Thu nhập 2 tỷ đồng từ trồng cam

Cuối tháng 2-2013, vào thăm vườn cam của gia đình anh Trình Ngọc Huynh ở thôn 65, xã Yên Lâm (Hàm Yên), mọi người đều khen gia đình anh được trời phú cho vụ cam trĩu quả. Trong cái nắng đầu mùa hạ, nhìn chùm cam chín vàng.


Vườn cam của gia đình anh Trình Ngọc Huynh.


Chỉ tay vào vườn cam anh Huynh bảo, giống cây cam sành phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương, nên Yên Lâm có nhiều hộ trồng cam với diện tích trên 300 ha. Cam là một trong bốn sản phẩm nổi tiếng của huyện Hàm Yên (Nhất cam, nhì keo, tam trâu, tứ vịt). Cuối năm 2012, Trung tâm sách kỷ lục Ghi nét đưa cam sành Hàm Yên vào danh sách là một trong 50 trái cây nổi tiếng và giá trị nhất Việt Nam.

Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại 7 ha cam của gia đình, anh Huynh bảo, để có được vườn cam cần hội tụ đủ 3 yếu tố là: Cây giống, đất trồng cam và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Tuy nhiên để vườn cam sai quả, tuổi thọ cây cam kéo dài, thì khó khăn nhất là khâu chọn đất trồng cam. Theo kinh nghiệm của gia đình trồng cam ở khu đất có độ dốc cao, gần núi đá cam thường chua và ít quả. Thay vào đó là đất đồi thấp (đất thịt có pha sỏi đá nhỏ), gần nguồn nước cam sai quả và tuổi thọ cây cam được kéo dài.

Trong tổng số 7 ha cam của gia đình anh Huynh, có hơn 5 ha hiện đang cho thu hoạch, sản lượng cả vụ đạt gần 200 tấn quả. Với giá bán bình quân 10 nghìn đồng đến 11 nghìn đồng/kg, vụ này gia đình anh tổng thu gần 2 tỷ đồng.

Điều làm chúng tôi cảm phục là việc gia đình anh đã biết khai thác thế mạnh của địa phương để làm giàu. Không chỉ có vậy, anh còn tạo được việc làm thường xuyên cho 6 lao động là người trong xã với mức thu nhập từ 4,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, anh thuê lao động theo thời vụ từ 35 đến 40 người, giá thuê khoán 500 nghìn đồng/tấn cam (thu hái, vận chuyển). Mô hình trang trại cam của gia đình anh Trình Ngọc Huynh đã được các cấp, các ngành từ tỉnh đến Trung ương tặng nhiều bằng khen và được bầu chọn nông dân sản xuất giỏi của tỉnh.                   

Theo: TQDT

Tin cùng chuyên mục