Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số

Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong phần "Những định hướng lớn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại" có viết: "Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển. Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam…".


 

 

 
Múa cờ của dân tộc Cao Lan, xã Đại phú (Sơn Dương).  
Ảnh: Ngọc Chiến


Nước ta có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có phong tục tập quán riêng nên vốn văn hóa truyền thống rất phong phú, đa dạng. Đó là những nếp nhà cổ truyền với những kiến trúc độc đáo, cùng với những phong tục tập quán, đồ dùng, dụng cụ sinh hoạt, sản xuất; trang phục, tín ngưỡng, vốn văn nghệ dân gian… Đồng bào dân tộc Tày có lễ hội lồng tông, có hát cọi, hát then, hát quan làng, có cây đàn tính; đồng bào dân tộc Dao có lễ cấp sắc, kèn pí lè; đồng bào dân tộc Cao Lan có truyện cổ "Nàng Lưu Ba", múa tam thanh, trống tang sành; di sản văn hóa đặc trưng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên có nhà rông, cồng chiêng, các lễ hội "Mừng về làng mới" của dân tộc Striêng, "Ăn lúa mới" của dân tộc Xơ Đăng, hội "Mừng mưa rơi" của dân tộc Khơ Mú… Cùng với đó là kho tàng văn học dân gian của các dân tộc thiểu số cũng vô cùng phong phú như: Sử thi Đăm San của dân tộc Ê Đê, sử thi Đẻ đất đẻ nước của dân tộc Mường, trường ca Đăm Noi của dân tộc Ba Na, Xinh Nhã - sử thi của dân tộc Gia Rai, truyện thơ Nam Kim - Thị Đan của dân tộc Tày Nùng, truyện thơ Xống chụ xon xao của dân tộc Thái…

Tuy nhiên, có nơi, có lúc, vốn văn hóa truyền thống dân tộc có nguy cơ bị mai một. Ví như hiện nay ở tỉnh ta, thực hiện chủ trương di dân tái định cư để xây dựng nhà máy thủy điện Tuyên Quang, tại những khu tái định cư của đồng bào dân tộc thiểu số đã vắng đi những nếp nhà sàn truyền thống. Cùng với sự thay đổi về điều kiện địa lý, môi trường sống là sự thay đổi về tập quán sinh hoạt, nếp sống… Nhiều trẻ em dân tộc sinh ra không biết nói tiếng dân tộc mình; thanh niên không biết (hoặc không thích) mặc trang phục dân tộc mình trong lễ cưới, ngày hội… Số người lưu giữ vốn văn nghệ dân gian ngày một ít và đều đã cao tuổi… Vì vậy, nếu không có kế hoạch khai thác bảo tồn sẽ bị mai một dần.

Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, việc tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số là việc làm hết sức cần thiết. Trước hết, cần làm cho mọi người dân hiểu và nắm vững Luật Di sản văn hóa để có nhận thức đúng, từ đó có ý thức bảo vệ, thực hiện. Đồng thời, cùng với việc sưu tầm vốn dân ca, dân vũ cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà văn hóa thôn bản, thư viện, điểm bưu điện văn hóa xã…để tổ chức bảo lưu và phát triển đúng hướng các hoạt động văn hóa văn nghệ, lễ hội ở địa phương. Đó chính là cách tốt nhất để tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ngay từ cơ sở.

Theo: TQDT

Tin cùng chuyên mục