Phát huy thương hiệu cam sành Hàm Yên

Giáp Tết lên huyện Hàm Yên, đến đâu cũng thấy người dân đang hối hả thu hoạch cam. Năm nay, cam được mùa, được giá đã giúp nhiều hộ có thu hoạch từ vài trăm triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng. Cây cam đã trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân xóa nghèo, vươn lên làm giàu.



Niềm vui được mùa cam của người dân thôn Lăng Đán, xã Phù Lưu (Hàm Yên).

Xã Phù Lưu có diện tích cam lớn nhất huyện Hàm Yên, với trên 1 nghìn ha và 1.400 hộ trồng cam. Đồng chí Ma Hoa Tàm, Chủ tịch UBND xã cho biết: Một số thôn có diện tích cam lớn như Nậm Lương, Lăng Đán, Mường, Nà Luộc, Táu… Những năm gần đây, thu nhập từ trồng cam đã góp phần nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn. Bình quân, hằng năm, mỗi hộ trồng cam cũng cho thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, trong đó có những hộ trồng nhiều thu được trên 1 tỷ đồng. Anh La Văn Hiệp, thôn Lăng Đán, xã Phù Lưu chia sẻ, gia đình anh trồng cam từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng gần chục năm nay mới trồng nhiều. Năm 2005, gia đình anh trồng 800 gốc cam, hiện nay đã phát triển lên hơn 1 nghìn gốc. Năm 2012, anh thu được hơn 600 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 400 triệu đồng. Năm nay, các doanh nghiệp đang thu mua cam với giá từ 7 đến 8 nghìn đồng/kg.

Theo đồng chí Phạm Quốc Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Cây ăn quả huyện, năm 2013, sản phẩm cam sành Hàm Yên được công nhận đạt tốp 10 thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng cả nước. Toàn huyện hiện có trên 2.600 ha cam, trong đó trên 2 nghìn ha cam cho thu hoạch. Cam sành được trồng tập trung chủ yếu ở 9 xã, thị trấn phía Bắc gồm: Yên Thuận, Bạch Xa, Minh Khương, Minh Dân, Phù Lưu, Tân Thành, Yên Phú, Yên Lâm và thị trấn Tân Yên. Năm nay, huyện có thêm một số xã phát triển trồng cam như Minh Hương, Bình Xa, Bằng Cốc, Nhân Mục, Thái Sơn. Vụ thu hoạch cam năm 2012, năng suất bình quân đạt 130 tạ quả/ha, sản lượng đạt khoảng 30 nghìn tấn, trị giá trên 220 tỷ đồng. Vụ cam năm nay, bình quân mỗi ngày, toàn huyện xuất bán từ 3 đến 4 tấn cam. Thương hiệu năm 2012 “Một trong số 50 loại trái cây nổi tiếng và giá trị bậc nhất Việt Nam”, “tốp 10 thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng cả nước” năm 2013. Sản phẩm cam sành Hàm Yên vươn tới các tỉnh phía Nam và được người dân đón nhận. Những năm gần đây, các chủ hàng từ miền Nam ra thu mua cam thường với số lượng lớn, qua đó cho thấy sản phẩm cam Hàm Yên đã và đang được ưa chuộng.
 


Múa khèn ngày xuân.

Cùng với việc phát triển cây cam sành, UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm Cây ăn quả, Hội Cam sành Hàm Yên chú trọng triển khai thực hiện các giải pháp sản xuất cam an toàn, góp phần giữ vững thương hiệu. Đồng chí Phạm Quốc Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Cây ăn quả huyện cho biết thêm, xây dựng thương hiệu đã khó, nhưng giữ vững và phát huy được thương hiệu lại càng khó hơn. Vì vậy, hằng năm, Trung tâm đã chủ động phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật huyện tổ chức tập huấn, tuyên truyền nhân dân thực hiện sản xuất cam an toàn. Trung tâm đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai thực hiện sản xuất cam theo hướng VietGap trên diện tích 15 ha cam tại xã Tân Thành. Qua đó, giúp người dân nâng cao ý thức trong thực hiện sản xuất cam an toàn, nâng cao năng suất hiệu quả cây trồng, góp phần giữ vững và phát huy thương hiệu Cam sành Hàm Yên. 

Theo đồng chí Nguyễn Thành Trang, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, sản xuất cam theo hướng VietGap nhằm bảo đảm quy trình sản xuất cam sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và đem lại thu nhập ổn định cho người sản xuất. Vì vậy, khi được triển khai thực hiện, người trồng cam rất phấn khởi. Trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các ngành tập trung tập huấn, hướng dẫn và tuyên truyền nhân dân sản xuất cam bảo đảm an toàn, trong đó nhân rộng mô hình sản xuất theo hướng VietGap. Bên cạnh đó, chỉ đạo Hội Cam sành tiếp tục quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần tích cực vào việc phát huy thương hiệu, khẳng định vị thế của cam sành Hàm Yên trong xu thế hội nhập và phát triển. 

 
Theo: TQDT 

Tin cùng chuyên mục