Hàm Yên khơi dậy khát vọng thoát nghèo

Đến những vùng khó của huyện Hàm Yên như: Yên Lâm, Yên Thuận, Minh Huơng, Hùng Đức, Thành Long… bây giờ sẽ không còn thấy cái nghèo đeo đẳng như trước. Những mảnh ruộng hoang hóa, những ngọn đồi để cho cỏ dại mọc, vườn bỏ không nay đã khoác lên tấm áo mới tràn đầy sức sống. Đó là màu xanh của những cánh rừng trù phú, màu vàng của vườn cây sai trĩu quả.

 

Người dân thôn thôn Cây Cóc, xã Thái Hoà (Hàm Yên) có nguồn thu nhập cao từ cây chè.

Trước đây, nói đến công tác giảm nghèo ở huyện Hàm Yên gặp rất nhiều khó khăn, bởi lẽ tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không muốn thoát nghèo còn ăn sâu trong nếp nghĩ, cách làm của nhiều người dân. Thời gian trở lại đây, khát vọng vươn lên thoát nghèo của người dân được khơi dậy mạnh mẽ, nhờ đó nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu mang lại sức sống mới cho địa phương.

Tuyến đường bê tông thôn Sơn Thuỷ, xã Yên Thuận mới hoàn thiện, giúp người dân đi lại và thông thương hàng hoá thuận lợi.

Gia đình bà Nguyễn Thị Phượng, thôn Bình Thuận, xã Thái Hoà vốn là một hộ nghèo của thôn. Năm 2015, gia đình bà được thôn, xã tạo điều kiện hỗ trợ vay 1 con bò của dự án “Vay bò trả bê”. Trong quá trình nuôi bò, bà được tập huấn phương pháp chăn nuôi bò sinh sản, trồng cỏ nuôi bò do địa phương tổ chức, nhờ đó mà bò của gia đình bà phát triển khoẻ mạnh. Năm 2020, đàn bò của gia đình bà đã phát triển lên 3 con sau khi đã trả lại 1 con bê cho dự án. Nhận thấy hướng phát triển từ chăn nuôi bò ổn định, năm 2020, bà đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển mô hình chăn nuôi bò sinh sản. Có vốn bà mua thêm 3 con bò, làm chuồng nuôi kiên cố, trồng thêm cỏ voi. Đến nay, gia đình bà duy trì đàn bò 6 con. Năm 2021, gia đình bà đã thoát nghèo, cuộc sống gia đình ngày một nâng cao hơn trước rất nhiều… Bà Phượng bảo, gia đình bà thoát nghèo là nhờ sự quan tâm của Nhà nước, tạo nguồn vốn để phát triển kinh tế. Vợ chồng cũng động viên nhau chịu khó, chăm chỉ làm ăn để cuộc sống ổn định hơn.

Là xã khó khăn của huyện, những năm gần đây Yên Thuận ngày càng khởi sắc. Tuy là xã có tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 cao, chiếm 42,6%, nhưng với cách làm thiết thực và hiệu quả, không chạy theo thành tích, cấp ủy chính quyền xã đã phân công các thành viên phụ trách thôn, bản, tuyên truyền, vận động loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong tư duy của người nghèo, nâng cao ý thức tự thoát nghèo và giúp đỡ các hộ nghèo tìm hướng thoát nghèo. Bên cạnh đó, các hộ nghèo được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tập trung vào một số cây trồng chủ lực của xã là cây chè, cây cam, cây lâm nghiệp. Đồng thời, xã đã xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng như Hợp tác xã Chè xanh Thuận Thuỷ; Hợp tác xã Rau - Thảo dược…

Hợp tác xã Chè xanh Thuận Thủy, thôn Sơn Thủy, xã Yên Thuận (Hàm Yên) đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại sản xuất chè xanh chất lượng cao.

Đồng chí Ma Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Yên Thuận cho biết, chỉ khi nhận thức tự vươn lên thoát nghèo, khơi dậy tinh thần tự lực, dám nghĩ, dám làm của người nghèo được nâng lên thì mới giải quyết tận gốc nguyên nhân đói nghèo và giảm nghèo một cách bền vững. Nhờ đó, tỷ lệ nghèo năm 2022 của xã giảm xuống còn 23,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/người/năm.

Trong công tác giảm nghèo, huyện thực hiện đầy đủ các chính sách của Đảng và Nhà nước hỗ trợ hộ nghèo như: Chính sách tín dụng, y tế, xóa nhà ở tạm, chính sách lao động việc làm… Huyện đã xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả nhiều mô hình kinh tế, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển hàng hóa đã tạo cơ hội, động lực cho người dân vươn lên phát triển kinh tế, đồng thời thực hiện tốt các chính sách khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Tiêu biểu như: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cam sành Hàm Yên theo tiêu chuẩn VietGAP liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm tại 13 xã vùng cam; dự án Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm Vịt bầu Minh Hương; dự án Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cá lồng đặc sản xã Thái Hòa... Từ đó, tạo việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động trên địa bàn.

Người dân thôn Làng bát 1, xã Tân Thành (Hàm Yên) có thu nhập cao từ trồng chanh tứ thì.

Đồng chí Ma Phúc Dự, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên cho biết, trong năm 2022, toàn huyện có hơn 1.400 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 21,4% năm 2021 xuống còn 15,04% vào cuối năm 2022. Để có được kết quả này, huyện đã tranh thủ mọi nguồn lực, chương trình, dự án, đơn vị đã thực hiện lồng ghép các dự án, chương trình giảm nghèo, huy động tối đa các nguồn vốn để đầu tư một cách hiệu quả. Đồng thời, tăng cường phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở và cộng đồng; giao vốn để địa phương chủ động bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên hàng năm. Hiện, trên địa bàn huyện đang triển khai cho vay 18 chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng số dư nợ gần 632 tỷ đồng. Qua đó, trao cho người dân cái “cần câu” chứ không phải “con cá”; khuyến khích người dân vươn lên bằng chính sức lao động của mình; gắn trách nhiệm của từng hộ nghèo với đồng vốn bỏ ra...

Bằng khát vọng thoát nghèo của người dân và sự “tiếp sức” hỗ trợ của chính quyền các cấp, Hàm Yên đang khơi dậy quyết tâm, ý chí tự lực, tự cường của mỗi hộ nghèo để họ thoát nghèo nhanh hơn, bền vững hơn, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 3% trở lên và đến năm 2025 Hàm Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục