Hàm Yên sản xuất cam an toàn

Huyện Hàm Yên hiện có 30,7 ha cam trồng theo hướng an toàn VietGAP đã được cấp giấy chứng nhận. Ngoài ra, người dân đã chủ động đăng ký tham gia thực hiện trồng và chăm sóc cam theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP với tổng diện tích hơn 100 ha. Hiện huyện và các đơn vị liên quan chuẩn bị lấy mẫu kiểm định chất lượng để cấp giấy chứng nhận cho những hộ đủ tiêu chuẩn.

 


Cam trồng theo quy trình sản xuất VietGAP của người dân thôn 1 Thuốc Thượng, xã Tân Thành (Hàm Yên)

 

Thôn 1 Thuốc Thượng, xã Tân Thành có 12,7 ha cam được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài 12,7 ha cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, thôn có hơn 80 ha cam. Vụ cam năm 2015, cả thôn thu hoạch được hơn 1.000 tấn cam, thu về hơn 9 tỷ đồng.

Ông Hoàng Văn Áo, thôn 1 Thuốc Thượng cho biết, thực hiện mô hình VietGAP, năng suất bình quân mô hình đạt 30 tấn/ha, cao hơn 13% so với sản xuất đại trà, tăng hiệu quả kinh tế khoảng 28 - 30%. Hiện cam của thôn đã bắt đầu cho thu hoạch, số lượng quả đồng đều, từ 80 đến 90% số cam đạt loại A. Cam chưa thu hoạch nhưng nhiều doanh nghiệp đã lên để đặt mua toàn bộ sản phẩm cam VietGAP của người dân trong thôn. 

Theo ông Đỗ Hữu Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, không chỉ thôn 1 Thuốc Thượng, từ đầu năm 2016, tại hai thôn 4, 5 Thuốc Hạ của xã Tân Thành, người dân được tư vấn hướng dẫn tất cả nội dung, kỹ thuật, quy trình sản xuất cam VietGAP. Sau khi được hướng dẫn, người dân tại hai thôn đã đăng ký trồng với diện tích 30 ha.

Bà Mạc Thị Thường, thôn 4 Thuốc Hạ có 4 ha trồng theo quy trình sản xuất VietGAP. Theo bà Thường, từ khi trồng cam theo hướng VietGAP, năng suất và chất lượng của quả cam tăng cao từ đó thu nhập của gia đình tăng lên. Bà dự kiến vụ cam này sẽ thu trên 100 tấn quả. 

Xã Phù Lưu hiện có 8 ha cam được cấp giấy chứng nhận cam VietGAP, song từ năm 2015, 100% hộ trồng cam trong xã đã tự nguyện ký cam kết sản xuất cam theo hướng sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Đỗ Hữu Ước, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu cho biết, sản phẩm cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP luôn được thương lái chọn mua trước vì chất lượng tốt và để được lâu. Sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ góp phần giữ vững uy tín sản phẩm cam sành của địa phương mà còn tăng hiệu quả kinh tế của cây cam lên trên 30 triệu đồng/ha.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên, ngay từ đầu vụ cam năm 2016, cán bộ phòng nông nghiệp huyện đã cùng với đơn vị tư vấn tới các xã để hướng dẫn quy trình chăm sóc cam VietGAP cho người dân và khảo sát lấy mẫu đất một số địa điểm mà người dân đăng ký thực hiện, từ đó chọn vị trí thích hợp tư vấn người dân triển khai mô hình. Huyện cũng tư vấn người dân nên tham gia trồng với diện tích từ 10 ha trở lên có thể là hộ hoặc nhóm hộ tham gia, để vừa tiết kiệm chi phí, vừa tạo thành các vùng sản xuất cam an toàn theo quy mô lớn.

Theo rà soát thì hiện đã có nhiều hộ dân, tổ hợp tác thực hiện theo hướng dẫn với trên 100 ha tại các xã Phù Lưu, Tân Thành, Yên Phú, Bằng Cốc, Minh Dân. Tới đây, huyện sẽ cùng với đơn vị tư vấn vào các hộ đã thực hiện chăm sóc theo quy trình và hướng dẫn để lấy mẫu  kiểm định. Nếu cam đạt tiêu chuẩn sẽ được cấp giấy chứng nhận theo quy định.

Việc người dân bắt đầu tự ý thức được việc sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP là để giữ vững thương hiệu, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng cam là thành công lớn cho địa phương trong việc đưa sản phẩm cam sành vươn xa các thị trường trong và ngoài nước. Với sự vào cuộc mạnh mẽ từ người dân, chắc chắn tới đây diện tích cam an toàn của huyện Hàm Yên sẽ được mở rộng hơn với chất lượng và sản lượng tăng cao.             

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục