Hàm Yên nâng cao hiệu quả trồng cam trên đất chu kỳ II

Một trong những nội dung quan trọng của Đề án Phát triển vùng sản xuất Cam sành tại Hàm Yên (giai đoạn 2014 - 2020) là áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất cam trên đất chu kỳ II.


Diện tích cam trên đất chu kỳ II chủ yếu được trồng bằng giống cam sạch bệnh do Trung tâm Cây ăn quả Hàm Yên cung cấp.

Sau 10 năm trồng cam chu kỳ I, gia đình ông Nguyễn Văn Nhượng, thôn Làng Vai, xã Minh Dân thấy đất đã bạc màu nên đã không trồng lại. Năm 2009, ông đã mạnh dạn nhận thực hiện mô hình trồng cam sành trên đất chu kỳ II do Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên thử nghiệm với 600 gốc, thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật do các cán bộ hướng dẫn. Đến năm thứ 3, diện tích cam đã bắt đầu cho thu hoạch. Hàng năm đem lại nguồn thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng cho gia đình ông. Hiện gia đình ông đã lấy thêm 200 cây giống để tiếp tục trồng trên đất chu kỳ II. 

Theo Trung tâm cây ăn quả huyện Hàm Yên, đất chu kỳ II là loại đất đã từng trồng cam, trước đây việc trồng lại cam trên loại đất này thường gặp rất nhiều khó khăn, cam thường phát triển kém, dễ bị nhiễm sâu bệnh. Tuy nhiên một vài năm trở lại đây, nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, người dân tại nhiều địa phương của huyện đã có thể trồng cam trên đất chu kỳ II. 

Để đảm bảo diện tích trồng cam đúng quy hoạch theo đề án, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích, trồng mới cam theo khu vực đã được quy hoạch, Trung tâm Cây ăn quả huyện đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên trồng thử nghiệm một số giống cam mới như BH 32, cam sành không hạt, cam mật không hạt; qua đó theo dõi sự thích ứng của giống trên đất chu kỳ II vừa để bổ sung cơ cấu giống phù hợp với điều kiện tự nhiên và nhu cầu thị trường. 

Cùng với việc chủ động sản xuất giống cam sành sạch bệnh tại hệ thống nhà lưới, Trung tâm Cây ăn quả huyện cùng với các cơ quan chuyên môn thực hiện một số nghiên cứu liên quan đến quy trình, kỹ thuật chăm sóc, sử dụng phân bón, khả năng chống chịu bệnh, phòng trừ sâu hại cho cam. Toàn huyện tiếp tục triển khai nghiên cứu và thử nghiệm việc trồng cam sành không hạt, cam mật không hạt. Đề tài sử dụng mắt ghép cam sạch bệnh, kết hợp sử dụng thuốc điều hòa sinh trưởng nhằm đem đến những giống cam sành tỷ lệ hạt thấp, chất lượng thơm ngon, chiếm ưu thế vượt trội trong việc cạnh tranh trên thị trường. 

Tính đến thời điểm hiện nay, trong 4.982 ha diện tích cam sành phát triển của huyện Hàm Yên thì có trên 430 ha được trồng trên đất chu kỳ II, tập trung nhiều ở các xã Phù Lưu, Minh Dân, Yên Lâm, Bạch Xa. Cùng với việc khuyến khích người dân tiếp tục trồng cam trên đất chu kỳ II để duy trì vùng sản xuất cam sành hàng hóa, các cơ quan chuyên môn của huyện Hàm Yên cũng chú trọng bám sát địa bàn, thực hiện các quy trình hướng dẫn kỹ thuật, đặc biệt là sản xuất cam chất lượng cao theo hướng VietGAP. Từ đó, nâng cao hơn nữa hiệu quả của các diện tích đất “tái sử dụng” này. Thành công của việc triển khai trồng cam sành trên đất chu kỳ II và kết quả bước đầu của dự án trồng cam sành, cam mật không hạt tại huyện Hàm Yên đang mở ra hướng đi mới cho người nông dân trong việc duy trì vùng sản xuất cam sành hàng hóa, nâng cao đời sống cho người dân địa phương.       

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục