Cảm nhận từ hồ Khởn

Hồ Khởn, xã Thái Sơn (Hàm Yên) còn có tên gọi là hồ Khửn, rộng hơn 60 ha. Theo tiếng Tày, “khửn” nghĩa là bước lên, đi lên. Cách đặt tên này như một niềm hy vọng của người dân, mong muốn cuộc sống của mình dựa vào hồ nước này ngày một phồn thịnh, ấm no.

Hồ Khởn hiện được coi là một trong ba trục du lịch trọng điểm của huyện Hàm Yên. Tận dụng lợi thế này người dân nơi đây đã và đang từng bước biến tiềm năng thành giá trị kinh tế thực sự. Cả thôn Khởn hiện có 126 hộ thì đã có gần trăm hộ dân đưa các mô hình “chè, keo, cam, thanh long” ra trồng quanh các đảo.


Quang cảnh hồ Khởn, xã Thái Sơn (Hàm Yên).

Chè là một trong những cây thế mạnh, cây kinh tế chính của thôn. Thôn hiện có gần 100 hộ trồng chè, hộ nhiều có đến hơn 1 mẫu, ít cũng có vài ba sào. Để phục vụ cho nhu cầu của các hộ trồng chè, các hộ dân trong thôn đã tự mua 15 máy sao chè nhỏ. Nếu không có diện tích các đảo quanh khu vực thôn thì chắc chắn số hộ nghèo của thôn không dừng lại ở con số 79 như hiện nay mà còn hơn nhiều, vì thôn Khởn hiện vẫn là một trong những thôn đặc biệt khó khăn của xã Thái Sơn. Đến nhà chị Nguyễn Trung Sơn, một gia đình trồng nhiều chè của thôn, chị cho biết, nhà có hơn 1 mẫu chè trồng trên đảo, mỗi năm cũng cho thu trên 120 kg chè khô, với giá bán 50.000 đồng/ kg, đây là một con số không hề nhỏ đối với một gia đình nông dân ở thôn, số tiền này gia đình chị đầu tư mua sắm đồ dùng gia đình và đầu tư lại phân bón tiếp tục cho những vụ chè tiếp theo.

Ngoài chè thì cam, thanh long và keo cũng là những cây cho thu nhập ổn định của người dân thôn Khởn nói riêng và những thôn quanh khu vực nói chung. Thôn Khởn hiện có hơn 40 hộ trồng cam, với diện tích xấp xỉ 5 ha, trong đó người trồng nhiều nhất là ông Nguyễn Văn Vinh 1 ha, còn lại cũng có từ 0,2 ha đến 0,5 ha. Kế đến là cây keo, với diện tích gần trăm ha, trong đó người trồng nhiều nhất là ông Nguyễn Văn Trăn 4 ha, năm vừa rồi cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Vĩnh, Trưởng thôn 1 Thái Thủy gần hồ Khởn cho biết: Thôn may mắn nằm dọc bờ hồ, nên lượng nước tưới tiêu cho trên 27 ha lúa 2 vụ và trên 13 ha cây trồng vụ đông hàng năm đều không phải lo lắng gì, năng suất cũng như sản lượng thóc, ngô ở đây luôn được đảm bảo. Người dân trong thôn cũng tận dụng diện tích đất trên các hòn đảo, quanh khu vực hồ để trồng trên 30 ha keo, trong đó một trong những hộ trồng nhiều keo nhất là ông Hứa Công Chủ với diện tích hơn 7 ha.

Từ năm 2005, huyện Hàm Yên đã có kế hoạch đầu tư, coi hồ Khởn là một trong ba trục phát triển du lịch sinh thái cùng với Động Tiên và rừng Cham Chu. Tuy nhiên, đến nay việc thu hút đầu tư vào khu du lịch sinh thái hồ Khởn vẫn gần như “dậm chân tại chỗ”. Người dân trồng keo, trồng cam, trồng chè chủ yếu là để tận dụng đất, mà không hề biết rằng chính những đồi keo, đồi chè, cam của gia đình mình đang tạo ra một cảnh quan hợp lý, đẹp mắt cho những du khách khi đặt chân đến hồ Khởn.

Nằm cách trung tâm xã Thái Sơn 6 km và chỉ cách thị trấn Tân Yên 4 km nhưng con đường dẫn đến hồ Khởn vẫn còn nhiều ổ voi, ổ gà rất khó đi. Thôn 1 Thái Thủy là thôn đầu tiên “chạm mặt” hồ Khởn, nhưng cả một đoạn đường 4 km từ tổ nhân dân Đồng Bàng (thị trấn Tân Yên) đến thôn không có một đoạn đường bê tông nào. Trưởng thôn Nguyễn Văn Vĩnh giải thích: Thôn cũng đã lên kế hoạch để làm hết đoạn đường nối ra thị trấn Tân Yên nhưng lại trùng với “con đường sinh thái” đang được dự định mở nối từ thị trấn vào hồ Khởn, vì thế đến nay con đường vẫn chưa được mở, ảnh hưởng khá nhiều đến việc đi lại của bà con trong thôn cũng như của khách du lịch đến với khu vực này.

Trưởng thôn Khởn Nguyễn Văn Hanh cho biết, khách du lịch đến với hồ Khởn nhiều lắm, nhất là vào mùa hè hoặc cận mùa thu hoạch cam để vừa thăm thú cảnh quan, vừa được chọn mua hoa quả ngay tại vườn. Nhưng hiện thôn vẫn chưa có cơ sở cung cấp các dịch vụ ăn uống, giải trí, nghỉ ngơi, khiến việc giữ chân du khách cũng như kéo du khách quay trở lại vẫn là điều nan giải. Ông Hanh có một chiếc thuyền cứ hễ có khách gọi là sẵn sàng đưa khách tham quan du lịch lòng hồ hoặc đưa đến tận vườn mà khách yêu cầu... Nhưng ông cũng mong muốn thời gian tới, huyện, xã hỗ trợ đào tạo kỹ năng làm du lịch cho một số hộ gia đình làm du lịch cộng đồng...

Bên hồ Khởn chúng tôi cảm nhận tiếng gió từ bạt ngàn những hòn đảo xanh mướt mắt. Thôn hồ Khởn đang từng bước đi lên như mong muốn của người dân nơi đây, nhưng để đi đúng hướng vẫn cần sự đầu tư, định hướng từ cấp, ngành, đơn vị liên quan. Với những tiềm năng sẵn có hồ Khởn đang thực sự chờ những bàn tay đầu tư đánh thức, trở thành một điểm đến hấp dẫn.

Theo: TQDT

Tin cùng chuyên mục