Cáp treo ở Phù Lưu

Cứ đến mùa cam, dân chúng ở thôn Thọ, xã Phù Lưu (Hàm Yên) lại được chứng kiến những thùng cam treo lơ lửng trên dây cáp bắc từ lưng chừng núi xuống khu đất bằng - nơi tập kết sản phẩm cam quả của người dân Phù Lưu. Đó là hệ thống cáp treo mà người dân thường nói đùa là “trực thăng” nhà ông Chúng A Lỷ, người đưa ra ý tưởng làm cáp treo để vận chuyển cam. Ý tưởng táo bạo ấy của ông đã đem lại lợi ích không nhỏ cho người trồng cam ở Phù Lưu.

Từ chuyện trồng cam trên… mây

Đang ở mảnh đất bằng phẳng cạnh đường Quốc lộ 2, cách trung tâm huyện Hàm Yên chục cây số, năm 1992, ông Chúng A Lỷ đùng đùng rủ người anh trai kéo vợ con lên thôn Thọ, xã Phù Lưu sinh sống. Vợ ông nhiều lần nói ông là đồ “khùng”, đang yên đang lành, cơm cũng tạm đủ ăn, tự nhiên bắt đầu lại từ con số không. Ông Lỷ thì chẳng nói gì, chỉ thi thoảng nhẩm tính một mình. Loay hoay với cuộc sống ở vùng đất mới, ông mở cửa hàng tạp hóa tại trung tâm xã cho cô vợ bán. Còn ông cùng người anh vác cuốc lên đỉnh núi xem bà con trồng cam. Ông nghe dân đây bảo phong trào trồng cam đã có từ đầu năm 1990. Khi ấy, mới chỉ có vài chục hộ manh mún trồng thử. Lúc đầu người ta trồng cam ở vườn, cũng tươi tốt. Nhưng chỉ được vài vụ, cây lại rũ xuống, lụi sạch. Giống cam sành chỉ ưa đất đồi, khí hậu mát mẻ. Nhiều người trong xã phải chiều theo sở thích của thứ cây khó tính, chọn được những quả đồi thấp để trồng cam, một số bà con khác hò nhau lên núi cheo leo mà vun xới, tỉa tót.

 
Ông Chúng A Lỷ bên hệ thống cáp treo do ông tạo ra.


Cho đến bây giờ, xã Phù Lưu đã có hơn 600 hộ trồng cam, với gần 900 ha. Đây là vùng cam lớn nhất của huyên Hàm Yên, sản lượng hàng năm đạt 12 - 15 nghìn tấn quả, thu nhập gần 70 tỷ đồng. Cam sành Hàm Yên giờ đây đã nổi tiếng khắp cả nước. Do được người nông dân “chiều chuộng”, đưa lên vùng đất trên cao, hợp với cây, nên hương vị cam sành có vị thơm mát đặc trưng, giàu chất dinh dưỡng. Cũng vì những khó khăn đó mà người trồng cam ở Phù Lưu đã làm nên thương hiệu cam sành Hàm Yên và cả sự giàu có của họ.

Người ta ví von “đồng bào miền núi chân to lên vì trèo đồi” cũng chẳng sai. Vườn cam của anh em ông Lỷ và mấy người trong thôn Thọ nằm trên đỉnh núi của thôn Quang, cách mặt đất 800 mét. Mỗi lần lên chăm sóc hay thu hoạch, họ phải leo bộ mất gần 1 giờ đồng hồ. Đường lên vườn cam hun hút như trên “cổng trời”. Mùa đông, mây, sương giăng mù mịt đỉnh núi. Đứng trên vườn cam chẳng bao giờ nhìn thấy xóm làng bên dưới. Gánh mãi cũng mỏi, người trồng cam không đủ sức, họ lại phải nghĩ đến chuyện thuê người vận chuyển. Vào những hôm trời có độ ẩm cao hay mưa phùn, đường trơn dốc, nhiều người còn bị trượt chân trôi xềnh xệch, gánh cam vài chục cân lăn long lóc xuống vực, coi như bỏ đi. Mấy năm trước, giá cam bán tại chân núi 4.000-5.000 đồng/kg, họ đã phải mất 2.000 đồng vào công vận chuyển. Ông Lỷ có trên 4 ha cam trên núi, mỗi vụ được 70-100 tấn quả, thu trên 300 triệu đồng. Chưa kể đến thuốc, phân bón, riêng chi phí vận chuyển đã hết khoảng 150 triệu đồng.

Nghĩ cực nhọc việc trồng cam trên núi cao, đã vậy, đường vào Phù Lưu lại gập ghềnh khó đi, tư thương được đà ép giá. Tối tối, anh em ông Lỷ lại chụm đầu “bàn mưu tính kế”. Một ý nghĩ táo bạo đã hình thành ngay từ những người trồng cam trên núi cao này.

Và sự ra đời của cáp treo

Cách đây vài năm, ông Lỷ xem phim ảnh thấy cảnh nông dân ở nước ngoài đi ra đồng bằng ô tô, việc thu hoạch lúa đều bằng máy. Ông thấy nông dân mình nhiều nơi cũng làm được như vậy. Việc cơ giới hóa nông nghiệp sẽ giải phóng sức lao động cho nông dân, thay đổi thói quen canh tác lạc hậu và làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Ông thèm khát được sở hữu một cái trực thăng để vận chuyển cam, nhưng điều đó thực sự quá xa vời. Nhớ ngày trước, ông cũng bôn ba làm ăn khắp nơi, được đi đây đi đó. Ngắm những ca bin cáp treo chở khách du lịch bay lơ lửng trên không trung ở Bà Nà (Đà Nẵng), ông tưởng tượng đến những giỏ cam nhà ông cũng có thể “bay” được như thế từ trên núi xuống.

Nhưng làm được điều đó không phải chuyện đơn giản. Lại cùng ông anh vắt óc mày mò suy nghĩ để có thể căng được sợi dây cáp từ trên đỉnh núi xuống. Ông về Hà Nội tìm mua gần 1.000 mét dây cáp loại phi 16, thuê ô tô chở đến tận chân núi. Gần 5 ngày trời, ông thuê 15 thanh niên khỏe mạnh nhích từng mét cáp lên lưng chừng núi, như những thợ điện xây dựng đường dây 500 KV Bắc - Nam ngày trước. Rồi việc khó khăn nhất cũng xong. Ông lại đổ trụ bê tông ở hai điểm trên núi và dưới chân, thuê tời máy để kéo căng dây cáp. Điểm cáp trên đỉnh núi, ông đặt máy nổ và dùng hộp số cũ của ô tô để làm bộ điều tốc (điều chỉnh tốc độ). Thùng vận chuyển cam được làm bằng khung sắt, có thể chở được 5 tạ cam, được gắn bu li để chạy trên dây cáp, có dòng dây hạn chế tốc độ với bộ điều tốc. Khi thùng lên thì kéo bằng máy nổ, khi đưa cam xuống thì qua bộ điều tốc. Vậy là ý tưởng của ông Lỷ đã trở thành hiện thực. Tính mọi chi phí cho công trình này, ông phải bỏ ra khoảng 70 triệu đồng.

Chuyến hàng đầu tiên mà theo hai anh em nhà ông Lỷ là đã “đi vào lịch sử”, thùng cam từ trên đỉnh núi, cách hơn 800 mét lao vù vù xuống, kêu như trực thăng và đâm sầm vào 2 cái trụ bên dưới, mà tính ra thời gian chưa đầy 1 phút. Hai anh em nhìn đống cam nát lắc đầu ngao ngán. Ông Lỷ lại cất công xuống tận Quảng Ninh tìm mua hộp số cũ của máy cẩu thay cho hộp số của ô tô. Loại này có thể khống chế tốc độ đi xuống của thùng cam. Và ông đã thành công với cải tiến này. Hiện nay, thùng cam được đưa xuống với tốc độ chậm hơn, khống chế trong vòng 7-8 phút. Người dân bảo rằng, cáp treo của ông đã gần hơn với hình ảnh ca bin cáp treo ở Bà Nà. Ông Lỷ tâm đắc vô cùng.

Ông Lỷ ngậm ngùi nghĩ lại: “Nếu không ra được cái cáp treo này, với sức vóc của mình như bây giờ chỉ có tính đến chuyện bán vườn cam đi”. Từ ngày có cáp treo, ông chỉ mất có 500 đồng để vận chuyển 1 kg cam, đó là chi phí tiền dầu mỡ cho máy nổ, bảo dưỡng cáp treo. Mỗi năm ông cũng đỡ phải chi phí cỡ trên trăm triệu tiền vận chuyển. Gần tỷ bạc mà ông tiết kiệm được từ tiền vận chuyển cam, cộng với thu nhập cam từ mấy năm, ông dành đầu tư mở rộng cửa hàng cho vợ ông quản lý. Bây giờ cửa hàng nhà ông dài đến 30 mét, to như cái bách hóa tổng hợp. Bà Phạm Thị Oanh, vợ ông Lỷ giờ đây đã thấm thía và nể cái tính “khùng” của chồng mình lắm. Cùng trồng cam trên núi với ông có hơn chục hộ dân nữa. Dù bà con vẫn phải gánh cam từ vườn đến cáp treo nhà ông nhưng vẫn phấn khởi. Tiền thuê vận chuyển cam bằng cáp treo chẳng tốn bao nhiêu, lại không mất nhiều sức, vả lại ông Lỷ cũng chẳng lấy đắt ai bao giờ.

Nhiều người trồng cam trong huyện đã đến tham quan để học tập cái công trình có một không hai này mà xuýt xoa: “Ông Lỷ thật phi thường!”. Cáp treo đã có hiệu quả lớn về kinh tế, mang đến sự đổi thay cho người trồng cam ở thôn Thọ. Họ muốn làm theo ông nhưng ngại vì không thể làm được như ông. Ông Lỷ thì cứ động viên và mở hướng cho bà con: “Cứ góp vốn làm chung một chiếc, tôi sẽ giúp đỡ phần thi công!”.

Câu chuyện về cáp treo ở Phù Lưu và hiệu quả của nó thì vẫn còn dài. Nhưng sự thông minh, tính sáng tạo, dám nghĩ dám làm của những nông dân đã giúp họ thích nghi được với mọi điều kiện sống. Càng quan trọng hơn khi cả đất nước đang chung sức để thay đổi bộ mặt của nông thôn. Và ở Hàm Yên, còn rất nhiều những nông dân như thế…

Theo : TQDT

Tin cùng chuyên mục