Những "công nhân" xứ cam

Cây cam trên đất Hàm Yên không chỉ cho những ông chủ vườn cam bạc tỷ, mà còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Có những lao động gắn bó với vườn cam nhiều năm liền, thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống gia đình... Những lao động làm cam nơi đây như những “công nhân” vậy.

Từ nông dân nghèo... trở thành ông chủ

Ở Hàm Yên, hỏi về những triệu phú, tỷ phú cam sành, người ta có thể kể tên cả trăm người. Trong số đó, có không ít những người đã từng đi làm công cho các ông chủ vườn cam, là hộ nghèo. Họ thực sự là người giàu nghị lực, đáng nể.


Vợ chồng anh Nình Văn Hòa, thôn Pá Han, xã Phù Lưu (Hàm Yên) chăm sóc vườn cam.

Chàng trai trẻ Nình Văn Hòa, thôn Pá Han, xã Phù Lưu là một trong những tấm gương điển hình về trồng cam. Mới ở tuổi 29, Hòa đã là ông chủ của vườn cam với hơn 2.000 gốc. Hòa chia sẻ, giai đoạn đầu vì thiếu tiền sinh hoạt nên quyết định đi làm “công nhân” cho những ông chủ vườn cam. Những ngày tháng đi làm thuê lại là thời gian giúp anh tích lũy được kinh nghiệm đặt gốc, chăm sóc cam, kỹ thuật tạo quả, giữ quả và phòng trừ sâu bệnh. Năm 2005, sau một thời gian đi làm thuê tích lũy được vốn và kinh nghiệm làm cam, Hòa quyết định đầu tư trồng 500 gốc cam sành tại khu đồi Tát Trà quê anh. Gian nan khai đá, phá thạch, cây cam lớn dần và bắt đầu cho trái ngọt. Tuy nhiên, trồng cam cũng cần lắm công đoạn, những vụ đầu non kinh nghiệm, hầu như vườn cam của Hòa không có lãi, có năm còn thất thu. Không nản chí, Hòa tiếp tục mầy mò, học hỏi, tìm hiểu kinh nghiệm quyết tâm chinh phục cây cam. Quyết tâm làm giàu, ham học hỏi, hiện tại anh đã sở hữu vườn cam rộng gần 6 ha, mỗi năm cho thu lãi hơn 500 triệu đồng. Anh trở thành một trong những triệu phú trẻ tuổi nhất Hàm Yên. Hòa bảo: “Giờ mình đã là ông chủ vườn, đã trải qua những ngày tháng gian nan làm thuê, hiểu được nỗi vất vả nhọc nhằn nên nếu người làm công cho gia đình anh muốn đầu tư phát triển cây cam, anh sẵn sàng giúp đỡ. Cây cam giờ đã cho người nông dân giàu rồi”.

Yên Phú là mảnh đất cây cam gắn bó lâu đời. Dọc bờ sông Lô, trên lưng chừng đồi ở Yên Phú mùa này được phủ vàng sắc cam. Anh Vũ Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Yên Phú cho biết, cây cam ở Yên Phú có từ lâu đời. Nhưng phải từ năm 2000 trở lại đây mới phát triển mạnh. Đến nay toàn xã có hơn 251 ha cam, trong đó có 196 ha diện tích cho thu hoạch. Năm 2017, tổng sản lượng cam của toàn xã ước đạt 2.700 tấn, giải quyết việc làm thường xuyên cho 100 lao động, vào vụ thu hoạch, số lao động được thuê lến đến 1.000 người. Toàn xã đã có hơn 50 hộ trồng cam thu lãi từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. 

Gia đình anh Hà Văn Nhất, thôn 1A Thống Nhất được biết đến không chỉ về diện tích cam, mô hình trồng cam sạch mà còn bởi nghị lực vươn lên làm giàu. Anh Nhất vốn là nông dân có hoàn cảnh khó khăn. Để mưu sinh, anh đôn đáo khắp nơi, xoay đủ nghề kiếm sống. Từ nghề buôn sắn, buôn ngô, đến làm nái lợn anh đều trải qua. Năm 2000 khi hầu hết người dân ở Yên Phú chặt cam trồng keo vì mất giá thì anh quyết tâm đầu tư trồng 1 ha cam. Dân làng ai cũng bảo anh liều, không khéo lại “chết” theo cam. Anh Nhất chia sẻ: “Từ năm 2000 đến năm 2010, gia đình tôi vay các khoản tiền đầu tư vào cây cam hơn 800 triệu đồng. Hơn 10 năm vật lộn với cây cam, đến năm 2013 gia đình mới trả hết cả gốc và lãi với số tiền lên đến 2 tỷ đồng. Đó là kỷ niệm đáng nhớ trong nghiệp cam của gia đình”. 

Dẫn chúng tôi tham quan vườn cam bạt ngàn của gia đình, anh Nhất bảo: “Làm nghề gì cũng cần có tâm, với tôi, người trồng cam có tâm là người làm ra quả cam “sạch”. Để chứng minh cho câu nói của mình, anh bóc luôn cho chúng tôi ăn một quả cam chưa chín, phải 1 tháng nữa mới được thu hoạch, cam đã bắt đầu vào ngọt nhưng vẫn còn nhiều vị chua, nhưng cách đây gần 1 tháng, gia đình đã ngừng phun thuốc. Còn những vườn cam được thu hoạch thì việc phun phải dừng lại từ trước đó rất lâu. Có tiếng là trồng cam sạch, nên vào vụ, vườn 7 ha cam của gia đình anh là địa chỉ tin cậy được các thương lái lựa chọn. Hiện tại, trừ chi phí, gia đình anh Nhất thu lãi hơn 1 tỷ đồng từ cam. 

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đàm Ngọc Hưng tự hào nói với chúng tôi: “Ở Hàm Yên ai trồng cam người ấy là triệu phú”. Minh chứng cho câu nói của mình, anh đưa ra các số liệu: Hiện toàn huyện có hơn 5.000 ha, trồng tại 13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, đến nay đã có 142 trang trại trồng cam được cấp giấy chứng nhận, tổng thu trung bình của mỗi trang trại đạt 1 tỷ đồng/năm. Để cây cam phát triển bền vững, giải quyết nhiều việc làm hơn nữa cho lao động địa phương, huyện tiếp tục khuyến khích nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng mô hình VietGAP, đẩy mạnh việc liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị trong cả nước tìm hướng tiêu thụ cam ổn định cho người dân.

Nhộn nhịp “công trường” thu hoạch


Nông dân xã Yên Lâm (Hàm Yên) tấp nập thu hái cam.

Mùa thu hoạch cam ở Hàm Yên không chỉ cho những ông chủ vườn cam khoản tiền lớn mà còn cho những người làm công có công ăn việc làm với mức thu nhập khá cao. Anh Đàm Ngọc Hưng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hàm Yên cho biết, hiện toàn huyện có khoảng 5.000 hộ trồng cam, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 5.000 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng. Vào mùa thu hoạch, các chủ nhà vườn thuê người thu hoạch, vận chuyển thì số lao động được giải quyết lên gấp đôi. 

Chị Ma Thị Quế, quê ở xã Năng Khả (Nà Hang) đang làm tại vườn cam xã Yên Lâm cho biết: “Mùa cam nào cũng có mặt tại các xã của huyện Hàm Yên để gánh cam thuê. Đây là mùa cam thứ 4 mình gắn bó với nghề này. Trông thế thôi nhưng gánh cam cũng đòi hỏi nhiều công phu lắm, vận chuyển cam làm sao cho cam không bị dập. Người vận chuyển cam cũng phải có tâm, không phải cứ cầm tiền công của ông chủ là xong”. Có thâm niên, thành thạo trong nghề gánh cam thuê nên nhiều chủ nhà vườn thấy chị là thuê liền. Có nhiều chủ nhà vườn chủ động liên hệ với chị từ trước vụ thu hoạch. Trung bình mỗi ngày các ông chủ nhà vườn trả chị từ 300 đến 500 nghìn đồng.

Mùa thu hoạch cam, dọc quốc lộ 2 tấp nập các xe tải từ khắp vùng miền của cả nước về thu mua, vận chuyển. Vận chuyển cam từ Bắc vào Nam đã trở thành một nghề cho những người lái xe khi mùa cam chín. Anh Nguyễn Bá Thuyên, một chủ xe quê ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) cho biết, anh có người nhà ở xã Tân Thành, vì vậy anh lên đây làm ăn. Trước kia Thuyên từng là người đi gánh cam thuê cho các chủ vườn. Từ vốn nhỏ tích lũy được, Thuyên vay mượn đầu tư mua xe tải vận chuyển hoa quả. Từ các chợ đầu mối phía Bắc, đến các chợ miền Trung, miền Nam đều có dấu xe của Thuyên. Thuyên chia sẻ: “Cam chở đến các chợ đầu mối phía Bắc cần lựa chọn quả chín, nếu chở vào các tỉnh miền Nam thì cam phải xanh hơn vì thời gian vận chuyển dài hơn”.

Đã bao mùa cam, các thế hệ người Hàm Yên cứ nối tiếp nhau mở rộng và phát triển giống cây đặc sản này. Không phụ công người chăm bón, cây cam cũng cho mảnh đất này nhiều nông dân triệu phú, tỷ phú, tạo công ăn việc làm, thu nhập cao cho người nông dân vùng nông thôn. 

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục