Sức sống nông thôn mới

Đến với nhiều xã, thôn của tỉnh trong những ngày này, có thể thấy rõ diện mạo nông thôn đã đổi thay đáng kể. Bên cạnh những con đường mới được nâng cấp, mở rộng, nhiều ngôi nhà cao tầng đã mọc lên, tô thêm mảng màu tươi sáng của làng quê. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thực sự thổi luồng sinh khí mới đến những vùng quê của tỉnh, mang lại niềm vui cho người dân khi đời sống được cải thiện và nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.

 


Nhà văn hóa thôn Nà Pục, xã Đà Vị (Na Hang) được đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng 
nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong thôn. Ảnh: Hải Đăng

Lăng Can là xã thứ 3 của huyện Lâm Bình về đích nông thôn mới, sau Thượng Lâm, Khuôn Hà. Đến Lăng Can những ngày này, bừng trên gương mặt mỗi người dân là niềm tự hào, niềm vui khi đã chung tay cùng chính quyền xã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới đúng hẹn. Chủ tịch UBND xã Lăng Can Trương Văn Quang cho biết, từ năm 2016 đến nay, đã có 112 hộ gia đình hiến hơn 17.000 m2 đất để xây dựng các công trình phúc lợi của thôn bản; bà con cũng tham gia ngày công xây dựng được 6.356 m kênh mương; bê tông hóa được gần 400 m đường giao thông nội đồng và khu sản xuất. 


Một đoạn đường bê tông thôn Đồng Cọ, xã Nhân Mục (Hàm Yên). Ảnh: Hồng Lĩnh

Trong ngôi nhà sàn ấm cúng, ông Chẩu Xuân Việt, thôn Nặm Đíp - một trong 5 hộ kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng (homestay) ở Lăng Can vẫn không tin có ngày mình tham gia vào dịch vụ này. Ông bảo, ngay khi được lựa chọn xây dựng homestay, ông cùng gia đình chỉnh trang nhà cửa, cải tạo khuôn viên, cùng vệ sinh đường làng ngõ xóm cho sạch đẹp để tạo dấu ấn với khách du lịch. Đã hơn 1 năm tham gia dịch vụ homestay, gia đình ông cũng như 5 hộ dân trong thôn đều có thu nhập ổn định từ khách du lịch khi trung bình mỗi tháng, mỗi hộ gia đình đón ít nhất từ 3 - 5 đoàn khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại đây. 


Nông dân thôn Phai Tre A, xã Lăng Can (Lâm Bình) kiểm tra hệ thống kênh mương
đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp 

Góp công vào kết quả xây dựng nông thôn mới, 97 hộ dân ở thôn Trung Tâm 1, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) không chỉ đóng góp ngày công hoàn thành 600 m đường giao thông nội đồng, nhà văn hóa thôn mà còn đóng góp hơn 180 triệu đồng xây dựng cây cầu dân sinh bắc qua con suối Trung Tâm 1. Ông Hà Tiến Nho, trưởng thôn Trung Tâm 1 tự hào, nông thôn mới đến thì diện mạo xóm làng cũng phải mới mỗi ngày. Thế là Tết này, bà con không phải lo việc đi lại vất vả nữa, có cầu, có đường, có niềm tin, cuộc sống bà con sẽ phơi phới thôi... 


Đường hoa thôn Trường Thi B, xã An Khang (TP Tuyên Quang).  Ảnh: Quốc Việt

 “Lấy đà” về đích nông thôn mới từ năm 2015, nên hầu như mọi việc đều được chính quyền xã Phúc Thịnh và người dân chủ động thực hiện. Bên cạnh sự thay đổi lớn về hạ tầng nông thôn, điều khiến người dân xã Phúc Thịnh hài lòng nhất khi nỗ lực chung tay xây dựng nông thôn mới là đời sống của chính họ được nâng lên mỗi ngày. Chủ tịch UBND xã Triệu Quang Hải phấn khởi nói, nếu như đầu năm 2018, kết quả rà soát, mức thu nhập trung bình của người dân trong xã đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm thì kết thúc năm 2018 đã tăng lên 31 triệu đồng/người/năm.


Ông Nguyễn Văn Giàu, thôn Ao Dăm, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) mỗi năm
thu trên 2 tỷ đồng từ trồng cây ăn quả đặc sản.

Phúc Thịnh hiện đang triển khai thí điểm cánh đồng mía lớn 3,06 ha, các hộ trồng mía đều có hợp đồng tiêu thụ mía với Nhà máy đường Tuyên Quang; tiếp tục thực hiện dự án nuôi trâu vỗ béo theo hình thức liên kết với kinh phí hỗ trợ trên 600 triệu đồng. Đồng thời, xã khuyến khích người dân phát huy nội lực, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp. Trên địa bàn xã hiện có 5 trang trại doanh thu trung bình khoảng 800 triệu đồng/năm và 113 hộ phát triển kinh tế theo hướng kết hợp sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với kinh doanh, dịch vụ, doanh thu trung bình khoảng 120 triệu đồng/hộ/năm.


Cây cầu thôn Trung tâm 1, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) được người dân đóng góp xây dựng . 

Tận dụng lợi thế có tuyến Quốc lộ 2C đi qua, xã Sơn Nam (Sơn Dương) vận động người dân mở rộng sản xuất tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ, thương mại. Hiện trên địa bàn xã Sơn Nam có 132 cơ sở kinh doanh đa ngành nghề, thu hút một lượng lớn lao động địa phương. Mức thu nhập bình quân của người dân trong xã đã đạt 30,5 triệu đồng/người/năm. Ngoài thương mại, Sơn Nam cũng được coi là vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa của huyện Sơn Dương với diện tích rau màu hơn 40 ha, ngoài ra xã còn có diện tích 3 ha cánh đồng mía lớn trồng theo mô hình điểm của huyện. Ông Lê Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Sơn Nam cho biết: Kết quả của nông thôn mới không chỉ dừng lại ở việc hạ tầng nông thôn được đồng bộ, thu nhập người dân được nâng cao mà cả đời sống văn hóa, tinh thần cũng được cải thiện, trong đó nhiều giá trị văn hóa lâu đời được khôi phục. 


Trung tâm xã Sơn Nam (Sơn Dương) ngày càng đô thị hóa.   Ảnh: Cao Huy

Hiện xã Sơn Nam hình thành và duy trì 1 Câu lạc bộ gìn giữ và phát huy tiếng hát Soọng cô với 51 thành viên; 24 đội văn nghệ, 24 đội thể thao, 24 nhà văn hóa. Ông Trần Đức Hiểu, thành viên CLB gìn giữ và phát huy tiếng hát Soọng cô của xã cho biết, sau khi xây dựng nông thôn mới, các phong trào văn nghệ của địa phương có điều kiện phát triển hơn, nhiều đội văn nghệ, thể thao được thành lập như đội văn nghệ của thôn Cầu Bâm, đội bóng chuyền hơi, bóng đá… tạo môi trường thuận lợi cho người dân được luyện tập, thư giãn sau những ngày lao động sản xuất vất vả.

Kết thúc năm 2018, toàn tỉnh có 7 xã về đích nông thôn mới, vượt 1 xã so với kế hoạch đề ra, gồm xã Lăng Can (Lâm Bình), Phúc Thịnh (Chiêm Hóa), Nhân Mục (Hàm Yên), Phúc Ninh (Yên Sơn), Sơn Nam (Sơn Dương); Đội Cấn, Thái Long (TP Tuyên Quang). Sau hành trình cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, mỗi thôn, xóm đâu đâu cũng khởi sắc. Người dân không chỉ đồng thuận đóng góp ngày công lao động, xây dựng các công trình thiết yếu mà còn phát triển kinh tế, giữ tình làng nghĩa xóm, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương. Nông thôn mới, nhịp sống mới đang hiện diện trên quê hương cách mạng hôm nay.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục