Thành phố của những di tích lịch sử và lễ hội độc đáo

Thành phố Tuyên Quang có nhiều lễ hội độc đáo và những di tích lịch sử gắn với quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc. Sự hoà quyện giữa kiến trúc hiện đại và nét đẹp văn hoá truyền thống đã tạo nên một thành phố trẻ hiện đại mà giàu bản sắc văn hoá dân tộc. Xin giới thiệu với bạn đọc mội số di tích lịch sử và lễ hội văn hóa tiêu biểu của thành phố Tuyên Quang.

Mỏ Than - nơi ra đời chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh

Hơn 70 năm trước, ngày 20-3-1940, tại khu khai thác mỏ than (nay thuộc tổ 15, phường Tân Hà), thành phố Tuyên Quang, chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh đã được thành lập. Chi bộ Mỏ Than ra đời, đánh dấu bước ngoặt trong phong trào đấu tranh cách mạng của tỉnh ta. Từ trong hầm tối của khu mỏ, ánh sáng của Đảng đã soi rọi, dẫn dắt phong trào cách mạng trong tỉnh đi lên cùng cả nước đập tan ách đô hộ của đế quốc thực dân giành độc lập dân tộc. Mỏ Than hôm nay đã, trở thành một địa chỉ du lịch lịch sử đầy ý nghĩa đối với những người con sinh ra trên mảnh đất thành Tuyên và du khách khắp nơi muốn tìm hiểu mảnh đất, con người, truyền thống lịch sử của Tuyên Quang.

Bến Bình ca

 
Bến Bình Ca


Trong Chiến dịch thu - đông năm 1947, tại bến Bình Ca nối hai bờ sông Lô (nay thuộc xã Vĩnh Lợi huyện Sơn Dương và An Khang thành phố Tuyên Quang), quân và dân ta đã viết nên bản hùng ca chiến thắng, bẻ gẫy cuộc hành quân của thực dân Pháp lên chiến khu Việt Bắc hòng tiêu diệt đầu não kháng chiến của ta. Nhưng chúng đã bị quân dân Tuyên Quang chặn đánh tơi bời, bảo vệ vững chắc cửa ngõ phía Tây Việt Bắc, làm chủ con đường huyết mạch từ Bình Ca đi Thái Nguyên, nối lên các vùng tự do rộng lớn với nhau. Bến Bình Ca đã đi vào thơ ca như một nguồn cảm hứng bất tận của các văn nghệ sĩ. Đến Bình Ca, du khách không chỉ được sống lại ký ức hào hùng của dân tộc mà còn được tham quan ngôi đền Ba Khuôn, chùa Hang nổi tiếng với sự linh thiêng, huyền bí và còn được tận mắt chứng kiến những dấu tích của thành nhà Bầu có hàng trăm năm tuổi.

Di tích Thành Nhà Mạc

 
Thanh Nhà Mạc về đêm


Thành Nhà Mạc nằm ở trung tâm thành phố Tuyên Quang. Thành được xây dựng vào năm 1592, dưới thời nhà Mạc và được sửa chữa vào cuối thế kỷ 19, dưới thời nhà Nguyễn. Đến nay, thành đã có trên 400 năm tuổi. Thành Nhà Mạc có vị trí quan trọng án ngữ bên dòng sông Lô và nằm trên trục giao thông thuỷ, bộ rất thuận lợi. Thành Nhà Mạc gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của vùng đất Tuyên Quang, là một trong số ít các toà thành cổ còn lại ở nước ta.  Trải qua nhiều biến cố của lịch sử và phát triển của đô thị, Thành Nhà Mạc đã bị xuống cấp, đến năm 2009, Thành Nhà Mạc đã được trùng tu tôn tạo lại và là một trong những điểm đến của du khách thập phương.

Lễ hội đua thuyền trên sông Lô

 
Đua thuyền trên sông Lô.


Lễ hội đua thuyền trên sông Lô được tổ chức vào ngày mùng 4 Tết Nguyên đán hàng năm. Đây là lễ hội mở màn cho các hoạt động văn hoá truyền thống trong năm của người dân thành phố. Tuyên Quang Lễ hội thu hút sự tham gia của đông đảo bà con nhân dân các phường, xã. Thuyền đua được đóng bằng gỗ, trang trí theo hình con rồng. Mỗi đội đua có 22 tay chải là những nam thanh niên có kinh nghiệm sông nước. Trước ngày đua, việc hạ thuỷ thuyền đua rất được coi trọng, bởi theo quan niệm của bà con, lễ hạ thuỷ thuận buồm xuôi gió là báo hiệu một năm bình yên, mưa thuận gió hoà. Lễ hội biểu dương ý chí quật cường, tinh thần thượng võ của người dân thành phố không chịu khuất phục trước thiên tai, bão lũ. Người dân thành phố Tuyên Quang cũng cho rằng, xuống nước trong dịp đầu xuân năm mới sẽ gặp nhiều điều may mắn, vạn vật tươi tốt.

Trảy hội chùa Hương Nghiêm

 
Lễ hội chùa Hang


Chùa Hương Nghiêm (hay còn gọi là chùa Hang) nằm trên địa bàn xã An Khang. Chùa được xây dựng từ thế kỷ thứ XV, dưới thời Thái tông Mạc Đăng Doanh. Chùa nằm trong một hang đá thiên tạo lớn sát bờ sông Lô với vẻ đẹp sơn thuỷ hữu tình. Vì vị trí kín đáo của chùa nên nơi đây đã từng được Đảng, Chính phủ chọn là nơi cất giấu vũ khí trong cuộc chiến trang chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Lễ hội chùa Hang được tổ chức rất trang nghiêm, bắt đầu ngay sau Tết Nguyên đán và chính hội vào ngày 8 tháng Giêng. Vào phần lễ, các sư trụ trì nhà chùa và lãnh đạo chính quyền địa phương xuống bến sông gần chùa, ngự trên thuyền rồng ra giữa dòng sông Lô để lấy được nguồn nước tinh khiết nhất. Tương truyền, dòng nước sông Lô tinh khiết sẽ gột rửa những tai ương của năm cũ và mang đến mọi điều tốt lành cho một năm mới. Du khách trảy hội chùa Hang còn được tham gia vào lễ cầu siêu của các tăng ni, phật tử, lễ phóng sinh chim bồ câu và lễ cấp phát hạt giống cho nhân dân với một mong muốn hoà bình, hạnh phúc và giàu sang đến với mọi nhà. Ngay sau phần lễ là phần hội với các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao với các trò chơi dân gian truyền thống.

Đặc sắc lễ hội đền Hạ

 
Lễ hội đền Hạ


Lễ hội đền Hạ được tổ chức vào mùng 10 tháng 3 âm lịch. Lễ hội là sự tưởng nhớ, tri ân công đức của hai nàng công chúa Phương Dung và Ngọc Lân con vua Hùng thứ 18 đã có công che chở, dạy bảo muôn dân khai hoang mở đất xây dựng quê hương. Để thể hiện sự tôn kính và công lao đối với hai bà, muôn dân gọi là Mẫu. Tạ ơn Mẫu, muôn dân trăm họ tổ chức rước hai bà về gặp nhau tại đền Hạ (nơi Mẫu đặt dấu chân đầu tiên đến mảnh đất Tuyên Quang). Đầu tiên là lễ rước từ đền Mẫu Ỷ La về đền Hạ, tiếp đó là lễ rước Ngọc Lân từ đền Thượng thuộc xã Tràng Đà về đền Hạ để hai bà hợp tế. Một điều đặc sắc là người dân từ già đến trẻ, không kể gái, trai, tầng lớp xã hội, khi tham dự lễ hội đều xếp hàng ngồi xuống chỉnh tề để được chui qua kiệu Mẫu. Họ cho rằng chui qua kiệu Mẫu, sẽ được hai bà luôn ở bên che chở, bảo vệ, tránh được những điều không may. Lễ hội đền Hạ là một trong những lễ hội thu hút đông đảo khách thập phương đến tham dự nhất và trở thành một nét đẹp văn hoá tín ngưỡng của nhân dân các dân tộc thành phố Tuyên Quang.

Lễ hội đường phố
 

 
Lễ hội đường phố


Lễ hội đường phố diễn ra vào dịp rằm tháng Tám âm lịch, được tổ chức lần đầu tiên năm 2009. Nếu như lễ rước đèn trong đêm rằm Trung thu là của các em thiếu niên, nhi đồng với những ông sao, con vật ngộ nghĩnh thì ở Lễ hội đường phố, người tham gia không còn hạn định ở độ tuổi. Với các mô hình con giống, nhân vật trong truyện cổ tích, những nhân vật lịch sử, thậm chí cả những nhân vật viễn tưởng được người dân thành phố làm rất công phu, sáng tạo... Các đoàn rước của các xã, phường, tổ dân phố được rước quanh các trục đường của thành phố với ánh đèn lung linh và tiếng nhạc rộn ràng. Lễ hội được kéo dài từ 7 giờ tối đến 11 giờ đêm. Trong những ngày diễn ra lễ hội, đường phố Tuyên Quang thật sôi động và náo nhiệt với ánh đèn, ánh nến lung linh, huyền ảo đầy mầu sắc. Đây là một trong những lễ hội thu hút đông đảo người dân thành phố và du khách gần xa và trở thành nét đẹp văn hoá mới, lạ của thành phố hôm nay.

Theo: TQDT

Tin cùng chuyên mục