Bức thư riêng đầy tình cảm lớn lao

Trong những ngày này, những ngày kỷ niệm mùa thu cách mạng - Tháng Tám 1945, nghĩ về tất cả những gì mà cuộc cách mạng mang lại, chúng ta càng nhớ Bác nhiều hơn. Nhớ những ngày đất nước ngàn cân treo sợi tóc khi thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai, khi những thành quả to lớn vừa giành được sau Cách mạng Tháng Tám bị đe dọa, toàn dân theo lời kêu gọi của Người: Phải vùng lên, ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có súng, gươm thì dùng giáo, mác, gậy gộc, cuốc, thuổng. Ai cũng ra sức đánh thực dân. Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ.

Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) của Hồ Chủ tịch thôi thúc cả nước đứng lên đánh đuổi ngoại xâm. Biết bao thanh niên các làng quê Bắc Bộ rời mái ấm gia đình lên đường Nam tiến, biết bao chiến sĩ đã kiên cường chiến đấu bám trụ đánh địch trong từng góc phố, con hẻm. Không ít chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch để ngăn chặn bước tiến của chúng, tạo thời gian chiến lược cho cơ quan Đảng, Nhà nước và nhân dân sơ tán, chuẩn bị cho một giai đoạn chiến đấu mới. Họ hóa thân vào đất nước để sống mãi cùng Tổ quốc bất tử.

Trong những ngày tháng ấy, vận mệnh của dân tộc đè nặng lên đôi vai gầy yếu của Người. Bộ óc thiên tài ấy đang phải căng ra để giải quyết khối lượng công việc khổng lồ cho cuộc kháng chiến trường kỳ: Chúng ta sẽ đánh địch như thế nào? Xây dựng lực lượng ra sao? Làm sao để giảm bớt tổn thất về tính mạng và tài sản cho nhân dân? Hàng loạt những bài toán được đặt ra đòi hỏi Người phải nhanh chóng giải quyết. Bận trăm công nghìn việc là thế mà Bác vẫn nghĩ đến và chia sẻ sự hy sinh mất con của Bác sĩ Vũ Đình Tụng.

Đó là bức thư huyết lệ cho thấy tình thương của Bác lúc nào cũng “đong đầy” cho tất cả được ghi theo lời kể của Bác sĩ Vũ Đình Tụng (1).

“Bác sĩ Vũ Ðình Tụng (1895-1973) là một trí thức công giáo yêu nước, có cảm tình với cách mạng và giàu lòng nhân ái. Ông là một trong những bác sĩ đầu ngành về ngoại khoa của y học Việt Nam. Hồi ức lại những ngày đầu sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh phát lệnh toàn quốc kháng chiến vài hôm, ông kể:
Cả ngày hôm ấy, tháng Chạp năm 1946, tôi đã phải mổ cưa gắp đạn và khâu vết thương cho hàng chục chiến sĩ nhưng đến trường hợp con tôi, thần kinh tôi căng lên một cách kinh khủng.

Mấy y tá giúp việc khuyên tôi nên nghỉ tay, nhưng tôi vẫn cố kìm mình để giữ bình tĩnh, gắp mảnh đạn cuối cùng trong thân thể con. Xong việc, tôi loạng choạng rời khỏi bàn mổ.

Các bác sĩ và những người giúp việc đã cố gắng hết sức nhưng vết thương do quân thù gây ra quá nặng đã cướp mất Thành, con trai út của tôi, một chiến sĩ “sao vuông” còn rất trẻ. Anh của Thành, Vũ Đình Tín, tự vệ chiến đấu cũng vừa bị mất sau ngày Tổng khởi nghĩa, tôi đau đớn đến bàng hoàng.

Một buổi chiều trời rét cắt da, sau đêm Nô-en, vào lúc tôi vừa mổ xong một ca thương binh nhẹ thì Bác sĩ Trần Duy Hưng (lúc bấy giờ giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ) trân trọng trao cho tôi một bức thiếp của Hồ Chủ tịch. Tôi cảm động lắm.

Mới đầu, tôi cứ ngỡ là một mệnh lệnh của Người. Nhưng thật không ngờ, đó lại là một bức thư riêng đầy tình cảm lớn lao của Bác chia sẻ với mất mát của gia đình tôi. Khi đó, Bác gọi tôi là “Ngài”.

Người viết:
“Thưa Ngài, tôi được báo cáo rằng: Con giai Ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc.
Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột.

Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước - Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, tinh thần họ luôn luôn sống với non sông Việt Nam. Họ là con thảo của Đức Chúa, họ đã thực hiện khẩu hiệu: Thượng đế và Tổ quốc. Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ.

