Chung tay giữ vững thương hiệu Cam sành Hàm Yên

Xây dựng thương hiệu sản phẩm đã khó. Giữ được thương hiệu sản phẩm còn khó hơn. Xác định được đường hướng ấy, từ lãnh đạo huyện đến người trồng cam Hàm Yên đều một lòng vì người tiêu dùng và không ngừng nâng cao chất lượng Cam sành Hàm Yên.



Sản phẩm Cam sành Hàm Yên được bày bán tại Hội chợ Cam Sành Hàm Yên lần thứ nhất năm 2015.

Gắn kết sản xuất với người tiêu dùng

Trong những ngày cuối tháng 4, qua chợ thị trấn Hàm Yên tìm khắp cả chợ cũng không kiếm nổi một quả cam nào. Chị Nguyễn Thị Hồng, bán hàng ở chợ bảo, mùa này hỏi mua cam cả huyện không có.

Trước đây vào những năm 2007 - 2008 người dân chưa hiểu về an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng sản phẩm nông sản thì đưa cam ở các vùng khác về bán. Nhưng vài năm trở lại đây, công tác tuyên truyền được tăng cường, huyện thường xuyên kiểm tra giám sát việc thu hái vận chuyển đảm bảo chất lượng nên nhận thức của người dân được nâng lên. Chị Tạ Thị Thu, Giám đốc Trung tâm cây ăn quả huyện cho biết, cam trên địa bàn huyện bắt đầu cho thu quả từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau. Nhờ có thương hiệu, người tiêu dùng biết đến vụ cam năm nay được mùa giữ giá. Theo kết quả tổng hợp của Phòng Nông nghiệp, hết năm 2015, trên địa bàn huyện có 4.881 ha cam, trong đó có 3.226 ha cho thu hoạch. Sản lượng cam thu hoạch đạt 43.873 tấn với giá bình quân cả vụ 11,5 triệu đồng/tấn, doanh thu cam vụ 2015 - 2016 đạt trên 500 tỷ đồng.

Đầu mỗi vụ cam, Trung tâm cây ăn quả huyện đều xây dựng kế hoạch tiêu thụ cụ thể. Trong đó đối với các xã tả ngạn sông Lô (Tân Thành, Phù Lưu, Minh Dân, Minh Khương) tổ chức thu hoạch cam sớm từ tháng 10 đến tháng 12, thị trường là miền Trung và miền Nam. Do thời tiết phía Nam nắng nóng, người tiêu dùng thường dùng cam vắt để lấy nước uống nên rất phù hợp với vùng cam bên sông mỏng vỏ, nhiều nước. Vụ thu hoạch 2015 - 2016, cam đi miền Nam chiếm 60% sản lượng quả. Đối với các xã hữu ngạn sông Lô, mùa thu hoạch bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 2, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Hà Nội và các tỉnh miền Bắc.

Chung tay vì thương hiệu Cam sành Hàm Yên


Cây cam giống sạch bệnh của Trung tâm Cây ăn quả
huyện Hàm Yên được trưng bày tại Hội chợ Cam Sành
Hàm Yên lần thứ nhất năm 2015.

Nguyên là công nhân đội 64 lâm trường Hàm Yên, anh Trần Văn Hồng, ở thôn 1 Tháng 10, xã Yên Lâm, bắt tay vào việc trồng cam từ năm 1992. Những cây trồng ngày ấy đến nay đã 23 năm vẫn đang cho thu quả. Lý giải về tuổi thọ cây cam, anh Hồng bảo 3 yếu tố ảnh hưởng đến năng suất và tuổi thọ của cam là đất đai, khí hậu và khâu  chăm sóc. Gia đình anh trồng cam theo đường đồng mức và chăm sóc vườn cam chủ yếu dùng phân hữu cơ nên sản lượng cam hàng năm đều đạt trên dưới 30 tấn quả. Người trồng cam có thu nhập ổn định khoảng 300 triệu đồng/năm là nhờ cam sành Hàm Yên đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm. Anh Hồng khẳng định: Các hội viên Hội Cam sành Hàm Yên có nội quy rất chặt chẽ về bảo vệ thương hiệu sản phẩm. Chúng tôi có chung quan điểm: Thương hiệu còn thì sản phẩm cam còn và lợi ích của người trồng cam đảm bảo; thương hiệu mất thì người bị tổn thương và thiệt hại nặng nề nhất chính là những người trồng cam. Chính vì thế không có hội viên và người trồng cam nào ở huyện Hàm Yên sử dụng chất bảo quản ủ cam. Chị Tạ Thị Thu, Giám đốc

Trung tâm cây ăn quả chia sẻ, trước đây khi cam chưa có thương hiệu, người trồng cam liêu xiêu vì tư thương ép giá, người tiêu dùng muốn thưởng thức cam sành chính hiệu Hàm Yên cũng khó khăn. Nhờ  có sự chung tay của tỉnh và huyện trong việc tìm kiếm thị trường, quảng bá giới thiệu sản phẩm tại các siêu thị, sân bay, mà vài năm gần đây người trồng cam Hàm Yên tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, giá bán ổn định. Anh Nông Huy Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên cho biết, UBND huyện chỉ đạo người trồng cam tuyệt đối không sử dụng bất cứ chất bảo quản nào đối với cam nhằm tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng với cam Hàm Yên.

 
Theo: TQĐT 

Tin cùng chuyên mục