Cam sạch Đồng Bàng

Lâu nay, những lão nông trong tổ trồng cam theo chuẩn VietGAP, tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) bảo nhau trồng cam sạch để nghiệp cam bền vững. Cam sạch Đồng Bàng đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều khách hàng. Vậy nên, có năm không ít hộ trồng cam lao đao vì cam mất giá nhưng cam Đồng Bàng thì vẫn được giá, bởi thị trường tiêu thụ ổn định.

 


Ông Lê Quý Đáng, tổ trưởng tổ trồng cam theo chuẩn VietGAP thăm khu
trồng cam sạch của người dân Đồng Bàng.

Người tiên phong

Gần 12 giờ trưa, ông Lê Quý Đáng, tổ trưởng tổ trồng cam theo chuẩn VietGAP ở Đồng Bàng vẫn mải chăm sóc vườn cam của gia đình. Đã 72 tuổi rồi nhưng nom ông rất rắn giỏi, đám trẻ khó mà theo kịp. Ông Đáng bảo, mình may mắn hơn người khác là được đi tham quan, học tập nhiều mô hình làm kinh tế giỏi ở Bắc Giang, Hòa Bình… Trong những chuyến đi ấy, ông học được nhiều kinh nghiệm quý của những nhà vườn nổi tiếng, nhất là sản xuất nông nghiệp không sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất mà hiệu quả kinh tế vẫn cao. Đầu năm 2016, khi chính quyền địa phương có chủ trương hỗ trợ triển khai mô hình VietGAP tại Đồng Bàng, ông mạnh dạn nhận làm tổ trưởng và là người đầu tiên trồng cam VietGAP trên diện tích cam gần 1 ha, đồng thời vận động người dân trồng cam VietGAP.

Sau 1 tháng vận động, tổ trồng cam theo chuẩn VietGAP Đồng Bàng gồm 11 người đã được thành lập với diện tích 18,5 ha. Cuối vụ 2016, mô hình cam được thu hoạch cho năng suất và chất lượng quả tương đương cam ngoài mô hình. Sản phẩm cam được cấp Giấy chứng nhận sản xuất cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và tiêu thụ dễ dàng. Từ lợi ích đó, các hộ dân trong tổ đều chủ động trồng những diện tích còn lại theo hình thức VietGAP nên đến nay tổng diện tích cam an toàn của tổ lên trên 36 ha, mỗi vụ cho thu hoạch 425 tấn quả. 11/11 hộ gia đình trong tổ VietGAP đều là triệu phú.


Chị Bùi Thị Bích tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên)
phân loại cam VietGAP trước khi bán ra thị trường.

Năm 2017, ông Đáng tiếp tục tiên phong thực hiện mô hình cam hữu cơ trên diện tích 1 ha. Ông dẫn chúng tôi đi tham quan hệ thống bể chứa phân ủ bằng cá tươi và quả đỗ tương cùng hệ thống tưới nước tự động với 24 trụ bơm. Ông bảo, đây là mô hình hoàn toàn mới, 1 năm thực hiện tưới phân hữu cơ 4 lần, còn thuốc bảo vệ thực vật đều làm bằng giấm, thảo mộc, ớt và tỏi phun nhện.

Cách làm này lợi cả đôi đường, người trồng cam không lo bị nhiễm hóa chất, còn người tiêu dùng được đảm bảo an toàn thực phẩm.  Bởi vậy, vào vụ thu hoạch cam, nhiều hộ chỉ bán giá 6.000 đến 7.000 đồng/kg thì cam của gia đình ông được thu mua 12.000/kg. Vụ vừa rồi, vườn cam của gia đình cho thu 14 tấn quả, trừ các khoản chi phí, ông còn lãi hơn 100 triệu đồng. 

