Sứ mệnh của “ông trâu” thắng cuộc

Những thân hình cao lớn vạm vỡ với thế nghênh chiến oai phong, những miếng “hổ lao”, “đánh dập” dũng mãnh, hay cái uy với đối phương... để có giây phút ngẩng cao đầu. Nhưng rồi mọi “ông trâu” bất khả chiến bại trong các cuộc so tài cũng đều được hóa kiếp thành “ông Cầu” để về chầu giời. Trong quan niệm của người dân Hàm Yên, tìm ra con trâu thắng cuộc để dâng tế thần linh sẽ giúp họ có thêm niềm tin trong lao động.

Những cuộc giao tranh để tìm cái nhất

Qua mấy mùa lễ hội chọi trâu, người dân Hàm Yên vẫn khấp khởi đón chờ bằng cả sự kỳ vọng vào những đổi thay cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhà nhà no đủ. Không năm nào sân vận động trung tâm huyện Hàm Yên - nơi diễn ra Lễ hội chọi trâu giảm lượng người đến xem. Còn nhớ, lễ hội năm 2012, khắp các ngả đường từ sáng sớm, người dân nghìn nghịt bồng bế, dắt nhau đi xem hội trong mưa phùn gió bấc. Sân vận động chật kín người. Tiếng va sừng lốc cốc của các cặp đấu lẫn trong tiếng hò reo không ngớt trên khán đài làm nên một không khí náo nhiệt chưa từng có.

Năm nay cũng thế, ngày thứ hai diễn ra các trận đấu, phố huyện nhỏ bé lại được đánh thức bởi dòng người đổ về mỗi lúc một đông. Lễ hội nơi phố huyện không thể tưng bừng hơn. Công tác tổ chức, an ninh, bảo vệ cũng được chuẩn bị chu đáo hơn năm trước. Công an huyện đã huy động tối đa lực lượng gồm trên 60 người, chia làm 17 tổ làm công tác trật tự sân bãi, điều khiển người tham gia giao thông trên khắp các tuyến đường vào trung tâm huyện. Ước tính có khoảng gần 30 nghìn khán giả trên các khán đài theo dõi các kháp đấu.


 Một kháp đấu trong Lễ hội chọi trâu Hàm Yên năm 2013.

Trong 16 cặp trâu tham gia vòng chung kết năm nay, nhiều “ông trâu” có thân hình cao to vạm vỡ, trọng lượng lớn hơn những năm trước. Các chủ trâu cho biết, có được điều đó là nhờ sự công phu trong việc tuyển chọn giống trâu chọi từ khắp các địa phương trong cả nước và nước ngoài về. Nhiều chủ trâu đã cất công vào tận Tây Nguyên, miền Nam, sang cả nước bạn Lào để mua trâu về chăm sóc và huấn luyện. Do đặc thù của từng nơi, trâu thường được dùng để kéo gỗ nên đã hình thành giống trâu to, khỏe. Ông Trần Văn Trung ở tổ nhân dân Ba Chãng, thị trấn Tân Yên cho rằng, mặc dù từ xưa, huyện nổi tiếng có giống trâu Ngố cao to. Nhưng để tăng cường thêm sức mạnh, ông đã lặn lội vào tận Cần Thơ và nước Lào để mua 3 con trâu chọi. Và cả 3 con trâu của ông Trung đều thắng cuộc ở ngày đầu tiên, được vào vòng chung kết.

Xen lẫn những kháp đấu nảy lửa là những câu chuyện truyền thuyết về nguồn gốc lễ hội chọi trâu ở Hàm Yên của người bình luận trên sới. Rằng, ngày xưa thấy dân dưới hạ giới còn nghèo đói, Ngọc Hoàng đã ban cho địa phương con trâu Ngố cao to để nhân dân cày kéo. Biết ơn trời đất, hàng năm vào dịp đầu xuân, nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội chọi trâu, chọn ra “ông trâu” chiến thắng để hóa kiếp thành “ông Cầu”, mang tế tại đền, tỏ lòng biết ơn trời đất đã ban cho muôn dân có mùa màng bội thu, xua tan nghèo đói. Về sau giặc ngoại xâm tàn phá, người dân không có điều kiện để duy trì lễ hội này. Nay đất nước thanh bình, dân khang, vật thịnh, người dân lại nhớ tích xưa mà khôi phục lại, một phần tiếp tục tỏ lòng biết ơn trời đất, thần linh; một phần duy trì tín ngưỡng tâm linh, tạo niềm tin cho nhân dân tham gia lao động sản xuất.

Tiếng trống giục, tiếng cổ vũ reo hò vang động không gian sới chọi khiến cho các kháp đấu thêm phần hấp dẫn. Tuy nhiên, mỗi “ông trâu” đều có cách chiến thắng của riêng mình. Có “ông trâu” luôn diễu võ dương oai để cho đối phương phải nể cái uy của mình; có “ông” thì tỏ ra lì lợm, can trường trước đối thủ cao to hơn về tầm vóc; còn có “ông” lại mang khí thế của một chiến binh dũng cảm, xông trận như vào chỗ không người, dùng các miếng “hổ lao”, “đánh dập”, “cáng hiểm” để hạ gục đối phương. Trong trận chung kết để tìm ra kẻ chiến thắng, “ông trâu” số 17 của chủ trâu Lâm Duy Hoàn, xã Thắng Quân (Yên Sơn) đã chứng tỏ được bản lĩnh của nhà vô địch: Nhẹ nhàng, uy lực và không làm cho đối thủ phải đổ máu. Phải chăng, trong tâm linh, dấu hiệu đó đã nói lên một điều lành cho năm mới? Điều ấy còn thể hiện được sự dày công trong huấn luyện của chủ trâu, đồng thời nêu cao tinh thần thượng võ và tính nhân văn của người Việt.

“Ông trâu” chiến thắng đã được hóa kiếp thành “ông Cầu” để nhân dân rước lên đền Bắc Mục làm lễ tế đầu trâu. Khi làm lễ, lần lượt tiếng chuông, trống, chiêng, khánh từng hồi vang lên tiễn “ông Cầu” “thăng”. Người dân quan niệm rằng, “ông Cầu” sau khi “thăng” sẽ để lại lộc cho muôn dân hưởng thụ. Ý nghĩa của lễ này được ông Nguyễn Văn Thắng, thủ nhang đền Bắc Mục giải thích: “Đây là nghi lễ để con người cảm tạ trời đất đã ban phước lành cho lễ hội thành công tốt đẹp, đồng thời cầu cho đàn trâu của địa phương mãi mãi sinh sôi, giúp cho mùa màng trong năm mới bội thu, nhà nhà no ấm”.


 “Ông trâu” vô địch.

Dư âm ngày hội

Năm nào xem hội cũng gặp những vị khách ở ngoài tỉnh đến Hàm Yên. Hội năm ngoái, ông Phạm Ngọc Dũng, Tạp chí Đông Nam Á (Hội Nghiên cứu Đông Nam Á Việt Nam) hứa như đinh rằng năm nay phải lên Hàm Yên từ sớm để thưởng thức toàn bộ các lễ hội từ Động Tiên - Chợ Quê đến Chọi trâu. Nhưng do bận nhiều việc nên ông chỉ có mặt trong ngày thứ 2 diễn ra vòng chung kết chọi trâu. Ông Dũng tâm sự: “Chọi trâu ở Hàm Yên mộc mạc, đơn giản nhưng cực kỳ ấn tượng bởi những nét rất riêng của phố núi như khung cảnh, con người và không khí của ngày hội. Mỗi lần xem lại bộ ảnh chọi trâu năm ngoái chụp lại nhớ lễ hội, chỉ mong đến ngày để lên Hàm Yên ngay”.

 Ngay cạnh sới chọi, người đàn ông lỉnh kỉnh đeo quanh người toàn máy ảnh “khủng” giới thiệu là Hoàng Minh Trụ ở Chi hội Nhà báo Cẩm Phả (Quảng Ninh). Ông Trụ bảo từ khi Hàm Yên tổ chức chọi trâu, không năm nào ông vắng mặt. Ngoài săn tìm những bức hình đẹp, ông còn có niềm đam mê xem trâu chọi. Đầu xuân đi xem hội về, có tinh thần sảng khoái, sức lực tràn trề, sẵn sàng cho những chuyến sáng tác.

Không thể kể hết niềm vui của người dân địa phương có mặt trong hội. Người đi xem chọi trâu không chỉ vì thích thú, hiếu kỳ với những màn rượt đuổi hấp dẫn, màn đọ sức quyết liệt, họ muốn đến sới chọi để được tận mắt nhìn thấy “ông trâu” vô địch, một số người còn muốn được chạm tay vào thần may mắn - “đầu cơ nghiệp” của nhà nông. Chẳng có lý do gì mà bà Đặng Thị Nem, dân tộc Dao Quần trắng ở thôn 7 Minh Phú, xã Yên Phú đã trên 60 tuổi nhưng năm nào cũng cùng con cháu có mặt tại sới chọi. Đậm đà trong trang phục của dân tộc mình, bà Nem bỏm bẻm: “Cả năm mới có một ngày thế này, ai mà chẳng muốn đi. Cả làng rủ nhau xuống huyện từ sáng sớm cơ mà. Trẻ con thích lắm, người lớn cũng vậy, hết hội lại về đi làm đồng”.

Gặp lại ông Nông Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Bạch Xa trong hội, ông cười: “Bạch Xa có giống trâu to khỏe nổi tiếng ở huyện. Trong tương lai, xã sẽ là nơi cung cấp nguồn trâu chọi cho lễ hội truyền thống của huyện. Gìn giữ đàn trâu, trong năm 2013, xã phấn đấu phát triển lên 600 con. Để đạt được mục tiêu đó, xã vận động nhân dân duy trì đàn trâu sinh sản. Mặc dù hiện nay thực hiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, nhưng đàn trâu của xã vẫn luôn được coi trọng, mỗi hộ gia đình sẽ xem đó là một tài sản có giá trị”.

Lễ hội chọi trâu Hàm Yên mỗi năm chỉ tổ chức một lần. Nhưng dư âm của hoạt động văn hóa đặc sắc này còn theo người Hàm Yên trong cả một năm lao động sản xuất. Câu chuyện truyền thuyết và tín ngưỡng về lễ hội chọi trâu đầu năm sẽ mãi là động lực để nuôi dưỡng niềm tin của người dân vào cuộc sống.

Theo: TQDT

Tin cùng chuyên mục