Ngài đã đem món quà quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây, chắc Ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng.

Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn Ngài và gửi Ngài lời chào thân ái và quyết thắng.
Tháng 1-1947
Hồ Chí Minh”

Đọc xong bức thư, tôi thấy bàng hoàng. Bác bận trăm công nghìn việc, thế mà Bác vẫn nghĩ đến tôi, một gia đình đang có cái tang đau lòng như hàng vạn gia đình khác.

Tôi thấy nỗi đau thương và sự hy sinh của gia đình mình trở nên nhỏ bé trong tình thương mênh mông và sự hy sinh cao cả của Bác đối với cả dân tộc.

Sau đó, tôi theo Bác lên Việt Bắc - căn cứ thần thánh của cách mạng Việt Nam. Từ một người thầy thuốc của xã hội cũ, một giáo dân ngoan đạo, tôi đã trở thành một người thầy thuốc tốt, một Bộ trưởng Bộ Thương binh Xã hội của nước Việt Nam mới”.

Bác vĩ đại đến nhường nào thì cũng bình dị nhường ấy. Tình thương của Người bao la, gần gũi, thân thương đối với mỗi gia đình Việt Nam. Cả cuộc đời Bác vì nước, vì dân không có điều kiện dành cho hạnh phúc riêng. Không có gia đình riêng, nhưng Bác có  “Nước Việt Nam là gia đình” chung, có “tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu”. Cuộc chiến tranh mà bọn xâm lược gây ra đã cướp đi biết bao đứa con thân yêu của những người cha, người mẹ, triệu triệu con cháu của Bác Hồ. Máu của các anh hòa vào dòng sông, con suối, di hài các anh hoá vào đất nước, quê hương. Đằng sau nụ cười ngày chiến thắng là những dòng nước mắt chảy vào trong, là nỗi “đau đớn đến bàng hoàng” của những người cha, người mẹ mất con như Bác sĩ Vũ Đình Tụng, là nỗi đau như "đứt một đoạn ruột" của người cha già kính yêu.

Bác luôn là biểu tượng mẫu mực biến đau thương thành hành động cách mạng. Người khuyên bác sĩ Vũ Đình Tụng “thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà”. Đó là cách tri ân, sự đền đáp xứng đáng nhất của những người đang sống, đang chiến đấu với những người đã mất để linh hồn các anh “trên trời cũng bằng lòng và sung sướng”. Với Người, nước mắt là “lò luyện” cho “thép cách mạng” vững vàng hơn, mạnh mẽ hơn.

Bác không những là người đại diện cho ý chí kiên cường sắt thép của một dân tộc quật cường trong đấu tranh dựng nước và giữ nước mà còn là một người cha gần gũi với mỗi gia đình Việt Nam. Người không chỉ là chủ nhân của những “mệnh lệnh”, những quyết định lịch sử mà còn là tác giả của những “bức thư riêng đầy tình cảm lớn lao… chia sẻ với mất mát của gia đình” các thương binh, liệt sĩ. Những lá thư chứa đầy “tình thương mênh mông và sự hy sinh cao cả” của người đứng đầu Chính phủ làm vơi đi nỗi đau của những gia đình như gia đình Bác sĩ Vũ Đình Tụng. Bác đã để lại cho chúng ta bài học quý về ý nghĩa, giá trị to lớn của tình thương yêu.

Với chúng tôi, những người cán bộ đoàn luôn mang trong mình niềm tự hào được làm “đội hậu bị” của Đảng, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là sống “quên mình cho tất cả”. Học theo Bác, học tình thương yêu vô vàn và sự hy sinh cao cả, học sự quan tâm đến mọi người của Bác, chúng tôi nhận thấy phải thật sự quan tâm đến tâm tư tình cảm, đến đời sống vật chất và tinh thần của đoàn viên thanh niên, dùng tấm lòng mà đối xử với tấm lòng. Chúng tôi luôn quan niệm phải hết mình, hết sức cho công việc, luôn “thân thiện - trách nhiệm” trong quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp và quần chúng nhân dân, nguyện lấy đó làm phương châm sống, học tập, công tác. Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là hành trang quý báu cho mỗi chúng ta trong quá trình rèn đức, luyện tài, góp phần xứng đáng đưa đất nước thành công trong hội nhập, vươn đến đỉnh vinh quang.
 -----
(1) Trích trong cuốn “Tuổi trẻ Việt Nam làm theo lời Bác” do NXB Thanh Niên, 5-2007.  

Nguyễn Thị Hưng Giang, Nguyễn Phương AnĐảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh An Giang

Theo Tapchixaydungdang

Tin cùng chuyên mục