Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khởi xướng và tấm gương tiêu biểu của phong trào thi đua yêu nước Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước được bắt nguồn từ truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc, từ quan điểm Mác-Lênin về vai trò của quần chúng trong lịch sử và từ thực tiễn cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng ta trong tiến trình giải phóng dân tộc và chấn hưng đất nước. Trên thực tế, Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước được hình thành và phát huy tác dụng to lớn trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Nó đáp ứng kịp thời đòi hỏi khách quan của cuộc kháng chiến và vì vậy đã được Đảng và quân dân ta biến thành một phong trào thi đua yêu nước rộng lớn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khởi xướng và tấm gương tiêu biểu của phong trào thi đua yêu nước Việt Nam (Ảnh tư liệu)

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mang lại nền độc lập cho Việt Nam, tuy nhiên Nhà nước Việt Nam mới phải đối phó với muôn vàn khó khăn như: Nạn mất mùa, đói kém; thù trong, giặc ngoài. Thực dân Pháp tuy thua ở Việt Nam, nhưng dưới danh nghĩa "quân Đồng Minh" được quân Anh ủng hộ, đã công khai âm mưu tái chiếm Việt Nam. Nền độc lập Việt Nam như "ngàn cân treo sợi tóc". Trong bối cảnh ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy trước những khó khăn của lực lượng kháng chiến như kinh tế thiếu thốn, vũ khí lạc hậu, vị thế của Việt Nam đang còn hạn hẹp trên trường quốc tế[1]. Người cũng nhận thấy sức mạnh vô địch của dân tộc khi được phát động, tổ chức lại. Vì vậy, sau chiến thắng Việt Bắc thu đông năm 1947, theo sáng kiến của Hồ Chí Minh, ngày 27-3-1948, Đảng ta đã ra chỉ thị phát động phong trào thi đua yêu nước để động viên mọi lực lượng phục vụ kháng chiến ái quốc và đầu tháng 5-1948, Hồ Chí Minh lần đầu tiên ra Lời kêu gọi thi đua yêu nước đến đồng bào cả nước:
"Nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước và chí quật cường chẳng kém ai.
Nay muốn tự cấp, tự túc, đi kịp người ta, thì chúng ta phải đi mau.
Vì vậy, sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc Thi đua yêu nước, tức là tăng sức sản xuất.
Như thế thì:
Kháng chiến nhất định thắng lợi
Kiến quốc nhất định thành công"[2].
Và 1 tháng sau, nhân kỷ niệm 1000 ngày kháng chiến toàn quốc, ngày 11-6-1948, Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc", chính thức phát động Phong trào thi đua ái quốc đến mọi người dân. Lời kêu gọi chỉ rõ: "Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hoá... Thi đua yêu nước sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng"[3].
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước không chỉ được thể hiện qua hoạt động chỉ đạo kháng chiến mà còn  được thể hiện trong nhiều bài viết, nói của Người. Trong bài phát biểu tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc đầu tháng 5-1952, Người chỉ rõ: "mục đích thi đua", "nội dung thi đua", "cách thi đua", "mức thi đua", "ý nghĩa thi đua"...[4]. Trong các mục ấy, Hồ Chí Minh nêu ra những yếu tố để phong trào thi đua thắng lợi, nêu gương tiêu biểu, đánh giá kết quả bước đầu của  phong trào thi đua yêu nước sau 5 năm phát động, chỉ ra những thiếu sót, kinh nghiệm, phương hướng, bài học để phong trào thi đua thực sự trở thành một cuộc vận động quần chúng rộng rãi thực hiện những nhiệm vụ của kháng chiến, từng bước đưa kháng chiến đến thắng lợi. Thi đua là một cách yêu nước thiết thực. Người chỉ rõ: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất"[5]. Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên gắn kết một cách tài tình giữa yêu nước với thi đua, chỉ ra mối quan hệ bản chất giữa hai yếu tố này: yêu nước - "truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta" với thi đua - biện pháp hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ đất nước, đảm bảo cho truyền thống yêu nước được giữ vững và phát triển không ngừng. Quan điểm này đã tạo cho phong trào thi đua có sức mạnh tinh thần vô song, tồn tại lâu dài, gắn liền với tiến trình phát triển của dân tộc. Qua các phong trào thi đua mà bồi dưỡng, phát huy lòng yêu nước được thể hiện bằng hành động thực tế trong lao động sản xuất, chiến đấu, sáng tạo. Hồ Chí Minh đã biến thi đua thành động lực phát huy lòng yêu nước và thành sức mạnh thúc đẩy thi đua.
Để đạt được mục đích của thi đua yêu nước, Hồ Chí Minh còn chỉ ra những thiếu sót thường gặp trong thực hành thi đua: "Thi đua không phải là tranh đua..., không giấu nghề, người đi trước hiểu biết, dẫn người đi sau, làm cho mọi người cùng tiến bộ..." [6]
"Người người thi đua,
Ngành ngành thi đua,
Ta nhất định thắng,
Địch nhất định thua"
Kể từ ngày khởi xướng phong trào thi đua yêu nước đến khi qua đời, Hồ Chí Minh đã có gần 50 bài viết, bài nói về nhiều vấn đề cơ bản trong công tác thi đua. Đó cũng là quá trình kiến tạo, xây dựng thành công một phong trào thi đua yêu nước Việt Nam. Hồ Chí Minh chỉ rõ những vấn đề căn bản để phong trào thi đua yêu nước thắng lợi như: thi đua phải có "Phương hướng đúng và vững"; "Kế hoạch tỉ mỉ"; "Nội dung thiết thực"; "Không thiên về một phía"; "Phải có sự lãnh đạo đúng"; "Phải rất thiết thực"; "Phải lâu dài và rộng khắp"...
Theo Hồ Chí Minh, thi đua yêu nước không chỉ mang lại lợi ích to lớn cho đất nước mà còn có tác dụng cải tạo con người, thi đua loại trừ những tư tưởng bảo thủ, lạc hậu. Đối với những người làm công tác thi đua thì "Phải đi sát cơ sở, nằm ở cơ sở để chỉ đạo phong trào, không nên xuống cơ sở theo kiểu "Chuồn chuồn đập nước", "Phong trào cần liên tục và có nội dung thiết thực không nên chỉ có hình thức, càng không nên "Đầu voi đuôi chuột". Thi đua là biện pháp nâng cao năng suất lao động, hiệu quả chiến đấu, phục vụ kháng chiến, phục vụ dân tộc."Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung cho cả dân tộc. Chúng ta phải ra sức làm cho nó dồi dào thêm và lan rộng mãi... Sáng kiến và kinh nghiệm cũng như những con suối nhỏ chảy vào sông to, những sông to chảy vào bể cả. Không biết quý trọng sáng kiến và phổ biến kinh nghiệm tức là lãng phí của dân tộc"[7].
Nét đặc sắc trong tư tưởng và kinh nghiệm chỉ đạo thực tiễn công tác thi đua của Hồ Chí Minh là tinh thần tập thể - một nhân tố tạo ra động lực, đảm bảo thi đua thắng lợi. Vì vậy, nhiều lần Người chỉ rõ: "Có anh hùng là vì có tập thể anh hùng, có tập thể anh hùng là vì có nhân dân anh hùng, dân tộc anh hùng, Đảng anh hùng ". Còn đối với những người đã được tập thể suy tôn cần chú ý: "Danh hiệu anh hùng, chiến sĩ thi đua về địa phương phải cố gắng vươn lên hơn nữa chứ chớ thấy mình đã là anh hùng rồi thì không ai bằng mình được. Thế là hỏng... Vinh dự ấy là vinh dự chung chứ không phải vinh dự riêng của từng người"[8].
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phong trào thi đua yêu nước còn được thể hiện trong bài phát biểu tại Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ hai (tháng 7-1958), Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước (tháng 12-1960). Hồ Chí Minh không chỉ là người khởi xướng, kiến tạo phong trào thi đua yêu nước Việt Nam mà cũng là tấm gương tiêu biểu của phong trào thi đua yêu nước Việt Nam.
Từ thực tiễn của phong trào thi đua yêu nước hơn 60 năm qua đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu hiện nay:
Một là, công tác thi đua khen thưởng, thực chất là công tác vận động quần chúng thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước; Vì vậy phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và phải gắn thi đua với nhiệm vụ trong từng thời kỳ cách mạng. Thi đua phải xác định rõ mục tiêu, phương hướng, biện pháp, chỉ tiêu, chuẩn mực cụ thể cho từng nghành nghề, địa phương, đơn vị một cách thiết thực và gắn với công việc hằng ngày của từng đối tượng, tránh mơ hồ, chung chung...
Hai là, thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá của nước ta hiện nay đòi hỏi tất cả chúng ta phải lao động với kỹ thuật tiên tiến, năng suất cao, với tinh thần hăng say nhiệt tình. Muốn vậy cần phải nhận thức rõ vai trò của thi đua yêu nước và phải coi thi đua không chỉ là là đòn bẩy kinh tế, biện pháp quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ công nghiệp hoá - hiện đại hoá mà còn là một tiêu chí đánh giá phẩm chất đạo đức, lòng yêu nước của mỗi con người Việt Nam.
Thực tiễn vừa qua cho thấy, do không nhận thức đúng về phong trào thi đua yêu nước mà đã có một thời gian trong xã hội đã thiếu vắng một không khí thi đua làm việc hăng say, tồn tại tư tưởng trung bình chủ nghĩa, lối sống an phận, chỉ lo cho gia đình, bản thân mình. Đây là hậu quả tất yếu của việc xem nhẹ phong trào thi đua yêu nước, xa rời tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước.
Nhận thức rõ vấn đề trên đây, vừa qua Đảng và Nhà nước ta đã khơi dậy và phát động cuộc vận động Thi đua yêu nước trong toàn xã hội. Tháng 6-1998, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 35 về Đổi mới công tác thi đua khen thưởng. Tháng 11-2003, Quốc hội khoá IX đã ban hành Luật thi đua khen thưởng và tiếp theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 31, phát động đợt thi đua đối với tất cả các thành phần xã hội nhằm xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Có thể nói, đây là sự quán triệt sâu sắc hơn Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước trong tình hình mới.
Cuộc vận động này đang được thực hiện sâu rộng trong các ngành nghề, thành phần xã hội và có tác dụng to lớn đối với sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. Đó là các phong trào thi đua yêu nước nhằm thực hiện tốt nhất các mục tiêu dân sinh, dân chủ, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; đó là những phong trào "Thi đua quyết thắng", "Xoá đói giảm nghèo", "Uống nước nhớ nguồn, Đền ơn đáp nghĩa", "Nông dân sản xuất giỏi", "Thanh niên lập nghiệp", "Doanh nhân giỏi", Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá mới"...
Một điểm cần nói đến là Phong trào thi đua ngày nay diễn ra trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế. Vì vậy, bên cạnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế kết hợp với mục tiêu xoá đói giảm nghèo và không xa rời mục tiêu bao trùm là xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do đó, phong trào thi đua yêu nước hiện nay, không chỉ là động lực phát triển kinh tế mà còn là một biện pháp xây dựng và quản lý xã hội. Thi đua ngày nay gắn chặt với các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, với việc xây dựng con người mới, với công cuộc đổi mới đất nước.
Để thực hiện thành công phong trào thi đua - khen thưởng theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta cần lưu ý:
Thứ nhất. Phải chú trọng hai mặt của công tác thi đua: đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động và tiết kiệm, chống tham ô, tham nhũng, kết hợp với xoá đói giảm nghèo, công bằng xã hội. Trước đây, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Cần, kiệm, liêm, chính là nền tảng của Đời sống mới, nền tảng của Thi đua yêu nước"[9]. Do đó, thực hành tiết kiệm và chống tham nhũng càng phải đẩy mạnh. Đây không chỉ là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên mà còn là tiêu chí đánh giá  kết quả của phong trào thi đua yêu nước ở mỗi đơn vị, là thước đo phẩm chất đạo đức của mỗi người.
Thứ hai. Thi đua yêu nước là trách nhiệm của mọi người và phải tiến hành thường xuyên, liên tục. Nội dung thi đua phải sát hợp, cụ thể với từng đối tượng. Hồ Chí Minh đã lưu ý chúng ta: "Đừng tưởng lầm rằng thi đua chỉ là nhất thời. Thật ra thi đua phải trường kỳ. Ta phải thi đua để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công... Thi đua phải lâu dài và rộng khắp"[10].
Thứ ba. Thắng lợi của phong trào thi đua phụ thuộc nhiều vào kế hoạch, biện pháp và quyết tâm thực hiện. Tại Đại hội thi đua "Năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều" (2-1965), Hồ Chí Minh đã tổng kết: "Để đảm bảo phong trào thi đua thắng lợi vẻ vang, cần có hai điều: một là cán bộ và công nhân phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm và tinh thần làm chủ tập thể, hai là kế hoạch 10 phần thì biện pháp phải 20 phần và quyết tâm 30 phần"[11].
Thứ tư. Để thường xuyên duy trì và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phải thường xuyên theo dõi, chỉ đạo và bồi dưỡng nêu gương các điển hình tiên tiến; thi đua và thưởng phạt phải kịp thời, nghiêm minh...
Nhằm tổng kết phong trào thi đua trong toàn quốc từ sau Đại hội lần thứ VII, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII sẽ tổng kết, đánh giá phong trào thi đua yêu nước và thực hiện chính sách khen thưởng những tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực, gắn phong trào thi đua với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; phát động phong trào thi đua yêu nước sâu rộng hơn nữa trong phạm vi toàn quốc, nhằm thực hiện thành công  mục tiêu xây dựng nước Việt Nam " Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh "

--------------------------------------------------------------------------------

[1]. Trước năm 1950, chưa có nước nào công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, tr.419.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, tr.444-445.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t.6, tr.469-476.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t.6, tr.473-476.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, t.8, tr.297.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t.6, tr.471.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, t.12, tr.189.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, tr.631.
[10] Trích theo "Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.18
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, t.11, tr.388.

PGS, TS. Lê Văn Tích (Học viện Chính trịHành chính quốc gia Hồ Chí Minh) Nguồn: Báo điện tử ĐCSVN

Theo: Báo điện tử ĐCSVN

Tin cùng chuyên mục