Gìn giữ cho thế hệ sau

Ông Đáng dẫn chúng tôi đến gia đình chị Đoàn Thị Thơm, người phụ nữ với biệt danh “nữ đại gia 3 nhất”, bởi chị là hộ có diện tích trồng cam lớn nhất, là người phụ nữ duy nhất trong tổ trồng cam theo chuẩn VietGAP và là một trong những hộ có ngôi biệt thự đẹp nhất Đồng Bàng. 

Chị Thơm bảo, mọi cái không đơn giản, gia đình chị đã từng trải qua những phen lao đao. Không có kinh nghiệm và kỹ thuật, những vụ đầu chị trồng cam dày như… trồng ngô. Trồng dày quá, tán không phát triển, cây cứ cao vút, quả ít lại cao nên khó thu hoạch. Sau khi đi học hỏi ở nhiều nhà vườn khác, chị ngậm ngùi cắt bỏ một số gốc cam để cây cách cây từ 5 đến 6 m. Đến năm thứ 5, vườn cam của gia đình chị bắt đầu cho thu lãi. Cuộc sống đổi thay từ ấy, căn nhà ọp ẹp được thay bằng ngôi biệt thự hiện nay.


Từ trồng cam VietGAP, gia đình chị Đoàn Thị Thơm, tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên
(Hàm Yên) có thu nhập ổn định, xây dựng được ngôi nhà khang trang.

Nhiều năm gắn bó với cây cam, chị Thơm luôn đau đáu ước mơ để quả cam vươn xa. Vì vậy, khi được ông Lê Quý Đáng vận động vào tổ VietGAP chị đồng thuận ngay. Chị bảo, vào tổ cam chị học được những nguyên tắc, trình tự, thủ tục sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trồng cam theo hướng này vừa đảm bảo sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.

Cầm quả cam cuối vụ đỏ mọng trên tay, chị phân tích, cam VietGAP so với cam chăm sóc bình thường vỏ thường dày hơn, tuy nhiên độ ngọt cao, cam để được lâu. Đặc biệt, mô hình VietGAP không lo về đầu ra cho sản phẩm vì cam đến độ thu hoạch được thương lái ở miền Nam, Hà Nội đến tận vườn thu mua, giá cao hơn cam thường từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg. Vụ năm nay, gia đình chị thu hoạch được hơn 60 tấn cam, trừ chi phí chị còn lãi hơn 500 triệu đồng.

Gia đình anh Giáp Văn Chung hiện có hơn 2 ha cam. Anh Chung chia sẻ, dù đã có gần 20 năm thâm niên trồng cam nhưng khi tham gia tổ trồng cam theo chuẩn VietGAP, anh đã vỡ ra được nhiều điều. Anh Chung bộc bạch: “Của nả tiêu rồi dần cũng sẽ hết, nhưng với cây cam nếu biết giữ gìn và nâng cao giá trị thì đó là tài sản cho con cháu sau này”. 

Hơn 2 năm tham gia tổ hợp tác, anh Chung nắm vững quy trình chăm sóc cam theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng nồng độ và liều lượng, đúng lúc, đúng cách); ưu tiên sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học… Sản phẩm cam không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật luôn được khách hàng hướng đến và đây là “đất sống” cho những người làm ăn chân chính. Vụ này vườn cam của gia đình anh cho thu 30 tấn quả, trừ chi phí lãi trên 250 triệu đồng.

Câu chuyện về trồng cam sạch với những lão nông đang rôm rả bỗng bị ngắt quãng bởi tiếng chuông điện thoại không ngớt của ông Đáng. Sau cuộc gọi ấy, ông Đáng tươi cười khoe: “Giám đốc Công ty Cam sành Hàm Yên vừa đặt tổ 18 tấn cam để chuẩn bị cho xe container chở vào miền Nam. Cam cuối vụ bán tại vườn được giá từ 13.000 đến 16.000 đồng/kg. Đó là món quà đầu xuân ý nghĩa nhất cho những người trồng cam, khẳng định thương hiệu cam sành Hàm Yên trên thị trường cả nước”.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục