Hàm Yên phấn đấu đạt trên 40.000 tấn cam sành

Niên vụ 2016 - 2017, huyện Hàm Yên phấn đấu đạt sản lượng cam từ 40.000 - 45.000 tấn. Hiện các hộ trồng cam đang tập trung chăm sóc để cam phát triển, đảm bảo năng suất và chất lượng cam quả.

Thời tiết đang có những diễn biến thất thường là điều kiện thuận lợi để các loại sinh vật hại phát sinh trên cây cam như rệp muội, sâu vẽ bùa, bệnh loét, sẹo, bệnh vàng lá, thối rễ hại cục bộ trên một số vườn cam... Tỷ lệ nhện đỏ gây hại trung bình 3,5 - 4% lá, nơi cao 25% lá; nhện trắng, rám vàng hại trung bình 3,5 - 4% quả, nơi cao 25% quả. Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Hàm Yên đã phân công cán bộ thực hiện nhiệm vụ điều tra, phát hiện, thông báo, hướng dẫn người sản xuất phòng trừ kịp thời sâu bệnh trên cây cam...


Cán bộ Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Hàm Yên trao đổi kỹ thuật chăm sóc cam cho các hộ tại xã Bằng Cốc.

Gia đình anh Đặng Văn Điệp, thôn 3 Đồng Ca, xã Nhân Mục tiến hành phát dọn cỏ, tỉa cành, tạo tán, bón phân, chống gẫy cành cho gần 500 gốc cam sành. Nhờ được tham gia tập huấn các kỹ thuật trồng và chăm sóc cam nên năm nay vườn cam của anh Điệp sai quả hơn nhiều mặc dù mới bước sang năm thứ 6. Anh dự tính, năm nay gia đình anh thu trên 30 tấn quả.

Bằng Cốc là 1 trong 13 xã nằm trong vùng sản xuất cam sành hàng hóa của huyện Hàm Yên. Toàn xã hiện có gần 200 ha trồng cam sành, trong đó có trên 50 ha đang cho thu hoạch. Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Khắc Bông cho biết, nhằm giữ vững và phát triển thương hiệu cam sành Hàm Yên, xã đã thực hiện công tác chỉ đạo và đẩy mạnh tuyên truyền vận động các hộ trồng cam tập trung chăm sóc cho cây cam sành theo đúng quy trình đặc biệt là đối với các hộ tham gia sản xuất cam sạch VietGap, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Do thực hiện đúng các quy trình từ khâu chọn giống, trồng và chăm sóc nên cam phát triển tốt, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nếu thời tiết thuận lợi, vụ thu hoạch năm 2016 này, lượng cam của xã đạt gần 700 tấn, tăng hơn vụ thu hoạch trước gần 100 tấn, mang doanh thu cho người trồng cam trên 7 tỷ đồng.

Cùng với việc phát triển diện tích theo hướng sản xuất hàng hóa, xã Phù Lưu đang tiếp tục triển khai áp dụng quy trình sản xuất cam sạch trên toàn bộ diện tích theo hướng VietGap nhằm kéo dài tuổi thọ cho cây, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng và vệ sinh môi trường. Xã có diện tích trồng cam chiếm gần 40% diện tích cam của huyện, trong đó trên 1.000 ha diện tích cam đang cho sản phẩm. Nhờ chú trọng nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm của cây cam sành bằng quy trình sản xuất an toàn nên cam ở Phù Lưu đã có chỗ đứng nhất định tại thị trường trong và ngoài tỉnh, giúp các hộ nông dân nơi đây có thu nhập từ 100 triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Huyện Hàm Yên hiện có 138 trang trại trồng cam được cấp giấy chứng nhận. Cùng với các chính sách khuyến khích riêng của huyện về phát triển kinh tế trang trại, huyện cũng đang thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại và Nghị quyết số 12 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh của Hội đồng nhân dân tỉnh. 

Đến cuối tháng 9, huyện Hàm Yên có 50 trang trại và 14 hộ trồng cam có nhu cầu vay vốn. Trong đó, có 11 trang trại và 9 hộ trồng cam đã được vay vốn, với tổng số tiền trên 4,7 tỷ đồng. Từ đó đã tạo đà phát triển cho các hộ trồng cam, góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho người dân.

 
Theo: TQĐT  

Tin cùng chuyên mục