Tiếp tục duy trì, phát triển thương hiệu "Cam sành Hàm Yên"

Trong năm qua, tình hình thời tiết diễn biến khi khô hạn, nắng nóng, mưa nhiều, khi lại rét đậm, rét hại kéo dài, nhiệt độ xuống quá thấp, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất cam của huyện Hàm Yên. Song, với sự nỗ lực không ngừng của các hộ trồng cam, huyện Hàm Yên đã có một mùa cam bội thu cả về năng suất và chất lượng.


Vườn cam trĩu quả của bà con nông dân
xã Tân Thành (Hàm Yên). Ảnh: Chúc Huyền


Năm 2010, toàn huyện có 2.237,6 ha cam sành, trong đó diện tích cho thu hoạch 2.057,9 ha, năng suất cam đạt 11-12 tấn quả/ha, tổng sản lượng đạt 20 - 22 nghìn tấn quả, so với năm 2009 tăng 10 nghìn tấn quả, giá trị thu nhập 140 -150 tỷ đồng. Năm 2010, những người trồng cam có thêm niềm vui mới, cam sành Hàm Yên đã được công nhận là “Địa chỉ xanh” tại lễ hội Festival trái cây Việt Nam lần thứ nhất, trong đó có 2 chủ nhà vườn đã được tuyên dương “Nhà vườn sáng tạo”. Cây cam đã thực sự góp phần đáng kể vào việc giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho bà con nông dân, xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Văn Tạo, Chủ tịch Hội Cam sành Hàm Yên cho biết: Toàn huyện hiện có hơn 2.500 hộ trồng cam, tập trung tại 9 xã: Yên Thuận, Yên Phú, Bạch Xa, Minh Khương, Minh Dân, Yên Lâm, Tân Thành, Phù Lưu, thị trấn Tân Yên. Ngay từ đầu vụ cam, Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện cùng Trung tâm cây ăn quả và Hội Cam sành tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền hướng dẫn cho nhân dân các xã vùng cam sản xuất theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện quy chế quản lý, bảo vệ, giữ gìn và phát triển thương hiệu “Cam sành Hàm Yên”, triển khai học tập các nội dung đã công bố về tiêu chuẩn cơ sở chất lượng sản phẩm cam sành đến toàn thể hội viên và người trồng, kinh doanh cam được biết, để đảm bảo chất lượng sản phẩm ở mức đã công bố hoặc tốt hơn. Hội đã phối hợp với Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Phong Lưu, tiến hành các khâu đánh giá sản lượng, phẩm cấp quả, xây dựng kế hoạch tiêu thụ cam ngay từ đầu vụ. Trước mỗi vụ thu hoạch, UBND huyện thành lập đoàn đi khảo sát thị trường tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh nhằm nắm bắt tình hình thị trường, ký hợp đồng tiêu thụ với các cửa hàng, siêu thị lớn như Intimex, Hapro, Fivimart... In tờ rơi, thông tin quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam sành Hàm Yên cho người tiêu dùng trong và ngoài nước biết.


Nông dân xã Tân Thành (Hàm Yên) chăm sóc cam cuối vụ.
Ảnh: Chúc Huyền


Hội đã giúp hội viên và nông dân tiêu thụ sản phẩm bằng cách lựa chọn các vườn cam bảo đảm chất lượng để dán tem, nhãn mác thương hiệu và tham gia giới thiệu tại các hội chợ nông sản và các điểm bán lẻ ở các tỉnh; triển khai ký hợp đồng tiêu thụ cam quả, đẩy mạnh hoạt động xây dựng thị trường bán lẻ, chú trọng thông tin thị trường; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tập huấn, chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm trồng, chăm sóc cam.

Tại xã Phù Lưu, nơi được coi là “rốn” của vùng cam sành Hàm Yên, với địa hình đồi núi cao, có đất đá vôi. Nhờ có nhiều mỏ nước từ các hang đá cao đổ về, nên cam ở vùng này luôn xanh tốt, sai quả và chất lượng thơm ngon hơn các nơi khác. ông Ma Hoa Tàm, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu cho biết, diện tích trồng cam của xã là 897 ha, năng suất đạt 97 tạ/ha, sản lượng 8.020,5 tấn quả. Giá cam sành năm nay không những tiếp tục được giá mà đôi lúc còn nằm ở mức kỷ lục trên 10.000 đ/kg, vào thời điểm thấp nhất khoảng 4.000 đ/kg. UBND xã chỉ đạo những hộ trồng cam ý thức được phải làm cam đẹp, đều quả, chứ không ham để quá nhiều quả trên một cây như trước đây làm cho chất lượng kém đi. Vì vậy, mà nhiều hộ đã bán được giá cao, cam thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Chị Hoàng Thị Nguyệt, thôn Lăng Đán, có trên 500 cây cam, sản lượng đạt 60 tấn quả, thu nhập trên 250 triệu đồng. Vườn cam của chị đạt tới hơn 50% số quả đẹp, đủ tiêu chuẩn dán tem thương hiệu đem đi dự hội chợ và bán tại các siêu thị với giá cao gấp đôi so với cam hàng xô. Đa số người dân nơi đây có chung nhận xét là cây cam dễ trồng, có giá trị kinh tế, là cây làm giàu. Minh chứng sinh động nhất là mức sống và thu nhập của người trồng cam trong những năm gần đây đã khá lên rõ rệt. Nhiều hộ có thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm như hộ ông Trình Ngọc Huynh, Đoàn Long Hải ở xã Yên Lâm; Hoàng Văn Tư, Ma Văn Long, xã Phù Lưu…

Ông Nông Huy Tùng, Phó chủ tịch UBND huyện Hàm Yên cho biết: Để giúp người nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, huyện thường xuyên tổ chức tập huấn quy trình sản xuất từ khâu tuyển chọn giống, nhân giống, trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật, nhằm bảo vệ tốt thương hiệu Cam sành Hàm Yên. Việc áp dụng các kỹ thuật cắt bằng kéo mới, vận chuyển bằng ròng rọc vừa giúp giảm chi phí vừa tránh được quả bị dập hỏng cho người trồng cam.

Cam sành Hàm Yên đã thực sự tìm được chỗ đứng trên thương trường. Trong xu thế hội nhập, hy vọng thương hiệu Cam sành Hàm Yên sẽ tiến xa hơn nữa, không chỉ nổi tiếng ở thị trường trong nước mà còn tiến tới  xuất khẩu ra nước ngoài, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho bà con nông dân Hàm Yên.

Theo:TQDT

Tin cùng chuyên mục