Hàm Yên quy hoạch phát triển vùng sản xuất cam tập trung

Từ lâu Hàm Yên đã được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện thổ nhưỡng, tiểu vùng khí hậu để phát triển những loại cây ăn quả có múi, đặc biệt là đối với cây cam sành. Đây là một trong những loại cây trồng mũi nhọn của huyện trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.


Cây cam sành là một trong những loại cây trồng mũi nhọn  trong mục

tiêu phát triển kinh tế, xã hội của huyện Hàm Yên.

 

Để khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương, UBND tỉnh Tuyên Quang đã thông qua đề án phát triển vùng sản xuất cam tập trung huyện Hàm Yên, giai đoạn 2014 - 2020. Trong đó quy hoạch tập trung tại 13 xã trên địa bàn huyện, nhằm phấn đấu đến 2020, diện tích cam của Hàm Yên sẽ đạt 5.000 ha, trong đó trồng mới trên 1.000 ha.

 

Hiện nay toàn huyện Hàm Yên đang duy trì trên 4.000 ha cam sành, tập trung chủ yếu tại 9 xã phía bắc của huyện, trong đó diện tích cam sành đang cho thu hoạch là gần 2.400ha. Vài năm trở lại đây, nhờ việc tích cực triển khai xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; đồng thời tập trung tuyên truyền vận động người dân tham gia trồng cam áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu lựa chọn giống, phương thức trồng, chăm sóc và thu hoạch sản phẩm, nên đến nay cây cam sành của huyện đã tăng cả về diện tích, năng suất và chất lượng sản phẩm. Nếu trước năm 2000, diện tích cam của huyện mới chỉ có 2.000 ha thì đến năm 2014, diện tích đã phát triển lên tới gần 4.500ha; sản lượng đạt 31.000 tấn. Đặc biệt, giá trị sản xuất từ cây cam mang lại đạt trên 300 tỉ đồng. Nhờ đó, hàng nghìn hộ nông dân tại 9 xã vùng trọng điểm cam của huyện đã có thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỉ đồng trong mỗi niên vụ sản xuất và cây cam đã có vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của huyện trong nhiều năm qua.


Đề án phát triển vùng sản xuất cam tập trung của huyện Hàm Yên, giai đoạn 2014 - 2020 sẽ tập trung vào việc mở rộng diện tích từ 9 xã lên 13 xã; tiếp tục mở các lớp tập huấn tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giúp bà con nông dân tại các xã nằm trong quy hoạch có điều kiện đầu tư thâm canh tăng năng suất, sản lượng và chất lượng cây trồng; đồng thời huyện cũng phối hợp nghiên cứu những tiến bộ mới về giống để bảo tồn nguồn gen trong lai ghép nhằm cung cấp cho nhu cầu trồng cam trong nhân dân. Đặc biệt, huyện cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ trồng cam về vốn để xây dựng trang trại, gắn với việc thực hiện đồng bộ các khâu tiếp thị, quảng bá, tăng cường liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cam trên thị trường trong nước và xuất khẩu, nhằm qua đó tạo ra công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.


Đề án phát triển vùng sản xuất cam tập trung của huyện Hàm Yên đã và sẽ mở ra những triển vọng tích cực tại các xã nằm trong vùng quy hoạch. Để thực hiện tốt đề án, huyện Hàm Yên đang từ bước nâng cao chất lượng, mẫu mã của sản phẩm cam sành và nhất là hướng nông dân thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Phấn đấu toàn huyện tăng năng suất lên 150 tạ/ha vào năm 2020, sản lượng đạt 65.000 tấn quả và giá trị đạt 1.300 tỉ đồng./.

Theo: TTV

Tin cùng chuyên mục