Hàm Yên phát triển vùng cây ăn quả

Ngoài thế mạnh về cây chè, mía huyện Hàm Yên cũng triển khai kế hoạch phát triển vùng cây ăn quả của huyện. Hiện nay, diện tích trồng cam của huyện là 4.982 ha, cùng với đó là các loại cây quýt 47,3 ha; cây nhãn 57 ha; cây vải 120 ha, cây bưởi 75,4 ha.

Thực hiện Đề án Phát triển vùng sản xuất cây cam sành tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2014 - 2020, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển vùng sản xuất cam, phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng thành viên, đảm bảo hoàn thành đề án theo đúng tiến độ. 


Cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Hàm Yên hướng dẫn nông dân xã Tân Thành (Hàm Yên) chăm sóc cam.

Hội Cam sành, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Phong Lưu lựa chọn các chủ vườn lớn, hướng dẫn các hộ sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật để thực hiện liên kết trong sản xuất cam an toàn và tiêu thụ sản phẩm; thường xuyên kiểm tra hướng dẫn kỹ thuật thu hái, đóng gói cung cấp sản phẩm cam cho siêu thị BigC và thị trường tiêu thụ tại miền Nam. Trong giai đoạn thu hoạch, các tổ chức hội đã thường xuyên thông tin thị trường để nhân dân nắm bắt được giá cả, lượng hàng cần tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố. 

Phù Lưu là một trong những xã có diện tích cây ăn quả lớn nhất huyện với diện tích trồng cam lên tới 1.880 ha, 25,5 ha quýt, 11,7 ha nhãn, 9,8 ha vải, 4,4 ha bưởi. Sản phẩm cam của xã nhiều năm nay được các thương lái đến tận nơi thu mua bán ra các siêu thị lớn tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, trong đó Siêu thị BigC tiêu thụ 700 tấn, Siêu thị Metro tiêu thụ 400 tấn, Siêu thị Co.opMart tiêu thụ 100 tấn. Điển hình là hộ ông Nông Văn Lâm, thôn Pá Han, xã Phù Lưu đã tập trung trồng và chăm sóc 2.000 cây cam đã cho thu hoạch. Trung bình mỗi năm gia đình ông đã thu về trên 100 tấn cam, thu về 1 tỷ đồng. Cùng với đó, ông Lâm còn trồng 160 cây cam Valenxia, 50 cây quýt Phủ Quỳ và trên 100 cây chanh tứ mùa. Trong quá trình trồng và chăm sóc cây ăn quả, ông Lâm còn tích cực hướng dẫn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trồng cam với bà con nông dân trong thôn, nhằm tạo ra sự liên kết trong phát triển sản xuất bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa.

Bên cạnh cây cam với diện tích trên 203 ha, 20 ha thanh long, 10 ha chanh tứ mùa thì giờ đây trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của xã Yên Phú còn có thêm 30 ha diện tích cây táo, một loại cây ăn quả đặc sản đã và đang được nhiều nông dân lựa chọn. Vùng trồng táo tập trung chủ yếu ở 4 thôn: Làng Chiềng, 1A Thống Nhất, 1B Thống Nhất và thôn 3 Thống Nhất. Hiện Yên Phú đang duy trì 3 giống táo chính là Táo đại đường, táo Đài Loan, táo xuân 21. Đây là những giống táo có năng suất và chất lượng vượt trội. Hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn xã Yên Phú nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả sang đầu tư trồng táo, nhờ đó mà chất lượng cuộc sống và diện mạo nông thôn ở đây đã có sự cải thiện đáng kể. Thu nhập bình quân của người dân trung bình đạt 1,1 triệu đồng/người/tháng.

Trong quy hoạch phát triển trồng trọt của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đối với cây ăn quả, huyện Hàm Yên được quy hoạch với vùng cây cam trong nhóm cây đặc trưng, đặc sản với diện tích quy hoạch là 7.710 ha, cây bưởi 20 ha... Đây sẽ là tiền đề giúp huyện có những định hướng phát triển, quy hoạch vùng cây ăn quả tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục