“Trường học cam sành” ở Phù Lưu

Trường THPT Phù Lưu đóng trên địa bàn thôn Thọ, xã Phù Lưu (Hàm Yên) có nhiệm vụ dạy học con em các dân tộc thuộc các xã: Yên Thuận, Bạch Xa, Minh Khương, Minh Dân, Phù Lưu, Tân Thành, Minh Hương, Bình Xa. Đây là các xã thuộc vùng trọng điểm trồng cam sành của huyện.

Căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2016 - 2017, trong đó “khuyến khích các đơn vị xây dựng và thực hiện phát triển chương trình giáo dục nhà trường; duy trì và nhân rộng mô hình trường học gắn liền với sản xuất kinh doanh tại địa phương”, Ban Giám hiệu nhà trường đã họp bàn thống nhất triển khai mô hình “trường học cam sành”, phân công Phó Hiệu trưởng phụ trách chung.

Học sinh chăm sóc cam sành trong khuôn viên nhà trường.

Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, Hiệu trưởng Trường THPT Phù Lưu cho biết, nhận thấy những điều kiện thuận lợi ở dãy Chạm Chu cho việc phát triển cây ăn quả, trong đó đặc biệt là cây cam sành. Vì vậy, nhà trường đã xây dựng kế hoạch và giao cho các thầy, cô giáo môn dạy nghề phối hợp với Trung tâm Cây ăn quả huyện, cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn học sinh cách chiết, ghép, trồng và chăm sóc cây cam sành, cam vinh, cam đường canh. Đây là ba loại cam đang được trồng rộng rãi trên địa bàn huyện đạt năng suất và có giá trị kinh tế cao trên thị trường góp phần làm giàu chính đáng cho nhiều hộ nông dân. 

Mục đích của “trường học cam sành” giúp học sinh biết vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn sản xuất, hiểu rõ hơn về thế mạnh của địa phương trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó định hướng nghề nghiệp sau khi ra trường, có nhiều kinh nghiệm hơn trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong việc trồng, chăm sóc và khai thác cây cam sành; hiểu rõ hơn về giá trị công việc của mình nhằm rèn luyện cho các em tinh thần lao động nghiêm túc giúp phát triển kinh tế sau này. Nhà trường chọn giáo viên dạy các môn Sinh học, Kỹ thuật nông nghiệp, Hóa học, Địa lý và giáo viên chủ nhiệm các lớp tham gia mô hình. Học sinh khối 11, gồm 2 lớp có 78 học sinh tham gia mô hình với 500 m2 đất được giao. Trường chi kinh phí về tập huấn, cây giống, thuốc trừ sâu, phân bón. Trung tâm Cây ăn quả huyện, cán bộ khuyến nông xã giúp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tới học sinh.

Anh Hoàng Minh Hùng, cán bộ khuyến nông xã Phù Lưu khẳng định, đây là mô hình mang tính thực tiễn cao. Ban Giám hiệu nhà trường đã thành lập một tổ công tác thực hiện mô hình, có kế hoạch, lộ trình cụ thể, phân công phối hợp chặt chẽ. Để giúp học sinh có đầy đủ kiến thức về kỹ thuật chiết, ghép và chăm sóc cây cam, các thầy cô giáo trong tổ dạy nghề nhà trường, cùng với các chuyên gia về cây ăn quả trên địa bàn huyện cũng như các hộ nông dân có kinh nghiệm đã hướng dẫn và yêu cầu học sinh thực hiện nghiêm ngặt các quy định, tiêu chuẩn về chiết, ghép, trồng và chăm sóc cây ăn quả. Trong năm học này, nhà trường đã cho trồng thử nghiệm cây cam sành, cam vinh và đã cho học sinh chọn đất làm khoảng 1.000 bầu cây mới, dự kiến khi thời tiết nắng ấm mới cho ươm, ghép cây. 

Em Nông Thị Quyến, lớp 11B5, thôn Bản Ban, xã Phù Lưu nói, đây là một mô hình hay mang tính thực tiễn cao. Qua học lý thuyết và thực hành ở trường về nhà em đã áp dụng vào sản xuất, bước đầu nhận thấy kết quả rõ rệt. Chúng em thấy yêu cây cam sành và sẽ cố gắng tham gia phát triển cây cam của địa phương hơn nữa.

Mô hình “trường học cam sành” là mô hình “Học đi đôi với hành”. Qua đó, giúp học sinh có thêm những trải nghiệm từ thực tiễn đời sống, có thêm những kinh nghiệm tốt để phục vụ bản thân, nắm rõ được tiềm năng thế mạnh của quê hương để định hướng nghề nghiệp sau này./.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục