Nâng tầm thương hiệu cam sành Hàm Yên

Chứng nhận VietGAP được coi là mốc đánh dấu quan trọng giúp nâng tầm thương hiệu cam sành Hàm Yên. Vì vậy, để sản phẩm có sức vươn mạnh mẽ ra thị trường lớn, quyết tâm phát triển diện tích cam VietGAP đang được huyện Hàm Yên tập trung thực hiện.

Ông Hoàng Văn Áo (bên trái), thôn 1 Thuốc Thượng, xã Tân Thành (Hàm Yên) được cán bộ xã hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cam theo tiêu chuẩn VietGAP.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc được chứng nhận VietGAP cho sản phẩm chủ lực của địa phương, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện đã có chủ trương và chỉ đạo thực hiện hoạt động chứng nhận an toàn thực phẩm, chứng nhận VietGAP cho sản phẩm cam sành. Từ năm 2013, huyện tích cực triển khai các nội dung như: Thiết lập bộ máy quản lý, giám sát, điều tra, quy hoạch, khoanh vùng; lựa chọn đơn vị tư vấn; thành lập nhóm nông dân tự nguyện áp dụng VietGAP; đánh giá chứng nhận; tuyên truyền và xúc tiến thương mại.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, trong hơn 7.000 ha cam được canh tác hiệu quả trên đất Hàm Yên mới chỉ có trên 130 ha cam sành được cấp giấy chứng nhận VietGAP, với sự tham gia của 7 tổ hợp tác, 3 trang trại; năng suất ước đạt gần 20 tấn/ha, tập trung chủ yếu ở các xã: Phù Lưu, Tân Thành, Yên Thuận, Bằng Cốc, Yên Phú và thị trấn Tân Yên.

Ông Hoàng Văn Áo, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất cam VietGAP thôn 1 Thuốc Thượng, xã Tân Thành cho biết, tổ hiện có 17 hộ thành viên với tổng diện tích 12,7 ha. Tham gia chương trình, các hộ được tập huấn và tuân theo các quy định nghiêm ngặt từ khâu lựa chọn cây giống đến các kỹ thuật chăm sóc, quản lý dịch bệnh, sử dụng phân bón… tạo ra những sản phẩm cam sạch vừa có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp vừa đảm bảo cho sức khỏe người tiêu dùng.


Mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP tại thôn 1 Thuốc Thượng, xã Tân Thành (Hàm Yên).

Tính riêng năm 2017, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với UBND huyện Hàm Yên, UBND xã Tân Thành thành lập 2 tổ hợp tác sản xuất cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP gồm 76 hộ, tổng diện tích 96,7 ha tại thôn 4 Thuốc Hạ và thôn 5 Thuốc Hạ. Hiện các tổ đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị được hỗ trợ theo Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND, ngày 22-7-2014 của HĐND tỉnh về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Theo ông Nguyễn Hữu Hậu, Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, bên cạnh việc chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn các hộ trồng cam thực hiện đúng quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP, từ năm 2013 - 2016, huyện thực hiện hỗ trợ 62 hộ trồng cam VietGAP với tổng số tiền 897,7 triệu đồng theo tinh thần Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang trong việc phân tích mẫu và thực hiện đánh giá chứng nhận VietGAP. 

Huyện cũng đã phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện dự án Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Cam sành Hàm Yên” cho sản phẩm cam sành của huyện. Đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 889/Qđ-BKHCN ngày 24-4-2017 phê duyệt danh mục đặt hàng các dự án thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ để tuyển chọn cho thực hiện từ năm 2017, trong đó có sản phẩm cam sành Hàm Yên.

Anh Nông Văn Âm, thôn Thôm Táu, xã Phù Lưu ý thức rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình khi tham gia sản xuất cam theo quy trình VietGAP. Cũng như nhiều hộ trồng cam VietGAP trong huyện, anh mong muốn sản phẩm cam VietGAP sẽ có giá cả và chỗ đứng ổn định hơn nữa, tự tin hướng tới các thị trường khó tính nhất.

Với những diện tích trồng cam được trao chứng nhận VietGAP sẽ đảm bảo cho sản phẩm có đủ thông tin cần thiết để nhận diện sản phẩm trên thị trường, cũng là yếu tố để đảm bảo sản phẩm VietGAP đến tận tay người tiêu dùng một cách rõ ràng, minh bạch, đảm bảo phục vụ tốt khâu truy xuất nguồn gốc.

Theo: TQĐT.

Tin cùng chuyên mục