Tạo giống cam sành không hạt tại huyện Hàm Yên

Năm 2015, Trung tâm Nghiên cứu cây trồng ôn đới miền núi phía Bắc thực hiện Đề tài nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ tuyển chọn, nhân giống cam không hạt và nâng cao hiệu quả sản xuất cam trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Đề tài nhằm nâng cao chất lượng cây cam sành Hàm Yên, tạo giống/dòng cam sành mới không hạt hoặc ít hạt, phẩm chất ngon từ cây cam sành thương phẩm đang được ưa chuộng.

 


Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo Sở khoa học và Công nghệ
 thăm vườn cam thử nghiệm giống không hạt tại thôn 65, xã Yên Lâm (Hàm Yên). 

Đề tài thực hiện 4 nội dung: Điều tra, tuyển chọn cá thể cam ưu tú không hạt hoặc ít hạt trong quần thể cam trên địa bàn huyện Hàm Yên; trồng thử nghiệm 3 giống cam không hạt; nghiên cứu ảnh hưởng của chất điều hòa sinh trưởng, phân bón lá đến số hạt/quả và chất lượng cam sành trên vườn cam 6 tuổi; ứng dụng kết quả nghiên cứu xây dựng mô hình áp dụng khoa học và công nghệ (sử dụng chất điều hòa sinh trưởng, phân bón lá kết hợp với kỹ thuật cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh) trên 1 ha vườn cam sành 6 tuổi. 

Sau 2 năm thực hiện, bước đầu đã cho kết quả có chiều hướng khả quan. Về kết quả điều tra tuyển chọn, trung tâm đã tuyển chọn được một cây cam ít hạt đầu dòng tại thôn Táu, xã Phù Lưu (Hàm Yên) và cho phép khai thác ghép mắt trong 5 năm, mỗi năm lấy 200 đến 250 mắt ghép/cây. Trung tâm cũng tiến hành trồng thử nghiệm 3 giống cam sành và cam mật trồng thí điểm trên diện tích 3 ha tại xã Yên Lâm và xã Tân Thành (Hàm Yên). Đến nay, cây được 2 năm tuổi, sinh trưởng bình thường và đã bói quả, số lượng hạt có từ 1 đến 3 hạt/quả. Về nghiên cứu ảnh hưởng của chất điều hòa sinh trưởng áp dụng trên vườn cam 6 tuổi tại xã Yên Lâm bước đầu cho thấy có tác dụng nâng cao tỷ lệ đậu quả, nâng cao khối lượng quả, có tác dụng làm giảm số hạt/quả rõ rệt. Khối lượng quả đạt trung bình cao nhất là 277,5 g/quả, số lượng quả trung bình trên cây đạt 270 quả/cây. Có cây đạt cao nhất là 362 quả/cây, số hạt giảm có quả thấp nhất còn 11 hạt.

Ông Chu Thúc Đạt, Phó vụ trưởng Vụ Phát triển khoa học và công nghệ địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, giống cam mới đưa vào trồng tại huyện Hàm Yên, sau 2 năm trồng cho thấy, khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, thích nghi với điều kiện đất đai và khí hậu. Đây là một trong những giống mới cần tiếp tục nghiên cứu để bổ sung vào cơ cấu giống cam sành của địa phương. Cây sinh trưởng phát triển bình thường, cây khỏe, quả chỉ có từ 1 đến 3 hạt. Đây là kết quả bước đầu, cần phải tiếp tục theo dõi.              

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục