Hàm Yên phòng trừ sâu bệnh cho cây cam bằng thuốc hữu cơ

Cam sành là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Hàm Yên. Niên vụ 2018-2019, để đạt mục tiêu sản lượng trên 77.400 tấn quả, các cơ quan chuyên môn của huyện tích cực hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây cam cho các hộ nông dân.

 

Huyện Hàm Yên hiện có 7.022 ha cam, trong đó, diện tích đang cho thu hoạch là 4.557 ha, diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP là 130 ha. Ngay sau khi kết thúc vụ thu hoạch, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn chủ động tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cam cho nông dân các xã, thị trấn. Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức 19 lớp trồng và chăm sóc cam cho 767 người tham gia, hướng dẫn người dân cách bón phân hợp lý và các biện pháp phòng trừ khi xuất hiện sâu, bệnh trên cây cam.


Anh Đặng Văn Ánh, thôn 3 Thuốc Thượng, xã Tân Thành (Hàm Yên) phun thuốc hữu cơ cho vườn cam.

Hiện nay, đối với diện tích cam đang cho thu hoạch thì cây đang ở giai đoạn quả phát triển, phải đối mặt với nhiều loại sâu bệnh hại. Ông Nguyễn Hữu Hậu, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết, nhện đỏ, rệp sáp, rầy, bệnh vàng lá thối rễ, chảy mủ… là những đối tượng sâu bệnh thường xuất hiện trên cây cam. Trạm đã thường xuyên hướng dẫn bà con cắt tỉa cành thông thoáng, kết hợp làm cỏ và sử dụng phân bón hữu cơ để hạn chế khả năng cây bị sâu bệnh hại. Khi cây xuất hiện sâu bệnh, người trồng cam phải thường xuyên thăm vườn, theo dõi tình hình sinh trưởng của cây và tiến hành phun thuốc theo đúng hướng dẫn kỹ thuật.

Gia đình anh Đặng Văn Ánh, thôn 3 Thuốc Thượng, xã Tân Thành hiện đang tập trung bón phân, phun thuốc hữu cơ vi sinh cho vườn cam. Anh Ánh cho biết, gia đình anh có trên 300 gốc cam từ 4 - 5 tuổi, nhiều diện tích vườn cam của gia đình bị bệnh vàng lá thối rễ. Được sự trợ giúp của cán bộ Trạm Khuyến nông huyện, anh đã chuyển đổi phương thức canh tác từ sử dụng thuốc hóa học sang dùng thuốc hữu cơ vi sinh, những cây bị bệnh đã có biểu hiện phục hồi, lộc non to hơn, xanh hơn, bộ rễ không còn bị thối. Trong quá trình cây đang cho quả phát triển, anh phải theo dõi và cung cấp đầy đủ nước cho cây.

Đối với các vườn cam được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, cơ quan chuyên môn của huyện luôn cử cán bộ xuống tận vườn hướng dẫn các quy trình kỹ thuật theo đúng tiêu chuẩn VietGAP. Gia đình bà Hoàng Thị Lâm, tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên tham gia tổ sản xuất cam VietGAP từ năm 2016. Với 400 gốc cam sành đã cho gia đình bà thu về gần 300 triệu đồng/vụ. Bà cho biết, trước đây nếu chăm sóc theo cách thông thường, ước tính phải bỏ ra không dưới 20 triệu đồng/ha để mua phân bón, thuốc trừ sâu, thì từ khi tham gia trồng cam VietGAP, gia đình bà hoàn toàn sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học, chi phí giảm tới 50%, cây phát triển và sinh trưởng tốt, ít khi xuất hiện sâu bệnh.

Với mục tiêu đưa sản phẩm cam sành có mặt tại nhiều thị trường “khó tính” trong nước và hướng đến xuất khẩu, huyện đang khuyến khích áp dụng sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP cho 100% diện tích của toàn huyện, cùng với nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại nhằm nâng cao uy tín chất lượng sản phẩm cam sành Hàm Yên.      

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục