Đề xuất biến cầu Long Biên thành bảo tàng

Cây cầu trên 100 tuổi của thủ đô được đề xuất phủ kính trong suốt và trở thành nơi triển lãm, tổ chức các hoạt động văn hóa. Bãi giữa sông Hồng được đắp kè cao để làm công viên nghệ thuật.

*Ảnh: Cầu Long Biên quá khứ, hiện tại và tương lai

Ngày 15/7, tại Hà Nội, trong buổi tọa đàm về cải tạo cầu Long Biên do Hội quy hoạch đô thị VN tổ chức, bà Nguyễn Nga, kiến trúc sư quy hoạch đô thị Paris, đã trình bày đề án quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát triển cầu Long Biên.

Trong tương lai, cầu Long Biên mới sẽ được xây dựng để phục vụ giao thông đường sắt, cây cầu già cỗi hiện nay có thể bị phá hủy. Vì vậy, KTS Nga muốn biến cầu thành bảo tàng lịch sử cận đại dài nhất trên thế giới. Để thực hiện ý tưởng này, cầu sẽ được nâng thêm 3 mét để cho tàu thuyền dễ dàng đi lại, gắn pháo trên những nhịp cũ để giữ lại ký ức một thời hào hùng của dân tộc.

Theo ý tưởng của KTS Nguyễn Nga, cầu Long Biên sẽ được cải tạo thành bảo tàng nghệ thuật đương đại. Trên cầu được gắn kính trong suốt và trưng bày đầu máy hơi nước để khách tham quan.

“Một không gian lớn sẽ được xây dựng dựa trên cấu trúc của cầu để triển lãm tàu hỏa hơi nước cổ. Các toa tàu cổ trở thành quán café, nhà hàng. Còn những nhịp cầu sẽ được bao phủ bởi những tấm kính trong suốt. Chi tiết này mang lại một vẻ đẹp mới đồng thời vẫn giữ nguyên vẹn cấu trúc của công trình”, KTS Nga chia sẻ.

Theo bà Nga, đường ray ở chính giữa trở thành một không gian mới dành riêng cho những hoạt động văn hóa sáng tạo. Những không gian tách biệt, có hoặc không có mái che, cho phép tổ chức các sự kiện ngắn hoặc dài ngày. Cây xanh và đèn đường sẽ được trồng hai bên, tạo ra con đường đi bộ thơ mộng.

Điểm nhấn của dự án chính là bãi giữa sông Hồng sẽ được cải tạo, đắp cao và kè bờ để quy hoạch thành “Công viên nghệ thuật” với vườn sinh vật tự nhiên và nhân tạo, vườn hoa đào, hoa hồng; những kios âm nhạc, khu nghỉ mát có mái che và ghế ngồi, đường đi xe đạp, sân trượt patin, tường leo núi… Riêng phần mũi bãi giữa được quy hoạch thành khu trồng dâu, tạo không gian cho những làng nghề dệt lụa.

Cũng theo KTS Nguyễn Nga, tại bờ phải của sông Hồng (phía Long Biên) - nơi còn 2,5 ha đất bỏ trống đang bị dùng làm chỗ đóng than tổ o­ng - dự định xây Tháp Sen Bảo tàng Nghệ thuật đương đại.

Bảo tàng Nghệ thuật đương đại có hình dáng của bông sen đang hé nở - loài hoa được đề cử là quốc hoa của Việt Nam - được làm bằng kim loại và gỗ. Đây sẽ là nơi giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật đương đại, công nghệ mới của Việt Nam và quốc tế. Ngoài những triển lãm ngắn ngày và cố định, bảo tàng còn là không gian văn hóa dành cho du khách, với thư viện, phòng hòa nhạc, café, nhà hàng. Và ở tầng thượng (tầng 9) sẽ là một không gian mở nhìn ra toàn cảnh Hà Nội, với những kính viễn vọng quan sát thiên văn.

Bảo tàng Nghệ thuật đương đại có hình dáng của bông sen đang hé nở - loài hoa được đề cử là quốc hoa của Việt Nam.

Trước thực trạng 131 vòm cầu bằng gạch nằm dọc tuyến đường sắt dẫn lên cầu hiện bị bịt kín, KTS Nga đề xuất mở thông để tạo thành một dãy phòng triển lãm của các làng nghề thủ công nghệ thuật truyền thống. Các vòm còn lại sẽ được dành cho khu nhà hàng, quán cafe, trà, hay dành cho nghệ sĩ và giới trẻ yêu hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, kịch câm, múa...

Tháp nước Hàng Đậu dự kiến được cải tạo và thiết kế thành một Bảo tàng cổ vật, trưng bày những bộ sưu tập cá nhân độc đáo. Mái tháp được nâng cao và làm bằng kính, cùng mái che trong suốt, đem đến điểm nhìn bao quát từ Hoàng thành đến Bảo tàng Nghệ thuật đương đại (Tháp Sen).

Một phố đi bộ xanh mang tên “Đại lộ hòa bình” nối liền những điểm văn hóa lịch sử của thủ đô dài 4 km cũng được đề xuất triển khai. Tuyến phố sẽ cho phép du khách khám phá khu trung tâm Hà Nội, với điểm xuất phát là Nhà hát lớn, đi qua vườn hoa Lý Thái Tổ, quanh hồ Hoàn Kiếm, phố Hàng Ngang, Hàng Đào… đến Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháp nước Hàng Đậu, cầu Long Biên.

KTS Nguyễn Nga cho biết, dự án được dự kiến thực hiện trong 10 năm, với mức đầu tư sơ bộ lên tới 4.860 tỷ đồng. Trong đó, dự án tháp nước Hàng Đậu (50 tỷ đồng) được hoàn thành năm 2013; Tháp Sen - Bảo tàng Đương đại (100 tỷ đồng) và cầu Long Biên - Bảo tàng Lịch sử (3.900 tỷ đồng) hoàn thành năm 2018.

“Việc tiến hành những dự án táo bạo trên đây sẽ cho phép cải thiện môi trường sống của những người Hà Nội; thay đổi dần không gian đô thị của thủ đô xung quanh trục đường đi bộ xanh; tăng thêm không gian xanh cho Hà Nội…”, KTS Nga nhấn mạnh.

Sau khi nghe và xem qua đề án, nhiều kiến trúc sư, chuyên gia quy hoạch tán thành ý tưởng táo bạo cải tạo cầu Long Biên thành bảo tàng lịch sử cận đại chứ không đơn thuần chỉ là công trình giao thông.

Cầu Long Biên là cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, được khởi công xây dựng vào tháng 9/1898, do hãng Daydé-Pillié (Pháp) thiết kế và thi công, khánh thành tháng 2/1902. Cầu được đặt tên là cầu Doumer (theo tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer). Cầu chính qua sông dài 1.682 mét và cầu dẫn dài 896 mét, gồm 19 nhịp đặt trên 20 trụ cao hơn 40 mét (kể cả móng). Cầu chia thành 9 khung khổng lồ, mỗi khung dài 61 mét. Giữa là đường xe lửa, hai bên là đường đi bộ.

Theo: VNEX

Tin cùng chuyên mục