Phát triển vùng trồng cam hàng hóa

Nhiều năm nay, cây cam đã trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân Hàm Yên xóa nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên để sản phẩm cam thực sự trở thành hàng hóa, Hàm Yên vẫn còn nhiều việc phải làm. Để tìm hiểu rõ hơn về những thuận lợi, khó khăn trong phát triển vùng trồng cam hàng hóa của Hàm Yên, PV Báo Tuyên Quang đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nông Huy Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên về xung quanh vấn đề này. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi

Cam được trồng theo tiêu chuẩn VietGap tại thôn 5 Thuốc Thượng, xã Tân Thành.


PV: Xin đồng chí cho biết về tình hình phát triển cây cam hiện nay trên địa bàn huyện Hàm Yên?

Đồng chí Nông Huy Tùng: Cây cam là cây trồng truyền thống, lâu đời trên địa bàn huyện Hàm Yên. Tuy nhiên, cây cam chỉ thực sự trở thành cây hàng hóa bắt đầu từ những năm 1996-1997. 

Toàn huyện hiện có 3.187 ha đất trồng cam, trong đó diện tích cam đã trồng và cho thu hoạch là hơn 2.500 ha với tổng số 2.786 hộ tham gia trồng; tập trung nhiều ở 9 xã: Yên Thuận, Bạch Xa, Minh Khương, Minh Dân, Phù Lưu, Tân Thành, Yên Lâm, Yên Phú và thị trấn Tân Yên. Qua tổng hợp, thu nhập từ trồng cam đạt giá trị từ 100 triệu đồng trở lên có gần 670 hộ, trong đó số có thu nhập từ 700 triệu đồng trở lên là gần 50 hộ, điển hình như hộ ông Trình Ngọc Huynh, xã Yên Lâm; ông Đỗ Văn Thắng, xã Tân Thành; ông Hà Văn Minh, xã Phù Lưu... 

Năm 2012, cam sành Hàm Yên được bình chọn là 1 trong 50 trái cây nổi tiếng Việt Nam, năm 2013 là 1 trong 10 thương hiệu - nhãn hiệu trái cây nổi tiếng Việt Nam. Để có được kết quả này, từ năm 2007 chúng tôi đã xây dựng kế hoạch quảng bá giữ vững thương hiệu cam sành Hàm Yên, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm qua các hội chợ nông sản hàng hóa trong và ngoài tỉnh; thành lập các đoàn xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; quảng cáo thương hiệu cam sành Hàm Yên trên truyền hình, báo và xây dựng Trang thông tin điện tử Hàm Yên để quảng bá giới thiệu sản phẩm với khách hàng trong và ngoài nước. Cùng với đó, huyện cũng đã hỗ trợ 1,3 tỷ đồng cho 8 dự án trồng cam theo quyết định 27 của UBND tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa, với diện tích 114,8 ha.

PV: Theo đồng chí, vấn đề khó khăn lớn nhất đối với việc phát triển cây cam ở Hàm Yên hiện nay là gì?

Đồng chí Nông Huy Tùng: Hiện nay, việc phát triển cây cam tại Hàm Yên vẫn còn khá nhiều khó khăn. Đầu tiên phải kể đến là vấn đề địa hình; phần lớn diện tích đất trồng cam là đất dốc, công tác thâm canh cây cam gặp nhiều khó khăn; một số diện tích đất lâm nghiệp nhân dân đã trồng cam nhưng lại chưa đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất... Trong thời gian tới, Hàm Yên tiếp tục điều tra, rà soát diện tích đất phù hợp để trồng cam sành; trong đó ưu tiên sử dụng đất trong khu vực có điều kiện thích hợp với cây cam. Căn cứ vào hiện trạng sử dụng đất và điều tra đánh giá đất đai, huyện chủ trương chuyển đất lâm nghiệp có khả năng trồng cam và đất trồng cây khác không hiệu quả sang trồng cam; phát triển vùng cam một cách hợp lý, xây dựng vườn cam thâm canh theo hướng sản xuất hàng hóa, sản xuất, bảo quản, chế biến bằng công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm cam có chất lượng cao đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... 
 


Sản phẩm cam sành Hàm Yên tham gia triển lãm các sản phẩm nông nghiệp tại Hà Nội.


