trung tâm Cây ăn quả huyện đã tăng cường cán bộ bám sát địa bàn cơ sở, hướng dẫn bà con chăm sóc cam theo đúng quy trình kỹ thuật, xây dựng vùng cam sạch, chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Huyện cũng quan tâm, chú trọng khâu thu hoạch, phân loại và bảo quản sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và luôn giữ chữ tín với khách hàng. Từ đầu vụ đến nay, mỗi ngày Hàm Yên xuất bán gần 100 tấn cam ra thị trường, trong đó có 30 tấn cung ứng cho siêu thị Big C.

Cùng với chủ trương sản xuất một nền nông nghiệp xanh, đặc biệt là sản xuất cam an toàn, sạch bệnh, từng bước hình thành các khu vườn cam chất lượng cao, tháng 10/2012, Cam sành Hàm Yên đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục: Đặc sản trái cây nổi tiếng, giá trị bậc nhất Việt Nam. Đây là điều kiện thuận lợi để Hàm Yên đưa trái cam sành đến với người tiêu dùng trong cả nước, hướng tới xuất khẩu sang các nước trên thế giới, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thúc đẩy kinh tế của huyện ngày càng phát triển.

Theo: TTV

Tin cùng chuyên mục