Tiềm năng phát triển cây cam trên địa bàn huyện Hàm Yên

Hàm Yên là một huyện miền núi phía bắc của tỉnh Tuyên quang có tiềm năng phát triển cây cam sành trên địa bàn các xã Yên Thuận, Bạch Xa, Phù Lưu, Minh Khương, Minh Dân, Yên Lâm, Yên Phú và thị trấn Tân Yên.

Những năm qua thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, huyện Hàm Yên coi nhiệm vụ phát triển diện tích cây ăn quả cam quýt trên địa bàn huyện là một trong những nhiệm vụ cơ bản trong chương trình phát triển kinh tế xã hội hàng năm.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, huyện Hàm Yên đã tuyên truyền vận động nhân dân các dân tộc mở rộng diện tích cam, tăng cường các biện pháp chăm sóc cây cam theo hướng áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, xây dựng nhiều mô hình trang trại trồng cam với quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hoá để tạo thu nhập cao cho người dân góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ở các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn .


Cây cam thực sự là cây "xoá đói giảm nghèo", mang lại nhiều nguồn lợi cho người dân đặc biệt là các hộ đồng bào vùng  dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn.

Mô hình trồng cam của hộ gia đình của đôi vợ chồng trẻ: Phạm Văn Nhậy -Triệu Kim Thành - Dân tộc Dao đỏ ở thôn Xít Xa - Xã Minh Khương - Huyện Hàm Yên. Trước kia, người Dao đỏ ở thôn Xít Xa chỉ quen tập quán phát rừng làm nương và canh tác những cây lương thực năng xuất thấp ở đất đồi thấp, chính vì vậy thu nhập từ sản xuất kinh tế vườn đồi của người dao ở đây rất thấp, đời sống của gia đình anh Nhậy, chị Thành cũng nằm ở tình trạng chung đó, cái đói cái nghèo cứ đeo đẳng bám theo anh chị trong suốt mấy năm.

Năm 2000 thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi do tổ chức hội nông dân xã Minh Khương phát động, anh Nhậy - chị Thành đã cải tạo trên một ha đất đồi thấp của gia đình để trồng 400 gốc cam. Nhờ được tuyên truyền và hướng dẫn các biện pháp khoa học kỹ thuật về trồng cây ăn quả, gia đình anh Nhậy chị Thành đã áp dụng vào trong thực tế sản xuất và đạt được hiệu quả kinh tế cao. Năm 2006 gia đình anh chị thu được 13 tấn cam trị giá 26 triệu đồng. Từ một hộ thuộc diện nghèo của thôn, đầu năm 2007 gia đình anh chị đã thoát nghèo.

Đã từ lâu, việc tuyên truyền quảng bá sản phẩm "cam sành Hàm Yên" sớm  trở thành thương hiệu là niềm mong mỏi của người dân vùng trồng cam các xã phía bắc và  thị trấn Tân Yên huyện Hàm Yên. Thực tế, cam sành Hàm Yên là một loại cây ăn quả đặc sản rất nổi tiếng. Chất lượng sản phẩm thơm ngon bổ dưỡng. Cam Hàm Yên cũng hội tụ đủ các yếu tố về dinh dưỡng, về Hàm lượng đường, chất khoáng và vitamin rất cần thiết cho cơ thể. Về mẫu mã, cam Hàm Yên có mầu vàng đậm đặc trưng. Khi mỗi độ tết đến, xuân về, người dân Hàm Yên tự hào vì sản phẩm cam của mình  được bày trang trọng trên mâm ngũ quả ngày tết. Trong các dịp lễ hội, cam Hàm Yên dùng làm quà tặng quà biếu cho du khách cho  gia đình người thân bạn bè khi đến thăm và du lịch Hàm Yên. Tuy nhiên vì chưa có tên tuổi nên cam sành Hàm Yên thường bị tư thương ép giá dẫn đến thu nhập của người dân còn nhiều thiệt thòi.

Gia đình anh Hoàng Nhân Nghị, thôn Cuổm, xã Yên Thuận trồng trên 2 ha cây cam với số lượng trên 1.500 gốc. Nhờ đầu tư chăm sóc tốt, năm 2006 anh Nghị thu được 180 tấn quả trị giá 540 triệu đồng. Hàng năm, khi mỗi mùa cam chín rộ tư thương từ các nơi đến tận nhà mua tại vườn. Nếu cam Hàm Yên có thương hiệu thì chắc chắn giá sẽ cao hơn và  mỗi vụ cam, anh sẽ thu nhập thêm 200 triệu đồng.


Thôn Cuổm - xã Yên Thuận có 115 hộ trồng cam. Hộ ít trồng 500 gốc, hộ nhiều trồng  trên 2000 gốc. Người dân Thôn Cổm nói riêng và xã Yên Thuận nói chung đều mong muốn huyện Hàm Yên sớm được công nhận thương hiệu "Cam sành Hàm Yên" để họ yên tâm tiếp tục đầu tư chăm sóc diện tích cam hiện có nhằm nâng cao giá trị kinh tế của cây cam lên một bước mới.

Chủ trương  trồng và phát triển cây cam sành thực hiện ở các xã thị trấn vùng trồng cam phía bắc huyện Hàm Yên là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của đông đảo nhân dân. Trước  năm 2000 huyện Hàm Yên mới phát triển được gần 1000 ha cam, tuy nhiên, thời điểm đó, bà con chỉ phát triển cây cam với hình thức quảng canh, tự phát chưa hình thành vùng tập trung, không chú trọng mở rộng quy mô sản xuất, không đầu tư chăm sóc. Chính vì vậy, hiệu quả từ trồng cam không đạt, chu kỳ phát triển  của cây cam kém bền vững, nhanh già cỗi.

Vì không có thương hiệu "Cam hàm Yên được bán với giá rẻ, bị tư thương ép giá, không có chỗ đứng trên thị trường. Thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ huyện Hàm Yên khoá 18 về nội dung:  Đưa cây cam trở thành cây hàng  hoá có giá trị kinh tế cao, tiến tới xây dựng thương hiệu "Cam sành Hàm Yên". Huyện Hàm Yên đã chỉ đạo các cơ quan ban nghành đoàn thể từ huyện đến cơ sở, tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân vùng trồng cam, chú trọng mở mang diện tích trồng cam với quy mô lớn. Chỉ đạo phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, tăng cường các biện pháp  khoa học kỹ thuật để hướng dẫn bà con trồng cam đạt năng xuất chất lượng cao. Tiến hành quy hoạch, đầu tư các vùng sản xuất chuyên canh cam theo hứơng trồng cam sạch sâu bệnh, chú trọng về mẫu mã và chất lượng sản phẩm. Tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá sản phẩm "Cam sành Hàm Yên" tại các hội chợ trong nước và  trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Năm 2004, diện tích đất trồng cam của huyện là 2.000 ha. Đến năm 2006, diện tích đất trồng cam đã phát triển gần 2.400 ha, ước thực hiện năm 2007 diện cam của huyện Hàm Yên là  2.463 ha ,Trong đó, diện tích cam cho thu hoạch 1.870 ha . Nhiều trang trại cam hình thành và phát triển cho thu nhập ổn định . Huyện Hàm Yên đã đưa chương trình tập huấn trồng chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, quản lý đất đai, giống phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu hái, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm cho người trồng cam… do vậy, người nông dân đã từng bước áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, cải thiện về mẫu mã và chất lượng cam. Sản lượng cam đạt từ 22 đến 23 nghìn tấn quả, giá trị thu nhập từ  sản phẩm cam sành đạt gần 60 tỷ đồng.

Năm 2006, huyện Hàm Yên xây dựng chương trình "Phát triển cây cam giai đoạn 2006 - 2010", thực hiện dự án xây dựng thương hiệu "Cam sành Hàm Yên". Nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam sành Hàm Yên tới khách hàng trong và ngoài nước. Tháng 12 năm 2007 dự án xây dựng thương hiệu cam sành Hàm Yên đã trở  thành hiện thực đối với người dân Hàm Yên.


Huyện Hàm Yên còn phối hợp với các sở ban ngành của tỉnh, Trường đại học Nông nghiệp Thái nguyên, thực hiện dự án phát triển, quy hoạch vùng trồng cam và trồng thử nghiệm một số giống cam quýt mới trên địa bàn .

Huyện Hàm Yên còn chỉ đạo "Hội cam sành Hàm Yên", tích cực tuyên truyền, quảng bá sản phẩm cam sành trên các phương tiện thông tin đại chúng… Tìm thị trường tiêu thụ tại các siêu thị, các đại lý của các tỉnh thành phố trong cả nước. Hiện nay, có rất nhiều các điểm đại lý đăng ký bán sản phẩm cam quả cho hội cam sành Hàm Yên. Để tạo ra sản phẩm cam sành  mẫu mã đẹp ,giữ chữ tín cho khách hàng và bảo vệ vững chắc thương hiệu cam sành Hàm Yên, huyện Hàm Yên chỉ đạo các xã thị trấn, các cơ quan ban ngành trong huyện, huy động mọi nguồn vốn để tập trung cho chương trình phát triển cây cam, bao gồm cả đầu tư trực tiếp cho cho việc trồng và chăm sóc xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng cam. Chú trọng các nguồn vốn đầu tư cho sản xuất giống và các công trình thuỷ lợi, giao thông, tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản về thủ tục để người trồng cam, các tổ chức các tổ chức kinh doanh hoa quả được vay vốn. Có chính sách miễn giảm thuế đối với việc tiêu thụ sản phẩm nông sản, giảm bớt chi phí cho người trồng cam. Khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở chế biến hoa quả, mở xưởng chế biến nước quả tại chỗ để tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện nghiêm ngặt các quy trình các biện pháp khoa học kỹ thuật trong trồng chăm sóc thu hoạch và bảo quản cam sành Hàm yên. Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cam. Ký hợp đồng với các đại lý mua bán, các siêu thị tại các tỉnh thành phố trong cả nước để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, xây dựng thị trường tiêu thụ ổn định, cạnh tranh lành mạnh tránh ép gia gây thua thiệt cho người nông dân. Phát triển nhiều hội viên vào "Hội cam sành Hàm Yên" nhằm hợp tác, giúp đỡ nhau phát triển nghề trồng cam tạo ra sản phẩm đảm bảo mẫu mã và chất lượng cao phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Tuyên truyền vận động nhân dân, các hộ trồng cam thực hiện quy trình hướng dẫn trong trồng chăm sóc và thu hái sản phẩm. Ký kết, thực hiện sản xuất cam an toàn, cùng nhau giữ vững thương hiệu "Cam sành Hàm Yên".

PV

Tin cùng chuyên mục