Nâng cao hiệu quả sản xuất Cam sành Hàm Yên.

Đến nay, cam sành Hàm Yên đã đạt được rất nhiều danh hiệu, giờ đây không chỉ trong nước mà thương hiệu Cam sành Hàm Yên đã bắt đầu vươn ra các nước trong khu vực. Để giữ vững thương hiệu, hiện huyện Hàm Yên đã có nhiều giải pháp để giữ vững thương hiệu, nâng cao hiệu quả sản xuất, quảng bá sản phẩm cam sành đến với người tiêu dùng.

Thực hiện Nghị quyết của tỉnh về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh; cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; huyện Hàm Yên đã triển khai đến các xã, thị trấn trên địa bàn về nội dung chính sách cho vay có hỗ trợ lãi suất của tỉnh và thực hiện việc đăng ký cho vay có hỗ trợ lãi suất theo hướng dẫn liên ngành của tỉnh.

Tổng số trang trại có nhu cầu vay vốn đến thời điểm hiện nay là 48 trang trại, với số tiền 23,7 tỉ đồng. Cùng với đó, huyện Hàm Yên hoàn thành xây dựng vườn ươm giống cam sành sạch bệnh tại xã Tân Thành. Triển khai thực hiện quy hoạch và xây dựng chợ đầu mối cam cam sành tại xã Tân Thành.

Hỗ trợ kinh phí đánh giá và cấp giấy chứng nhận sản xuất cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP cho 4 trang trại và tổ hợp tác với số tiền 399 triệu đồng; xây dựng 2 mô hình sản xuất cam theo hướng VietGAP với diện tích 10 ha tại các xã Yên Phú, Tân Thành. Hoàn thành Dự án điều tra, đánh giá đất đai phục vụ phát triển vùng trồng cam huyện Hàm Yên.

Trong giai đoạn từ năm 2015-2020, huyện tập trung lãnh đạo chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể thực hiện tốt Đề án phát triển vùng sản xuất cam sành trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch phát triển cây cam hàng năm và tổ chức giao chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ phát triển cây cam trên địa bàn và quảng bá Thương hiệu cam sành Hàm Yên.

Cùng với đó, huyện rà soát, trình UBND tỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng trên 3.000 ha đất lâm nghiệp sang trồng cam; tổ chức quản lý, giám sát việc sử dụng đất đúng mục đích, đúng đối tượng.

Thực hiện sản xuất giống cam sạch bệnh đáp ứng nhu cầu trồng mới theo Đề án đã phê duyệt; liên kết sản xuất giống với các vườn sản xuất giống xã hội hoá trên địa bàn, các Viện nghiên cứu, Trường Đại học...

Cấp chứng nhận sản xuất cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP cho các trang trại, tổ hợp tác. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, gắn kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định với các siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Đầu tư nâng cao chất lượng cam sành trong vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tổ chức tập huấn cho các hộ nông dân về trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cam, những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho nông dân tại các xã trong vùng quy hoạch.

Tăng cường xúc tiến thương mại và quản lý chất lượng sản phẩm; tích cực huy động, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình, dự án tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, vùng sản xuất cam… Để cây cam sành thực sự là cây kinh tế chủ lực trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của huyện theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hàm Yên lần thứ XX đã đề ra./.

PV

Tin cùng chuyên mục