Bác Hồ - Người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam

Bác Hồ - người sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là một nhà báo xuất sắc, người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng nước ta. Những lời dạy của Người về Báo chí cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị dù hoàn cảnh chung của đất nước, tính chất, nội dung và những nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng ngày nay đã khác nhiều so với các giai đoạn cách mạng trước đây.

img161

Ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra tờ báo Thanh niên - cơ quan của tổ chức Thanh niên Cách mạng Việt Nam. Đây là tờ báo cách mạng Việt Nam đầu tiên do Bác Hồ sáng lập, chỉ đạo và là người biên tập chính. Báo Thanh niên với 88 số, mở ra lớp đào tạo 300 cán bộ đều do Bác Hồ khởi thảo, chủ trì, giảng dạy là sự mở đầu một cuộc cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Thời gian đầu báo ra mỗi tuần một kỳ với trên 500 tờ. Sau đó, do điều kiện khó khăn, báo ra 3 tuần, thậm chí 5 tuần một kỳ. Các tổ chức cách mạng ở trong nước dùng tờ báo để tuyên truyền, giác ngộ và giáo dục quần chúng, làm cầu nối truyền ánh sáng tư tưởng cách mạng của Bác về cho dân tộc, góp phần to lớn cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Những bài báo do Bác viết giản dị, dễ hiểu mà sâu sắc. Người viết nhiều thể loại: Tin ngắn, dài, tin bình, chính luận, trào phúng, ký, tuyên ngôn, hiệu triệu, thơ tự sự, trữ tình. Bác Hồ là người đặt nền móng cho nền báo chí nước ta. Người viết báo suốt cả đời làm cách mạng từ năm 1919 đến năm 1969. Bài báo cuối cùng của Bác là: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Một nhà văn hóa nổi tiếng của Liên Xô đã nhận xét: Nguyễn Ái Quốc là một nhà văn hóa lớn. Phong cách viết báo của Người thường đi thẳng vào đề, làm rõ tư tưởng trung tâm sự kiện bằng ngôn ngữ giản dị, ngắn gọn, ngôn ngữ thông tin đại chúng.

Ngay từ những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước, chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất coi trọng báo chí đối với sự nghiệp cách mạng. Người đã để lại cho đội ngũ làm báo những bài học sâu sắc. Tại Đại hội lần thứ II của Hội Nhà báo Việt Nam (16/4/1959), Người chỉ rõ: "Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ". Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam (8/9/1962), Bác nói: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ". Tính chiến đấu của báo chí cách mạng nước ta hiện nay phải được thể hiện trước hết trong việc làm sáng tỏ đường lối, chủ trương và các chính sách của Đảng và Nhà nước ta, động viên và cổ vũ lòng hăng hái và tinh thần phấn đấu của nhân dân ta vì sự nghiệp đổi mới, xây dựng "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Tính chiến đấu còn phải được thể hiện trong việc đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, phê phán các luận điệu xuyên tạc và các hành vi chống phá của các thế lực thù địch. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, Người đòi hỏi cán bộ báo chí phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ hiểu biết chính trị và nhận thức. Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", Người viết: "Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng, phải học cách nói của quần chúng mới lọt tai quần chúng", "viết dài mà rỗng thì không tốt, viết ngắn mà rỗng cũng không hay. Chúng ta phải chống tất cả những thói rỗng tuyếch". Người căn dặn không những phải viết có nội dung mà phải viết làm sao để tất cả người đọc ai cũng hiểu được nội dung mình viết. Người từng nhắc nhở: "Phải đặt câu hỏi: Viết cho ai? - Viết cho đại đa số Công - Nông - Binh. - Viết để làm gì? - Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình". Để phục vụ quần chúng". Từ đó Người dạy: "Muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được thì phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng chữ nhiều". Người phê phán: "Viết ba hoa, dây cà dây muống là hình như để đếm dòng lấy tiền, có những bài nhạt nhẽo thế nào ấy", và chỉ trích: "Có người muốn làm cái gì để "lưu danh thiên cổ". Muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn. Cái đó cũng không đúng, những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra". Người nhắc nhở đội ngũ nhà báo phải cẩn thận: "Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết, chớ viết càn. Khi viết xong một bài báo, một bản báo cáo, hoặc thảo một bài diễn văn, nhất định phải đọc đi đọc lại vài lần. Mình tự phê bình bài của mình, hỏi ý kiến đồng chí khác. Những câu, những chữ thừa vô ích bỏ đi"; "Viết phải thiết thực"; "Nói có sách, mách có chứng"...

87 năm đã trôi qua, nền báo chí Cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển và ngày càng lớn mạnh. Cùng với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, lĩnh vực báo chí ngày một đổi mới, hiện đại và chiếm vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, dù phương tiện có hiện đại đến mấy nhưng chất lượng mỗi bài báo đều do đội ngũ những người cầm bút quyết định. Vì thế, những lời dạy của Bác Hồ đối với báo chí vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự sâu sắc.

Bài đăng trên tạp chí KHCN&MT

Tin cùng chuyên mục