Bác Hồ - hiện thân của tình đoàn kết các dân tộc Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của tình đoàn kết các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam. Sinh thời, Bác Hồ thường gọi mọi người dân và toàn dân ta là đồng bào, thể hiện một tình cảm tốt đẹp về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam trong truyền thống lịch sử. Trong suy nghĩ và việc làm của Bác thì nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi.

Bác Hồ thăm một gia đình đồng bào dân tộc Dao ở xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang (1952).

Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mới thắng lợi, trước sự chia rẽ dân tộc của kẻ thù, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định chính sách đoàn kết dân tộc và nêu rõ: Cộng đồng các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam dù là dân tộc đa số hay dân tộc thiểu số “đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt”, có chung giang sơn và chính phủ nên phải đoàn kết, thật sự bình đẳng, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sớm nhìn thấy âm mưu thủ đoạn “chia để trị” của chế độ thực dân phong kiến và những thành kiến, định kiến còn nặng nề trong tư tưởng tình cảm của đồng bào các dân tộc, trong một bộ phận cán bộ... tạo nên những khoảng cách và các vết rạn, nứt trong mối quan hệ của chính quyền cách mạng với đồng bào. Người chỉ rõ rằng: Ðiều cần thiết nhất cho chúng ta là đoàn kết, cần phải xóa bỏ hết thành kiến, cần phải thật thà đoàn kết với nhau, giúp đỡ lẫn nhau để cùng tiến bộ, để cùng phục vụ nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng kêu gọi: Ngày nay, các dân tộc anh em muốn tiến bộ, muốn phát triển văn hóa của mình thì chúng ta phải tẩy trừ những thành kiến giữa các dân tộc, phải đoàn kết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau như anh em một nhà.

Từ suy nghĩ và tầm nhìn như thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Ðảng Cộng sản Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong xây dựng và phát triển khối đoàn kết dân tộc. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chăm lo giáo dục cán bộ, đảng viên phải giữ gìn sự đoàn kết thống nhất của Ðảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình để làm hạt nhân của tình đoàn kết các dân tộc Việt Nam. Ðồng thời phải đoàn kết có nguyên tắc, chống đoàn kết xuôi chiều hoặc cô độc, hẹp hòi. Bác Hồ đã dành nhiều tâm huyết xây dựng, củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất để tập hợp, đoàn kết mọi lực lượng, mọi người dân yêu nước để thực hiện mục tiêu chung của cách mạng, không phân biệt dân tộc, tôn giáo...

Trong khối đoàn kết các dân tộc Việt Nam, Bác Hồ là người đặc biệt quan tâm vun đắp tình hữu ái giữa dân tộc đa số với các dân tộc thiểu số, tình đoàn kết giữa các dân tộc thiểu số cũng như tình hữu ái, đoàn kết của từng dân tộc thiểu số. Có thể nói Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ nêu tấm gương tiêu biểu nhất về chăm lo xây dựng, vun đắp đoàn kết các dân tộc thiểu số và nâng cao cuộc sống đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho tổ chức các hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số để đồng bào thực hiện quyền bình đẳng về chính trị và các quyền lợi khác cũng như trách nhiệm của các dân tộc đối với đất nước.

Tại các hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số, Bác Hồ rất quan tâm chăm lo vun đắp tình đoàn kết và đời sống của đồng bào các dân tộc. Phát biểu tại Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh:

Anh em thiểu số chúng ta sẽ được:

1- Dân tộc bình đẳng: Chính phủ sẽ bãi bỏ hết những điều hủ tệ cũ, bao nhiêu bất bình đẳng trước sẽ sửa chữa đi.

2- Chính phủ sẽ gắng sức giúp cho các dân tộc thiểu số về mọi mặt:

a) Về kinh tế, sẽ mở mang nông nghiệp cho các dân tộc được hưởng.

b) Về văn hóa, Chính phủ sẽ chú ý trình độ học thức cho dân tộc.

Các dân tộc được tự do bày tỏ nguyện vọng và phải cố gắng để cùng giành cho bằng được độc lập hoàn toàn, tự do và thái bình (Hồ Chí Minh, Toàn tập, T4, tr110-111).

Nghiên cứu tư tưởng và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta nhận thấy rất rõ là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng, củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tình đoàn kết giữa các dân tộc thiểu số và đoàn kết của từng dân tộc thiểu số trong thời đại mới. Người đã lãnh đạo và đoàn kết được các dân tộc Việt Nam thực hiện công cuộc giải phóng dân tộc, kháng chiến thắng lợi và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cho dân giàu, nước mạnh. Ðồng thời toàn bộ cuộc đời của Bác còn là hiện thân, một tấm gương tiêu biểu nhất của khối đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết và giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số. Nổi bật nhất là suốt thời gian gần 30 năm, kể từ khi về nước chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam năm 1941 cho đến khi từ biệt thế giới này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Ðảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm xây dựng và thực hiện các chính sách đối với đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế, văn hóa, từng bước nâng cao đời sống đồng bào.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn để lại cho chúng ta một bài học lớn về nghĩa tình của người cộng sản, của người lãnh đạo đối với đồng chí, đồng bào các dân tộc thiểu số đã cưu mang giúp đỡ cách mạng khi khó khăn, khi chưa có chính quyền. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ có nhiều năm tháng sống gắn bó với đồng chí, đồng bào các dân tộc thiểu số từ đầu năm 1941 đến những năm kháng chiến chống thực dân Pháp lâu dài và gian khổ, ác liệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thương nhớ và ghi ơn những đồng chí, đồng bào các dân tộc đã nuôi dưỡng, chở che, đùm bọc. Người nhiều lần gửi thư thăm hỏi và tâm tình “Ở Hà Nội, xa cách với đồng bào nhưng không bao giờ tôi quên các đồng bào. Tôi luôn luôn nhớ đến lòng yêu mến và sự giúp đỡ của các đồng bào trong những ngày tháng tôi ở thượng du” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, T4, tr.210). Chính vì sống gắn bó trong lòng đồng bào các dân tộc thiểu số, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh là người hiểu và biết rất rõ những nỗi khổ đau của đồng bào các dân tộc thiếu số và Người đã dành nhiều tâm huyết nhằm giúp đồng bào vươn lên có cuộc sống khá hơn trong chế độ xã hội mới của đất nước chúng ta. Khi miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm công tác dân tộc và chỉ rõ: Các dân tộc thiểu số đoàn kết với dân tộc đa số. Cố nhiên cán bộ người Kinh phải giúp đỡ anh em cán bộ địa phương, nhưng phải làm sao cho cán bộ địa phương tiến bộ, để anh em tự quản lý lấy công việc ở địa phương chứ không phải là bao biện làm thay. Tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, làm cho đời sống đồng bào địa phương ngày càng khá hơn, cả về vật chất và tinh thần.

Ðể đoàn kết và nâng cao đời sống đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm giáo dục và huấn luyện cán bộ từ Trung ương đến địa phương phải chăm lo công tác vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện thật tốt chính sách dân tộc của Ðảng. Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ miền núi năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Miền núi đất rộng người thưa, tình hình vùng này không giống tình hình vùng khác. Vì vậy, áp dụng chủ trương, chính sách phải thật sát với tình hình thực tế của mỗi nơi. Tuyệt đối chớ rập khuôn, chớ máy móc, chớ nóng vội.

Mỗi ngành, mỗi bộ ở Trung ương cần phải nhận rõ phần trách nhiệm của mình đối với miền núi và chú trọng hơn nữa công tác ở miền núi.

Người nhấn mạnh: Nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên là phải làm gương mẫu trong mọi công tác, làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc và không ngừng nâng cao đời sống của đồng bào miền núi.

Tư tưởng và tấm gương vận động đồng bào các dân tộc thiểu số của Bác đã trở thành kim chỉ nam cho việc xây dựng các chính sách dân tộc của Ðảng và Nhà nước ta, là những giá trị và kiểu mẫu cho chúng ta thực hiện các chính sách dân tộc, thực thi các chương trình đối với vùng đồng bào các dân tộc.

Ðại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số được tổ chức vào dịp Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kiện có ý nghĩa to lớn trong đời sống chính trị đất nước, cũng là dịp toàn Ðảng, toàn dân ghi sâu những di huấn và làm theo tấm gương của Bác đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, tiếp tục đổi mới chính sách dân tộc và tăng cường hơn nữa khối đoàn kết toàn dân.

(Nguồn: Báo Nhân Dân)

Tin cùng chuyên mục