Phát triển bền vững cây ăn quả có múi

Vài năm trở lại đây, cây ăn quả có múi đang dần khẳng định vị thế trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thiết thực vào mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc phát triển cây ăn quả có múi đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, khi nhiều địa phương phát triển tự phát và có xu hướng tăng trưởng “nóng”, không theo quy hoạch.

 

Tiềm năng

Cây cam sành được coi là một trong những loài cây trồng chủ lực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển kinh tế nông hộ của tỉnh. Từ năm 2005 trở lại đây, cây cam sành phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng; mẫu mã sản phẩm cam quả từng bước được nâng lên, chất lượng thơm ngon. 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích cam toàn tỉnh năm 2018 đạt 8.336 ha, chiếm diện tích lớn nhất khu vực miền núi phía Bắc, trong đó vùng cam tập trung ở 2 huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa là 7.801,6 ha (diện tích cho sản phẩm 4.926 ha, tổng sản lượng đạt trên 100.000 tấn). Sản lượng cam hàng năm đưa ra thị trường gần 100.000 tấn quả, chủ yếu là bán nội tiêu trong nước, thu nhập bình quân đạt 114,3 triệu đồng/ha. 


Gia đình anh Hoàng Văn Hạ, thôn Pá Han, xã Phù Lưu (Hàm Yên) thu hoạch cam,
sản lượng khoảng 60 tấn quả. Ảnh: Quốc Việt

Ngoài cam, cây bưởi hiện cũng đang là cây trồng phát triển nhanh về diện tích và sản lượng. Tổng diện tích bưởi toàn tỉnh hiện đạt 4.510 ha, riêng huyện Yên Sơn trên 4.000 ha, chiếm 88,6%; Hàm Yên 213 ha, chiếm 4,7%; còn lại được trồng rải rác ở các huyện, thành phố. Trong số này có trên 1.700 ha bưởi cho thu hoạch ổn định. Theo tính toán, tổng lượng bưởi năm 2018 ước đạt trên 48 triệu quả, giá trị thu nhập ước đạt trên 481 tỷ đồng. 

2 loại cây có múi khác là chanh và quýt cũng có diện tích tương đối ổn định. Trong đó, quýt là 154 ha, chanh là 159,11 ha, chủ yếu tập trung tại huyện Hàm Yên (125,7 ha, chiếm 78% diện tích). Riêng cây chanh, năng suất bình quân năm 2018 đạt 21,5 tấn/ha, sản lượng ước đạt trên 3.420 tấn; thu nhập bình quân đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm. 

Tuy nhiên, trên thực tế, diện tích cây ăn quả có múi hiện đang có xu hướng tăng trưởng “nóng”, nhất là diện tích cam và bưởi. Theo Cục Thống kê tỉnh, hết năm 2017, diện tích cây cam toàn tỉnh đạt 7.833 ha, quýt là 120 ha và bưởi là 1.563 ha. Đến hết tháng 10 - 2018, diện tích các loại cây ăn quả có múi, trong đó chủ yếu là cam và bưởi đã mở rộng thêm đáng kể. Cụ thể, cây cam toàn tỉnh hiện đạt 8.336 ha; bưởi là 4.510 ha. Trong số này, diện tích áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP tương đối nhỏ bé, khi mới chỉ có 296 ha cam và 12,5 ha bưởi được cấp chứng nhận.

Phát triển bền vững theo chuỗi liên kết

Phát triển vùng cây ăn quả có múi theo định hướng, quy hoạch thành vùng sản xuất hàng hóa đã đạt được những kết quả quan trọng. Như sản phẩm cam sành Hàm Yên, bưởi Soi Hà Xuân Vân (Yên Sơn) lần lượt lọt Top 10 thương hiệu - nhãn hiệu Việt Nam năm 2013, 2018; cam sành Hàm Yên lọt Top Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2015… 

Hàm Yên đã xây dựng vườn ươm đáp ứng nhu cầu sử dụng giống cam sạch bệnh, mỗi năm sản xuất được 24.706 cây (tương đương 50 ha trồng mới). Bên cạnh các giống cam truyền thống, Trung tâm cây ăn quả huyện đã đưa vào nhiều giống cam mới như cam Valencia, cam Xã Đoài, BH 32, cam mật không hạt, cam sành không hạt... nhằm đa dạng hóa giống cam, rải vụ thu hoạch. 

Xác định để phát triển bền vững cây ăn quả có múi theo chuỗi giá trị, thì việc tiên quyết là phải kết nối được các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng tham gia từ quá trình đầu tư đến thu hoạch. Trên địa bàn tỉnh hiện đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, tiêu thụ và chế biến cây ăn quả có múi. Cụ thể, Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên đầu tư xây dựng kho bảo quản và nhà máy chế biến nước cam sành tại xã Tân Thành, công suất bảo quản 4.500 tấn/năm, chế biến 1.500 tấn nước ép/năm. Ngoài ra, nhiều hợp tác xã tham gia vào quá trình bao tiêu sản phẩm như Hợp tác xã cam sành Sơn Nữ, Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Phong Lưu, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Xuân Vân, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Phúc Ninh… Ngoài ra, Hợp tác xã rau quả xã Đội Cấn (TP Tuyên Quang) thu mua đưa ra thị trường Hải Phòng và Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mục tiêu của tỉnh hiện nay là giữ nguyên diện tích cam, bưởi, chỉ mở mới diện tích có trong quy hoạch, có giống tốt. Đồng thời, ngành đang cùng với Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý đối với cam sành Hàm Yên, bưởi Yên Sơn. Ngoài ra, ngành tăng cường công tác kiểm tra giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; giám sát các hộ trồng cây có múi sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các cơ sở kinh doanh, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng đến thương hiệu Cam sành Hàm Yên, bưởi Xuân Vân, bưởi Phúc Ninh...; tập trung rà soát các hộ sản xuất đúng quy trình có sản phẩm chất lượng tốt thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và các điểm đại lý của các tỉnh, thành phố. Ngành sẽ tiếp tục tổ chức đoàn xúc tiến thương mại, gặp gỡ tiếp xúc với các đại lý tiêu thụ tại các chợ đầu mối các tỉnh, thành và mở rộng, phát triển thị trường tiềm năng tại các tỉnh miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên để việc tiêu thụ trái cây có múi thuận lợi, đem lại thu nhập cao và ổn định cho người nông dân.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục