Mùa cam Phù Lưu

Giữa tháng 11, đường đến Phù Lưu (Hàm Yên) tấp nập những chuyến xe vận chuyển cam qua lại. Cam sành năm nay năng suất không cao như mọi năm, nhưng người trồng cam Phù Lưu vẫn vui, vì giá đầu vụ đã đạt 7.000 đồng/kg.

Nông dân nhìn xa trông rộng

Phù Lưu hiện là xã có diện tích trồng cam lớn nhất huyện Hàm Yên, với hơn 1.100 ha cam đang cho thu hoạch. Vì cam là cây trồng khó tính, chỉ cho quả ngọt khi được trồng trên những mảnh đất khô nước, thường cũng là cheo leo sườn đồi nên chuyện trồng cam, chăm sóc cam đã nhiều vất vả, thu hoạch cam lại càng là chuyện… phi thường.


Cam sành Hàm Yên bày bán tại Siêu thị BigC (Hà Nội).

6-7 năm trước, cứ đến mùa thu hoạch cam, người lao động từ trong xã, các xã lân cận lại tất bật với chuyện gánh cam thuê. Từ gánh cam, nhiều người có thu nhập ổn định, chuyện mua được xe máy sau một mùa gánh cam thuê là chuyện… thường thấy ở xã, vì thu nhập mỗi gánh cam cũng được trên 100.000 đồng, một ngày người dai sức có thể đi từ 3-4 chuyến. Nhưng việc vận chuyển bằng thuê người lao động vừa chậm, ảnh hưởng đến việc thu mua cam của các tiểu thương, vừa gây dập nát, ảnh hưởng đến chất lượng cam, nên người trồng cam ngày càng linh hoạt. Anh Hà Văn Hưng, cán bộ kỹ thuật Trung tâm cây ăn quả giới thiệu: “Người trồng cam Phù Lưu giờ đang sử dụng hai cách làm khá ngược chiều, nhưng lại có cùng tác dụng: Một hình thức vận chuyển cam bằng ròng rọc và một hình thức là vận chuyển cam bằng ngựa thồ. Phù Lưu hiện có 9 cáp treo để vận chuyển cam từ vườn”. Cáp treo được làm hết sức đơn giản, hai đầu cáp được cố định bởi hai cột trụ xi măng, có thể vận chuyển được vài tấn cam một lúc.

Anh Phạm Văn Sình, thôn Nặm Lương, một trong những hộ đầu tiên có cáp treo tại xã, cũng là thợ chính cho những hộ trồng cam có nhu cầu cho biết: Đầu tư mỗi chiếc cáp treo hiện mất khoảng 60 - 70 triệu đồng, tuy nhiên lại tiết kiệm ½ chi phí so với thuê công lao động gánh cam thông thường, chất lượng cam cũng được đảm bảo do không bị va đập dọc đường nhờ thế giá bán sẽ được cao hơn. Không chỉ vận chuyển cam mùa thu hoạch, cáp treo cũng chính là phương tiện để vận chuyển vật tư, phân bón từ chân đồi lên đỉnh đồi cam. Những hộ trồng cam ở đồi gần hơn thì vận chuyển cam bằng ngựa. Trung bình một con ngựa sẽ thồ được gấp đôi một người gánh cam khỏe nhất, nên giờ hầu hết những hộ trồng cam ở Phù Lưu đều nuôi thêm ngựa, hộ ít thì một con, hộ nhiều hơn thì 2-3 con. Đây là cách làm mà chính những cán bộ kỹ thuật cũng bất ngờ.

Ở Phù Lưu là các vườn cam đều nằm cách xa tuyến đường chính. Nếu như trước đây, mỗi chủ vườn cam phải thuê hai lượt người gánh: Một lượt gánh từ trên đỉnh đồi xuống đến chân vườn, một lượt từ chân vườn ra đến tuyến đường chính. Nhưng giờ hầu hết những người trồng cam đều tự bỏ tiền mở đường đến tận chân vườn. Anh Nông Văn Sự, thôn Táu năm nay cũng đã bỏ ra hơn 50 triệu đồng thuê máy móc mở con đường mới. Anh Sự bảo, vụ cam năm trước gia đình thu hơn 800 triệu đồng, nhưng mất hai lần tiền thuê nhân công gánh cam, vụ này để chủ động anh mở con đường rộng hơn 3 mét đến tận chân vườn. Thôn anh, chỉ những hộ trồng cam nằm cheo leo trên những sườn đồi, không thể đầu tư mở đường, còn lại những nhà trồng gần hơn đều tự mở đường đến tận chân vườn.

Diện mạo xã đổi thay

Phong trào trồng cam trên đất Phù Lưu có từ những năm 1990. Từ con số khiêm tốn ngót 10 hộ trồng cam thì đến nay Phù Lưu đã có 902 hộ trồng cam, với diện tích trên 1.100 ha. Nhiều hộ không những vươn lên thoát nghèo mà còn làm giàu từ cam với thu nhập xấp xỉ ngưỡng tỷ đồng/năm, điển hình như gia đình các ông: Hà Văn Minh, thôn Pác Cáp; Ma Văn Chấn, thôn Mường; La Văn Thiệp, thôn Nậm Lương... 

Ông Ma Hoa Tàm, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu cho biết: Khi cam sành Hàm Yên liên tiếp được bình chọn là Top 50 trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam, rồi Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam, người trồng cam Phù Lưu lại càng trân trọng và giữ gìn thương hiệu. Bởi lẽ, từ cây cam, nhiều ngôi nhà siêu vẹo dần biến mất để thế chỗ cho nhà xây cao tầng. Số học sinh tốt nghiệp THPT, theo học các trường trung học chuyên nghiệp là hơn 200 em. Xe máy trở thành phương tiện đi lại thông dụng mà hầu như nhà nào cũng có. Nhà ít thì một chiếc xe máy, nhà nhiều thì 3-4 chiếc; cả xã giờ có 5 xe ô tô tải, người lái xe cũng là chủ vườn cam.

Anh Nông Văn Kỳ, thôn Pá Han bảo, cây cam cho gia đình anh nhiều thứ, nên việc giữ gìn thương hiệu cam không bao giờ là thừa. 100% số hộ trồng cam ở Phù Lưu đã có ký cam kết sản xuất cam theo hướng an toàn, việc phun thuốc bảo vệ thực vật theo đúng hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, một số hộ đã bắt đầu sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là bước tiến quan trọng, khi cam sành ở Phù Lưu nói riêng và Hàm Yên nói chung đang từng bước chiếm lĩnh thị trường.

Cây cam hiện nay đang giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế của xã Phù Lưu. Tuy nhiên, một trong những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển vùng cam ở đây chính là chuyện không kiểm soát được diện tích trồng mới. Điều này đòi hỏi chính quyền xã cùng các cấp, ngành cần vào cuộc, quy hoạch vùng cam tại Phù Lưu nói riêng và các xã vùng cam nói chung trên địa bàn huyện, để không rơi vào tình trạng “khủng hoảng thừa” như đã xảy ra với nhiều loại sản phẩm nông nghiệp ở các địa phương trong nước. 

 
Theo: TQDT   

Tin cùng chuyên mục