Hàm Yên phòng trừ sâu bệnh hại cam

Cam sành Hàm Yên đang trong giai đoạn phát triển quả mạnh, trên một số diện tích đã phát sinh một số bệnh như: Thán thư, nhện, rệp, vàng lá, thối rễ... Hiện, các ngành chức năng của huyện tập trung hướng dẫn người dân phòng trừ sâu bệnh hại, không để dịch bệnh phát triển làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng quả khi thu hoạch.

 


Người dân xã Tân Thành (Hàm Yên) phun thuốc hữu cơ vi sinh phòng trừ sâu bệnh hại vườn cam.

Xã Tân Thành có diện tích cam nhiều thứ 2 trên địa bàn huyện với 958 ha, trong đó cam VietGAP là 150 ha, cam cho thu hoạch 800 ha. Để phòng trừ sâu bệnh hại cam, UBND xã Tân Thành đã tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc 3 loại cây gồm: Cây cam, cây mía và cây chè để bà con chủ động phương pháp chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại. Xã hướng dẫn bà con sử dụng đúng loại thuốc phòng trừ dịch bệnh. Đối với nhóm nhện đỏ, nhện trắng và nhện rám vàng là tác nhân gây bệnh loét, ghẻ sẹo cần tưới nước giữ ẩm dạng phun mưa rửa trôi, hạn chế mật độ nhện. 

Tại xã Yên Phú, các hộ trồng cam thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện sâu bệnh và có biện pháp phòng trừ. Gia đình anh Đặng Văn Chu, thôn 9 Minh Phú mới tập trung bón phân, phun thuốc hữu cơ vi sinh cho vườn cam được 1 tuần. Anh cho biết, vườn cam của gia đình xuất hiện bệnh loét trên lá và quả non do vi khuẩn gây hại. Được sự trợ giúp của cán bộ khuyến nông xã anh đã cắt bỏ các cành lá, quả bị nhiễm nặng đem tiêu hủy. Đồng thời, bón phân cân đối, tạo cây khỏe và từng bước chuyển đổi phương thức canh tác từ sử dụng thuốc hóa học sang dùng thuốc hữu cơ vi sinh, hiện những cây bị bệnh đã có biểu hiện phục hồi. 

Đối với các vườn cam được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất định hướng hữu cơ, các cơ quan chuyên môn của huyện cử cán bộ xuống tận vườn hướng dẫn quy trình kỹ thuật theo đúng tiêu chuẩn. Ông Lê Quý Đáng, tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên trồng cam theo mô hình bón phân hữu cơ vi sinh với 1ha từ năm 2017 đến nay. Quá trình chăm sóc theo hướng hữu cơ cũng hạn chế rất nhiều sâu bệnh hại nên không mất nhiều tiền đầu tư thuốc bảo vệ thực vật, so với trồng cam thông thường thì giảm được 50% chi phí phòng trừ sâu bệnh.

Ông Nguyễn Hữu Hậu, Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết, cam đang ở giai đoạn quả nhỏ, một số diện tích sâu bệnh đã phát sinh gây hại như nhóm nhện, sâu vẽ bùa, rệp sáp, bệnh sẹo, bệnh loét, bệnh thán thư, bệnh vàng lá, thối rễ... Đây cũng là những đối tượng thường xuyên xuất hiện trên cây cam. Trạm đã thường xuyên hướng dẫn bà con cắt tỉa cành thông thoáng, kết hợp làm cỏ và sử dụng phân hữu cơ hoai mục có bổ sung vi sinh vật có ích, phân bón có nguồn gốc sinh học giúp cải tạo đất tơi xốp, tăng sức đề kháng, cây sinh trưởng phát triển tốt, giúp cân bằng hệ sinh thái vườn cam nói riêng và vườn cây có múi nói chung, hướng đến phát triển bền vững cây cam sành. 

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục