Hàm Yên qua tên đất, tên làng

Thuở xa xưa, huyện Hàm Yên nằm trong bộ Vũ Định thuộc Nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng. Trải qua các triều đại phong kiến Việt Nam, Hàm Yên đã nhiều lần thay đổi cả về địa danh lẫn địa giới hành chính. Dưới thời Tiền Lê (980-1009) huyện có tên là Sóc Sùng; thời thuộc Minh (1413-1417) gọi là Văn Yên, cả hai thời kỳ này, huyện thuộc châu Trực Lệ, phủ Tuyên Hóa. Thời Lê Sơ (1488-1527) huyện có tên gọi là Sùng Yên, sau đổi thành Phúc Yên. Tới thời Nguyễn, năm Minh Mạng thứ ba (1822) đổi thành Hàm Yên.

Sùng Yên, Phúc Yên hay Hàm Yên dưới thời phong kiến bao gồm toàn bộ huyện Hàm Yên và Yên Sơn ngày nay.

 

“Gánh vàng” - thương hiệu của người Hàm Yên.Ảnh: Hà Thế Đô

 

Năm 1915 chính quyền thuộc Pháp mới tách phủ Hàm Yên thành lập hai huyện Hàm Yên và Yên Sơn. Hàm Yên lúc đó gồm 4 tổng: Nhân Mục, Hùng Dị, Phù Loan, Yên Lũng với 29 xã và 12 động Mán. Sau khi giành được chính quyền cách mạng năm 1945, Hàm Yên nằm trong phủ Toàn Thắng, gồm một phần đất huyện Yên Sơn và một số xã của huyện Yên Bình (Yên Bái). Sau tổng tuyển cử năm 1946, các phần đất của các huyện khác được trả về huyện cũ, địa giới hành chính của huyện được định hình lại. Tài liệu của công sứ Lu-pi người Pháp còn ghi năm 1936 huyện Hàm Yên chỉ có trên 6.500 người. Sau nhiều lần thay đổi, tách nhập các đơn vị hành chính, tới nay huyện Hàm Yên có 18 xã, thị trấn trải rộng diện tích trên 90.000 ha chủ yếu là đồi núi với dân số khoảng 120.000 người với nhiều dân tộc anh em.

 

Theo sử sách, các cụ ngày xưa chọn chữ “Hàm Yên” mang tên huyện với mong ước “hết thảy khắp nơi trong huyện đều bình yên”. Người Hàm Yên đặt tên đất, tên làng là một sự gửi gắm về sự “hòa thuận, bình yên và thái bình” như chính tính cách con người nơi đây thật thuần hậu, đoàn kết, chăm chỉ trong cuộc sống, lao động sản xuất. Giờ trên mảnh đất này vẫn còn nhắc nhở điều đó qua các địa danh: Thái Sơn, Thái Hòa, Yên Phú, Yên Lâm, Yên Thuận.

 

Xưa kia, người Hàm Yên đã có tài về buôn bán giao thương giỏi. Không những thương lái từ Hà Giang, Yên Bái mà còn ở dưới xuôi lên buôn bán rất đông. Ở phố “Bắc Mục” có ý nghĩa chỉ nơi hòa thuận, vui tươi ở phương Bắc - trung tâm huyện lỵ cũ xưa là nơi buôn bán sầm uất một thời. Tại con phố cổ này, đền Bắc Mục được ra đời và trở thành ngôi đền nổi tiếng nhất cả một vùng trong và ngoài huyện. Phố Bắc Mục trước kia có dãy chính chạy dọc theo quốc lộ và phố chợ thẳng xuống bờ sông có bến đò. Cùng với trung tâm buôn bán đông đúc ở phố Bắc Mục, huyện Hàm Yên xưa có 3 chợ chính: Chợ Bắc Mục (thị trấn Tân Yên), chợ Thụt (Phù Lưu), chợ Bợ (Bình Xa). Đây là những nơi trao đổi hàng hóa nhộn nhịp từ lâu đời. Chính sự giao thương buôn bán này đã góp phần làm nên một phần tính cách nhanh nhạy trong phát triển kinh tế của người Hàm Yên. Ngoài địa danh Bắc Mục, huyện còn có tên xã mang địa danh “Nhân Mục” chỉ xứ sở của nhân hòa, con người nơi đây sống hiền hòa, tình cảm.

 

Sử sách thời Lê còn nhắc đến nhiều cây thuốc ở dãy Chạm Chu và bài thuốc quý của người dân Hàm Yên. Nay vẫn còn lại địa danh Thuốc Thượng, Thuốc Hạ và Bến Thuốc phía tả ngạn sông Lô, xưa là nơi mua bán trao đổi thuốc nam và hàng hóa với miền xuôi khá nổi tiếng bằng đường thủy. Nguyễn Trãi đã viết trong cuốn “Dư địa chí” rằng “Phúc Yên (tức Hàm Yên và Yên Sơn ngày nay) có vải thổ cẩm tốt và mật o­ng vàng không đâu sánh bằng”. Chủ nhân trên mảnh đất Hàm Yên xưa chính là đồng bào Tày, Dao, Cao Lan… với đời sống tín ngưỡng, phong tục tập quán vô cùng đặc sắc. Sau này, người bản địa giao thoa với người Kinh từ miền xuôi lên xây dựng kinh tế đã tạo ra sự đa dạng trong văn hóa người Hàm Yên. Sự pha trộn vùng miền đã tạo ra lớp người Hàm Yên mới rất nhanh nhẹn, năng động trong cuộc sống, nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của mình. Điều đó được thể hiện khá rõ nét qua một số địa danh “cũ kết hợp mới” như Tân Yên, Tân Thành, Tân Phong...

 

Ngày nay, du khách thập phương biết tới địa danh Hàm Yên là nơi có cam sành, một trong 50 loại quả ngon nhất Việt Nam. Kinh tế - xã hội huyện Hàm Yên đang phát triển nhanh, vững chắc trong cái thanh bình, như ước muốn hết thảy bình yên của mọi người dân trong huyện xưa và nay.

Theo: TQDT

Tin cùng chuyên mục