![]() Cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Hàm Yên hướng dẫn người trồng cam tại xã Yên Phú nhận biết sâu bệnh trên cây cam. |
Thôn 2 Thống Nhất, xã Yên Phú có trên 90% số hộ dân trồng cam. Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng thôn cho biết, hiện nay nhiều hộ dân trong thôn đã tiến hành xong việc cắt tỉa các cành bị sâu bệnh, cành yếu, cành nằm trong tán không có khả năng mang quả. Đồng thời, làm sạch cỏ quanh gốc để hạn chế việc cạnh tranh nước và mất dinh dưỡng, ngăn chặn sự xâm nhập của sâu bệnh. Với sự hướng dẫn cụ thể của cán bộ khuyến nông, nhiều hộ đã tăng cường vun xới đất, bón phân tùy theo độ tuổi cây và số lượng phù hợp, đảm bảo cây luôn xanh tốt, phát triển khung tán khỏe.
Theo ông Vũ Bình Luận, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện, từ đầu năm đến nay, Trạm Khuyến nông phối hợp Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện tổ chức 30 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) cây cam cho trên 1.250 lượt người tại các xã và thị trấn. Chương trình tập huấn kết hợp giữa học lý thuyết trên lớp và thực hành tại vườn cam của các hộ tham gia lớp tập huấn.
Anh Nình Văn Hòa, thôn Pá Han, xã Phù Lưu chia sẻ, khi tham gia lớp tập huấn IPM, anh đã nắm được và áp dụng quy trình kỹ thuật chăm sóc cây cam qua các thời kỳ sinh trưởng để cây khỏe như: Dùng vòi nước áp lực lớn để rửa trôi nhện, rệp và một số nấm bệnh hại quả làm cho mã quả đẹp mà không cần dùng thuốc bảo vệ thực vật, bón phân cân đối kết hợp giữa phân chuồng qua ủ hoai mục, phân vi sinh và phân hóa học làm cho đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng.
Hiện toàn huyện có 129,7 ha cam sành được cấp giấy chứng nhận VietGAP, với 55 hộ tham gia. Việc các hộ trồng cam tuân thủ theo đúng quy trình VietGAP không chỉ hạn chế được tình trạng sâu bệnh, giúp kéo dài tuổi thọ cây mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm. Với nhiều năm kinh nghiệm trồng cam, ông Hoàng Văn Áo, Tổ trưởng Tổ sản xuất cam VietGAP, thôn Thuốc Thượng 1, xã Tân Thành cho biết, việc ưu tiên dùng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, thảo mộc, phòng trừ cỏ dại bằng phương pháp thủ công như rẫy cỏ bằng cuốc hoặc phát bằng máy sẽ giúp bảo vệ hệ sinh thái vườn tốt, hạn chế rửa trôi xói mòn đất, không gây ô nhiễm môi trường.
Theo ông Nguyễn Hữu Hậu, Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, diện tích cam trên địa bàn huyện đang ở giai đoạn quả phát triển. Ngoài việc loại bỏ những quả sâu bệnh, dị hình, nhỏ và quả quá nhiều trên một cành, người trồng cam cần lưu ý một số loại sâu bệnh thường xuất hiện trong giai đoạn này như sâu đục thân, đục cành, ruồi vàng hại quả, nhện đỏ, nhện rám vàng, bệnh thán thư, vàng lá greening do vi khuẩn. Khi phát hiện cây trong vườn có hiện tượng bị sâu bệnh, người trồng cam cần vệ sinh vườn sạch sẽ, thông thoáng, thu dọn tiêu hủy quả rụng để hạn chế sự lây lan phá hoại. Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo theo nguyên tắc 4 đúng.
Gửi phản hồi