Các chú làm cho Bác xa dân!

Một ngày tháng 8-1949, thị xã Bắc Cạn mới được giải phóng (ngày 9-8-1949), trên đường đi Ngân Sơn, Bác Hồ đã nghỉ tại Nà Phạc. Lúc này, dân ở đây đi sơ tán chưa dọn về. Cán bộ huyện dựng tạm lán cho Bác ở qua đêm. Chỉ tay vào căn lán mới dựng, Bác hỏi: nhà này nhà ai? Cán bộ địa phương thưa: Cách đây năm, ba cây số mới có lán ở của dân, chúng cháu dựng tạm lán này cho Bác nghỉ chân. Bác nghiêm sắc mặt phê bình: “Thế là các chú làm cho Bác xa dân! Chỉ có năm, ba cây số, nhân dân đi lại được, sao Bác không đi được”.




Sách “Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử” ghi lại câu chuyện về Bác: Một ngày tháng 8-1949, thị xã Bắc Cạn mới được giải phóng (ngày 9-8-1949), trên đường đi Ngân Sơn, Bác Hồ đã nghỉ tại Nà Phạc. Lúc này, dân ở đây đi sơ tán chưa dọn về. Cán bộ huyện dựng tạm lán cho Bác ở qua đêm. Chỉ tay vào căn lán mới dựng, Bác hỏi: nhà này nhà ai? Cán bộ địa phương thưa: Cách đây năm, ba cây số mới có lán ở của dân, chúng cháu dựng tạm lán này cho Bác nghỉ chân. Bác nghiêm sắc mặt phê bình: “Thế là các chú làm cho Bác xa dân! Chỉ có năm, ba cây số, nhân dân đi lại được, sao Bác không đi được”. Anh em cán bộ địa phương lúng túng nhìn nhau trước lời trách nhẹ nhàng của Bác. Và ngay sáng sớm hôm sau, Bác yêu cầu đưa Người đi bộ vào thăm hỏi đồng bào ở nơi sơ tán. (1)

Thời điểm này, Bắc Cạn là thị xã đầu tiên ở miền Bắc giải phóng khỏi sự quản ý của thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Ở đây cán bộ địa phương và đoàn công tác mới nghĩ tới việc bảo vệ an toàn và giữ gìn sức khỏe, mà chưa nghĩ tới ý nghĩa, tác động và tầm quan trọng của một cuộc thăm bất ngờ của một vị Chủ tịch nước đối với đồng bào vùng mới được giải phóng ít ngày.

Một cử chỉ nhỏ “gần dân” trong sinh hoạt hằng ngày của Bác nói lên tư tưởng lớn “dân là gốc” của Người, toát lên phong cách “thường xuyên gắn bó với nhân dân” của Người. Đảng yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thể hiện cụ thể việc học tập, làm theo tác phong, phong cách của Bác trong công việc thường ngày, trong quan hệ với nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp… bằng những hành vi thiết thực, cụ thể như Bác đã làm và thường nhắc nhủ mọi người.

Ngày nay, không ít cán bộ, nhất là các cán bộ cấp trên, đoạn đường từ nơi làm việc của cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn đến đảng viên và quần chúng sao mà xa xôi thế! Có cán bộ cấp trên cũng xuống cơ sở nhưng thường chỉ làm việc với cán bộ xã, phường ít khi tiếp cận với đảng viên và quần chúng, nên chỉ nghe được những thông tin từ cán bộ, ít hiểu được những nỗi bức xúc của quần chúng, ít nghe được những tiếng nói từ đáy lòng của nhân dân. Gần đây, lẻ tẻ ở nơi này, nơi khác, một số cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện đã xuống cơ sở gặp gỡ, đối thoại với đảng viên và nhân dân ở phường, xã, giúp giải quyết tại chỗ được nhiều việc vướng mắc giữa nhân dân và chính quyền, tạo được không khí hồ hởi, thúc đẩy các hoạt động ở địa phương. Điều kiện thực tế bây giờ có nhiều thuận tiện hơn thời kháng chiến chống ngoại xâm trong việc truyền đạt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới đông đảo quần chúng ở cơ sở, song không vì thế mà cán bộ các cấp lơ là, sao nhãng việc tiếp cận, trực tiếp đối thoại với quần chúng, đảng viên ở xã, phường, nhất là những nơi đang tồn tại nhiều vướng mắc nổi cộm kéo dài giữa nhân dân và chính quyền về các vấn đề đất đai, nhà cửa, an ninh, trật tự an toàn xã hội…

Ngày 3-6-2013, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới (Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI). Nghị quyết chỉ rõ: Công tác dân vận thời gian qua đã góp phần tạo dựng sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc đổi mới. Song cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém: cơ chế “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” chưa được thể chế hóa một cách cụ thể; công tác dân vận  ở nhiều nơi còn chiếu lệ, hình thức; một số chính sách chưa đáp ứng nguyện vọng, lợi ích của nhân dân, nhiều bức xúc chưa được giải quyết; quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi bị vi phạm… Tình hình trên do nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết và chủ yếu  là những nguyên nhân chủ quan: Một số cấp ủy, chính quyền các cấp chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò công tác dân vận, chưa thấy hết trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện; một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo quản lý còn thiếu gương mẫu, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống…nhiều cơ quan, tổ chức và cán bộ lãnh đạo, quản lý không sát dân, không làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân…

Nghị quyết đã nêu 7 nhiệm vụ và giải pháp lớn về công tác dân vận trong tình hình hiện nay: 1) Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân; làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ mật thiết của nhân dân với Đảng và Nhà nước. 2) Nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ đảng, nhà nước, mặt trận, đoàn thể chính trị-xã hội và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí công tác dân vận trong tình hình mới. 3) Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cơ quan nhà nước. 4) Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, giữ vững  độc lập chủ quyền, an ninh chính trị. 5) Đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động của mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, các hội quần chúng để tập hợp nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 6) Quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ Ban Dân vận, mặt trận, đoàn thể nhân dân các cấp vững mạnh. 7) Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác dân vận.

Thực hiện những giải pháp và nhiệm vụ nêu trên, đòi hỏi tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải quán triệt các quan điểm: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, nhân dân là chủ và nhân dân làm chủ; phát huy quyền làm chủ và đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân, việc gì có lợi cho nhân dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho nhân dân thì hết sức tránh; từng cán bộ ,đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu hành động để nhân dân tin tưởng và làm theo; công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong đó có lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt…

Tư tưởng chỉ đạo trên đây thực ra đã được Bác Hồ nêu lên từ hơn nửa thế kỷ trước, trong dịp Người kêu gọi và phát động phong trào toàn dân thi đua ái quốc chuyển mạnh sang giai đoạn chuẩn bị tổng phản công chống lại giặc Pháp cứu nước và bè lũ tay sai. Trong bài Dân vận, báo Sự thật ngày 15-10-1944, Bác cho rằng: “Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”, “lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Bác vạch rõ “khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận” và Bác đòi hỏi “tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể (chỉ Đảng ta – BT) và tất cả các hội viên của các đoàn thể nhân dân (Liên Việt, Việt Minh…) đều phải phụ trách dân vận”; “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”; “vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho” (2). Bác còn chỉ ra cách làm công tác dân vận: Bất cứ  việc gì đều phải bàn bạc, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt ra kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương, đơn vị, sau đó động viên và tổ chức nhân dân thi hành; khi làm phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích động viên nhân dân; làm xong rồi thì phải cùng với dân đánh giá kết quả công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng. Cán bộ chính quyền và cán bộ Đảng ở các địa phương, đơn vị phải bàn tính kỹ, phân công trách nhiệm rõ ràng, cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu, tuyên truyền, giúp dân đặt ra kế hoạch, bố trí lực lượng cho từng việc, khuyến khích, đôn đốc, theo dõi, giúp dân giải quyết khó khăn…

Bác coi mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi công chức, viên chức là một tuyên truyền viên. Trong bài Người tuyên truyền và cách tuyên truyền, báo Sự thật ngày 26-6 đến 9-7-1947, Bác chỉ rõ nhiệm vụ của họ là “đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm”; “cần phải chịu khó, chịu khổ, khéo ở, siêng làm”. Người căn dặn: chớ tưởng rằng đi phớt qua địa phương, diễn thuyết một hai giờ đồng hồ là có kết quả. Đến một địa phương nào, cần phải đi thăm các cụ phụ lão, các người phụ trách, rồi đi thăm các nhà đồng bào để gây cảm tình và để hiểu biết tình hình địa phương”. (3)

Những chỉ dẫn chân tình của Bác từ hơn 60 năm trước vẫn còn nguyên ý nghĩa và giá trị thực tiễn. Làm theo phong cách của Bác, Nghị quyết của Đảng về công tác dân vận quy định rõ cán bộ, công chức, viên chức phải có trách nhiệm vận động nhân dân, xây dựng và thực hiện được phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, thường xuyên đi công tác cơ sở, tăng cường đối thoại, tiếp xúc trực tiếp, với đảng viên, nhân dân và giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo của quần chúng, làm tốt công tác thanh tra nhân dân, hòa giải ở ngay xã, phường, chủ động nắm tình hình và giải quyết những công việc liên quan đến đời sống của nhân dân…


---------------

(1).Hồ Chí Minh-Biên niên tiểu sử, NXB CTQG-Sự thật, tập IV (1946-1954).

(2,3). Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG- Sự thật, 2002, tập 5, tr.698-700, 162-163.

Theo: Tạp chí xây dựng Đảng

Tin cùng chuyên mục