Hàm Yên tập trung chăm sóc cây cam sau thu hoạch

Cây cam sành hiện là một cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện Hàm Yên. Cùng với mở rộng diện tích, thời điểm này bà con nông dân đang tập trung chăm sóc để cây cam sinh trưởng và phát triển tốt, đảm bảo năng suất, chất lượng cho vụ cam năm 2016.

Huyện Hàm Yên hiện có trên 4.900 ha cam sành, tập trung ở các xã Phù Lưu, Minh Dân, Yên Thuận, Tân Thành, Yên Lâm, thị trấn Tân Yên. Vụ cam năm 2015, với trên 3.026 ha cho thu hoạch, năng suất ước đạt 13,7 tấn/ha, sản lượng ước đạt trên 46.000 tấn quả. Nhờ trồng cam, đời sống kinh tế của nhiều hộ dân được cải thiện. Sau khi kết thúc vụ thu hoạch năm 2015, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn chủ động tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam cho bà con nông dân các xã. 


Ông Nguyễn Hữu Hậu (người đầu tiên bên phải), Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện hướng dẫn các hộ trồng cam cách nhận biết sâu bệnh.

Hộ ông Hoàng Đức Chầm, thôn Yên Thịnh, thị trấn Tân Yên đang tập trung nhân lực chăm sóc, bón phân cho cây cam. Với kinh nghiệm trồng cam lâu năm, ông Chầm cho biết, việc làm cỏ, xới đất là rất quan trọng. Gần gốc thì xới nông, giữa các hàng thì xới sâu hơn để cho rễ cây cam phát triển. Cây cam ưa ẩm và ít chịu hạn, lại đang trong  thời kỳ ra hoa, kết quả ông luôn chú ý theo dõi, cung cấp nước đầy đủ cho cây; cắt bỏ cành khô, cành bị sâu bệnh, yếu, cành đâm xuyên tán để cho cây được thông thoáng...

Gia đình ông Đỗ Viết Cường, thôn Nậm Lương, xã Phù Lưu có gần 1.000 gốc cam, vụ cam vừa qua, gia đình ông thu hoạch trên gần 100 tấn quả, thu gần 800 triệu đồng. Với hiệu quả kinh tế từ cây cam, thời gian này, gia đình ông đang tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích trồng cam, đưa giống cam mới, sản lượng cao, chất lượng tốt vào thay thế những cây cam đã già cỗi. 

Ông Nguyễn Hữu Hậu, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Hàm Yên cho biết, thời điểm này cây cam bắt đầu ra hoa, đậu quả, bà con nông dân đang tập trung chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh. Trạm đã phân công cán bộ trực tiếp xuống các hộ dân để hướng dẫn cho bà con thực hiện cách bón phân, kịp thời phát hiện sâu bệnh và có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Với thời tiết thất thường như hiện nay, cây cam thường dễ bị một số sâu bệnh gây hại như: Sâu đục thân, nhện, rệp, bệnh thối gốc, ghẻ, chảy mủ… Trạm đã khuyến cáo bà con thường xuyên thăm vườn, theo dõi tình hình sâu bệnh, áp dụng quy trình phòng trừ tổng hợp, sử dụng các biện pháp sinh học, khi cây xuất hiện sâu bệnh cần phun các loại thuốc chuyên dùng theo đúng hướng dẫn kỹ thuật.

Đối với mô hình sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP, các hộ được hỗ trợ một phần vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; được tập huấn, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất. Hiện có 2 tổ sản xuất cam VietGAP  với trên 22 ha, có 21 hộ gia đình tham gia. Trong đó, 17 hộ gia đình với 12,7 ha của xã Tân Thành và 4 hộ gia đình với 10 ha của xã Yên Phú.

Năm 2015, cam sành Hàm Yên được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chứng nhận “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2015”. Để không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giữ vững thương hiệu, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể thực hiện tốt Đề án phát triển vùng sản xuất cam sành trên địa bàn; thực hiện chính sách khuyến khích, vận động bà con nhân dân phát triển vùng cam bền vững, đẩy mạnh việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, thực hiện quy trình kỹ thuật bảo quản chất lượng sản phẩm.         

 
Theo TQ ĐT 

Tin cùng chuyên mục