Theo định hướng phát triển vùng cam, đến năm 2015 diện tích cây cam cho thu hoạch trên địa bàn huyện là 3.303 ha. Người trồng cam ở Hàm Yên chủ yếu sử dụng giống cam sành với diện tích trên 3.000 ha, chiếm 95% tổng diện tích cam toàn huyện. Để cung cấp nguồn giống cho diện tích trồng cam từ 60-70 ha/năm cần khoảng 26.000 cây giống xuất vườn. Hàm Yên hiện đã có một cơ sở nhân giống cam sạch bệnh do Trung tâm cây ăn quả thực hiện với quy mô diện tích 2.800 m2, quy mô gieo ươm khoảng 15.000 cây/năm, tuy nhiên số lượng cây xuất vườn mới chỉ đáp ứng được 30% kế hoạch trồng mới và 10% nhu cầu cây giống của người dân trồng trong năm. Hiện huyện khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân cùng tham gia sản xuất giống cây mới nhưng phải đảm bảo là giống cam sạch bệnh, chất lượng; cây để khai thác ghép mắt phải được trồng bằng giống đã chọn lọc từ những cây cam ưu tú tại địa phương, có năng suất cao, phẩm chất tốt. 

Ngoài ra, còn một số khó khăn như sản phẩm sản xuất ra chủ yếu dùng để ăn tươi, kênh phân phối do tư thương đảm nhận nên phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường; huyện chưa xây dựng được 1 chợ đầu mối để thu mua, phân loại tiêu thụ cam và điểm tập kết thu gom cam để tiêu thụ tại thị trường miền Nam; hệ thống đường giao thông hiện cũng chưa được đảm bảo, ảnh hưởng đến sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ cam. 

PV: Trong cuộc làm việc gần đây với huyện Hàm Yên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Sáng Vang đã yêu cầu huyện xây dựng đề án phát triển cây cam. Việc xây dựng đề án này có ý nghĩa như thế nào đối với việc phát triển vùng cam của huyện nói chung và đối với người trồng cam trên địa bàn huyện nói riêng?

Đồng chí Nông Huy Tùng: Hiện tại việc phát triển cây cam trên địa bàn huyện vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn như bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; thị trường tiêu thụ ổn định và hình thành nhà máy chế biến nước quả trên địa bàn... Mới đây, Trạm giống vật tư nông lâm nghiệp Hàm Yên đã xây dựng được hệ thống kho lạnh bảo quản và đầu tư một dây chuyền chế biến nước cam ép, tuy nhiên mới chỉ có kho lạnh là phát huy được hiệu quả. Đây thực sự là điều đáng tiếc, vì nếu có được sự định hướng và hỗ trợ kịp thời, sâu sát hơn thì dây chuyền chế biến nước cam ép sẽ là cơ hội cho những dịch vụ đi kèm với thương hiệu cam sành Hàm Yên vốn có. 

Việc xây dựng đề án sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển vùng cam hàng hóa trên địa bàn huyện. Vì hiện tại, mặc dù đã có định hướng nhưng việc phát triển vùng cam trên địa bàn huyện vẫn theo hướng tự phát. Theo đó, đề án này sẽ tập trung vào một số vấn đề như: Cơ chế, chính sách đầu tư cho các hộ nghèo và các hộ tái định cư về vốn, phân bón, giống vật tư; hỗ trợ đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, tiếp tục nâng cao giá trị cam sành trên thị trường; hình thành chợ đầu mối tiêu thụ cam; cung ứng thêm giống cam sạch bệnh để phát triển trên các diện tích trồng mới; đầu tư thêm cáp treo để vận chuyển cam. Những điều này, ngoài nội lực của người trồng cam và địa phương, cần sự hỗ trợ của tất cả các cấp, ngành liên quan, đảm bảo cho vùng cam Hàm Yên phát triển ổn định, có định hướng, đúng lộ trình. 

Chúng tôi hy vọng, trong tương lai việc hoàn thành đề án phát triển vùng cam sẽ không chỉ giúp người trồng cam trên địa bàn huyện có một “điểm tựa” để làm giàu chính đáng, mà còn là cơ hội cho những vùng đất cam khác trên địa bàn tỉnh tiếp tục xây dựng thương hiệu, vươn ra thị trường trong và ngoài nước. 

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục