Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cam sành Hàm Yên

Hiện các ngành, địa phương thực hiện Dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý “Hàm Yên” cho sản phẩm Cam sành Hàm Yên nhằm nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm trên thị trường.

Đến nay, huyện Hàm Yên có hơn 5.900 ha cam. Năng suất, chất lượng cam ngày càng cao. Trước những tiềm năng và lợi thế phát triển cây cam sành trên địa bàn huyện Hàm Yên, tỉnh ta đã đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm có tên gọi “Cam sành Hàm Yên” và tích cực thực hiện nhiều đề tài, dự án nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm như tuyển chọn, nhân giống cam không hạt, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất làm giảm tỷ lệ hạt trong quả, tăng tỷ lệ ra hoa, đậu quả…


Tỉnh ta đang xây dựng chỉ dẫn địa lý “Hàm Yên” cho sản phẩm Cam sành Hàm Yên.

Huyện Hàm Yên đang phối hợp với Sở khoa học và Công nghệ đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Hàm Yên” cho sản phẩm Cam sành Hàm Yên. Mới đây, hồ sơ đề xuất đã được Bộ khoa học và Công nghệ phê duyệt danh mục thực hiện dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý “Hàm Yên” cho sản phẩm Cam sành Hàm Yên. Thực hiện dự án này, huyện đã giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai thực hiện.

Ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, xây dựng chỉ dẫn địa lý “Hàm Yên” cho sản phẩm Cam sành Hàm Yên, huyện triển khai thực hiện các bước công việc: Khảo sát, thu thập các thông tin và hiện trạng vùng trồng cam của huyện, thu thập tài liệu liên quan về vùng địa danh, lịch sử, uy tín, thị trường và giá trị về mặt kinh tế - xã hội; thu thập tài liệu, đánh giá sơ bộ ảnh hưởng của các điều kiện tự nhiên và những tác động của con người đến chất lượng sản phẩm; xác định nguồn gốc, đặc điểm sinh trưởng, tính chất đặc thù và phân tích các yếu tố tạo nên tính chất đặc thù của Cam sành Hàm Yên. Huyện tập trung xây dựng bản đồ vùng địa lý sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; xây dựng hệ thống các công cụ quảng bá sản phẩm, hệ thống nhận diện chỉ dẫn địa lý như tem nhãn, bao bì sản phẩm, tờ rơi, biển quảng cáo, gian hàng triển lãm, làm Website thương mại điện tử, xây dựng kênh phân phối, phân tích thị hiếu người tiêu dùng; xây dựng phương án hệ thống thương mại hóa sản phẩm hoàn thiện, tiến tới tiếp cận thị trường quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapo...

Theo đánh giá của Sở khoa học và Công nghệ, việc xây dựng thành công Dự án chỉ dẫn địa lý “Hàm Yên” dùng cho sản phẩm Cam sành Hàm Yên sẽ góp phần nâng cao vị thế, danh tiếng, sức cạnh tranh của sản phẩm cùng loại trên thị trường. Bởi sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý khi đưa vào sử dụng phải đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, bao bì, tem nhãn... theo quy định nghiêm ngặt. Đây cũng chính là cơ sở pháp lý quan trọng hạn chế hiện tượng hàng giả, hàng nhái sản phẩm, giúp người tiêu dùng nhận biết, tìm mua sản phẩm với số lượng nhiều hơn. 

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục