Hàm Yên nhiều biện pháp giảm nghèo bền vững

Năm 2019, huyện Hàm Yên phấn đấu giảm 900 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 18,64% xuống còn 15,37%. Để đạt được mục tiêu này, huyện đã thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Mô hình nuôi vịt và sản xuất giống vịt bầu Minh Hương của gia đình chị Phạm Thị Vân cho thu nhập 600 triệu đồng mỗi năm.

Thành Long là một trong những xã khó khăn của huyện, năm 2018, toàn xã còn 701 hộ nghèo trong số 1.730 hộ toàn xã. Bên cạnh các chương trình ưu đãi về nguồn vốn vay, xã đã hỗ trợ hộ nghèo về vốn, giống cây, vật tư nông nghiệp, nhà ở, đào tạo nghề… Đến hết năm, đã có 127 hộ thoát nghèo, đạt 109% kế hoạch, còn 574 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 33,18%. Gia đình chị Nịnh Thị Linh, thôn Thành Công 2, xã Thành Long vừa thoát nghèo năm 2018 cho biết, trước đây do không có kinh nghiệm làm ăn nên gia đình cứ luẩn quẩn với chuyện thiếu ăn. Năm 2016, chị được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư phát triển chăn nuôi trâu sinh sản. Nhờ được đi tập huấn kỹ thuật chăn nuôi ở xã, chị đã nắm vững kiến thức phòng bệnh cho vật nuôi và chủ động trồng thêm 2 sào cỏ voi làm thức ăn cho trâu. Qua 3 năm, đến nay gia đình chị đã có 3 con trâu. Đây là tài sản lớn và là “cần câu” để gia đình chị tiếp tục phấn đấu vươn lên.

Đồng chí Nguyễn Văn Lâm, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết, xác định nguyên nhân chính dẫn đến nghèo là do bà con thiếu vốn, đất, phương tiện sản xuất; có lao động nhưng không có việc làm, kế hoạch sản xuất, chi tiêu, không biết cách làm ăn, cách thức tổ chức cuộc sống... Vì vậy, huyện đã chú trọng triển khai hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tạo việc làm cho người lao động, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư vào sản xuất. 

Trong năm 2018, toàn huyện đã có 7.122 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo với số tiền trên 263,7 tỷ đồng. Với quan điểm xóa nghèo phải được thực hiện bằng việc trao cho người dân “cái cần câu” chứ không phải “con cá”, năm 2018, huyện đã mở 14 lớp dạy nghề chăn nuôi, trồng trọt, sửa chữa máy nông nghiệp… cho 490 học viên; tổ chức 728 buổi tập huấn kiến thức khuyến nông, khuyến lâm tại thôn, bản, tổ dân phố với 37.375 lượt người tham gia. 

Huyện còn hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất tập trung như: Cây cam, chè, lúa, chăn nuôi vịt, cá lồng... Các nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường như: Cam sành Hàm Yên, Vịt bầu Minh Hương, Chè Tân Thái 168, Chè Làng Bát, đang xây dựng thương hiệu cá đặc sản Thái Hòa… Nhờ đó, thay đổi tư duy sản xuất của địa phương từ tự túc, tự cấp sang sản xuất hàng hóa.

Xác định được nguyên nhân nghèo để có giải pháp giúp hộ nghèo vươn lên, đồng thời có cơ chế chính sách an sinh xã hội phù hợp, nhờ vậy, năm 2018, huyện Hàm Yên đã có 1.607 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 23,34% xuống còn 18,64%. Năm 2019, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 15,37%. Để thực hiện được mục tiêu trên, huyện tiếp tục phối hợp với các đoàn thể giúp hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế; tạo việc làm cho người lao động, tổ chức các lớp học nghề phù hợp với nhu cầu thực tiễn; đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm cây trồng, vật nuôi... 

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục