Núi Cham Chu

Cham Chu là dải núi lớn, nằm về đông bắc huyện Hàm Yên, tây nam huyện Chiêm Hóa. Nậm Nương là con suối lớn từ trên đỉnh Cham Chu đổ về. Mùa mưa nước suối màu vàng, vì thế mới có tên Nậm Nương. Tiếng Tày nương là vàng.
Dãy núi còn bảo tồn được khối lượng và chủng loại tài nguyên thiên nhiên phong phú. Hệ thực vật có các loài nghiến, trai, kháo, sồi, phay, kẹn, đinh, xoan mộc, dâu đất, cà lồ, muồng, sấu, nhội, chò chỉ, chò nâu, xoan đào, giẻ, re xanh, re gừng, vàng tâm... trữ lượng ước 400m3/ha. Các loại cây thuốc cũng phong phú, gồm các họ cúc, họ ngũ gia bì, họ bạc hà, trúc đào, họ đậu, họ bách bộ, thổ phục linh...

Hệ động vật, khu hệ thú có 42 loài thuộc 20 họ, 8 bộ như  khỉ mặt đỏ, khỉ vàng, voọc đen, chó rừng, sói đỏ, gấu ngựa, cầy giông, cầy hương, cầy vằn, cầy vòi, mèo rừng, beo lửa, báo gấm, lợn rừng, nai, hoãng, sơn dương, nhím, don... Trong đó có 11 loài thuộc loại quý hiếm như  voọc mũi hếch, gấu ngựa, khỉ mặt đỏ, voọc đen má trắng, sói đỏ, beo lửa, báo gấm,  cầy vằn, sóc bay lớn, tê tê.

Khu hệ chim, đã có 127 loài chim được ghi nhận: Cò bợ, cắt bụng hung, cắt bụng trắng, diều hâu, ưng xám, ưng bụng hung , cuốc ngực nâu, gà rừng, gà lôi trắng,  cu xanh, cu gáy, cu ngói, cu luồng, bìm bịp, cú mèo, cú vọ mặt trắng, yến núi, yến bụng trắng, gõ kiến lùn, gõ kiến xanh cổ đỏ, gõ kiến nâu, gõ kiến gáy vàng, vàng anh, tử anh, nhạn rừng, nhạn bụng trắng, khiếu, hoạ mi đất, bách thanh, sáo, vành khuyên, yểng, thầy chùa đuôi đỏ...

Cũng đã ghi nhận 38 loài bò sát như nhiều loại rắn, rùa núi vàng, ba ba trơn, rùa hộp và 15 loài lưỡng cư. 

Đã lập Dự án Khu bảo tồn thiên nhiên Cham Chu, theo đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Nậm Nương thuộc xã Phù Lưu có diện tích 2.600ha. Cùng với các biện pháp bảo vệ rừng nghiêm ngặt còn thực hiện các chương trình đầu tư phát triển vốn rừng gồm trồng, khoanh nuôi tái sinh và trồng cam, loại cây ăn quả có giá trị,  thích hợp với đất đai vùng dự án. Năm 2009 diện tích cam gần 4.000 ha.  

Theo: TQDT

Tin cùng chuyên mục