Chuyện học và làm theo Bác ở Bạch Xa

Học tập và làm theo Bác Hồ để xây dựng gia đình, thôn bản, địa phương đổi mới là những việc làm thiết thực, cụ thể mà cán bộ, đảng viên, người dân xã Bạch Xa (Hàm Yên) đã và đang thực hiện. Kết quả của học và làm theo Bác được thể hiện bằng việc hiến đất làm nhà văn hóa, nêu gương trong các lĩnh vực, vận động đồng bào Dao, đồng bào Công giáo đoàn kết vươn lên phát triển kinh tế…

 

Xung phong hiến đất

Khác với mường tượng của tôi, xã Bạch Xa hiện ra trước mắt với những ngôi nhà xây cao tầng, đường sá thuận lợi bởi được nhựa hóa, bê tông hóa; những đồi cam trĩu quả vàng ươm. Đồng chí La Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã giới thiệu: Mấy năm nay, xã đã bứt phá về mọi mặt, đặc biệt là đời sống của nhân dân và hạ tầng điện, đường, trường học. Ngoài đầu tư của Nhà nước thì nhân dân luôn nỗ lực trong đổi mới tư duy sống, làm kinh tế và chung sức, đồng lòng tham gia xây dựng các công trình hạ tầng. Ông Hạnh khẳng định: “Việc  học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở xã có sức lan tỏa lớn. Xã đã có nhiều tấm gương học và làm theo Bác ở mọi lĩnh vực, điển hình gia đình anh Phạm Văn Nghĩa ở Đồn Bầu, các anh Lương Văn Tôn, Triệu Văn Tôn, Triệu Văn Bách ở Ngòi Nung, anh Bàn Văn Càn ở Cầu Cao…”.


Nhà văn hóa thôn Ngòi Nung, xã Bạch Xa (Hàm Yên) vừa hoàn thành trên
phần đất gia đình anh Lương Văn Tôn hiến tặng.

Nhà văn hóa vừa mới xây dựng từ nguồn vốn 135 ở thôn Đồn Bầu do gia đình anh Phạm Văn Nghĩa tự nguyện hiến 560 m2 đất. Trưởng thôn Đồn Bầu khoe: “Ngoài phần xây dựng được Nhà nước hỗ trợ, 83 hộ dân đã họp bàn tự giác đóng góp thêm 600 nghìn đồng mỗi hộ để san ủi mặt bằng, xây dựng thêm bếp ăn, công trình nhà vệ sinh đầy đủ”. Người có công lớn nhất là anh Phạm Văn Nghĩa đã tự nguyện hiến đất để xây dựng nhà văn hóa. 

Anh Phạm Văn Nghĩa bảo: “Vừa rồi bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, tôi tham gia tổ làm công tác chuẩn bị, phải nhờ nhà của một hộ dân. Thấy nhiều bất tiện quá nên thôn họp bàn cách tháo gỡ khó khăn về quỹ đất xây dựng nhà văn hóa. Họp mãi không tìm được, tôi đã quyết định hiến hơn 500 m2 đất đồi của gia đình để có đất xây dựng. Tôi nghĩ tài sản của mình thì ai cũng tiếc, thế nhưng bớt chút quyền lợi vì cộng đồng trong đó có cả mình được hưởng thì nên làm. Tôi nghĩ làm theo Bác thì cần là một giáo dân sống “tốt đời đẹp đạo”, ủng hộ các chủ trương của Đảng và Nhà nước”.  

Nhà văn hóa thôn Ngòi Nung vừa được xây dựng 4 gian, rộng 120 m2 phục vụ 115 hộ đồng bào Dao sinh hoạt. Trưởng thôn Triệu Văn Tôn phấn khởi: “Thôn xây được nhà văn hóa là nhờ anh Lương Văn Tôn tự nguyện hiến 530 m2 đất vườn đồi trồng rau màu cộng với nguồn vốn của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc đấy!”. Khi chúng tôi hỏi lý do, anh Lương Văn Tôn bảo: “Thôn thiếu nhà văn hóa nhưng tìm mãi mà không có đất. Khi thôn tổ chức họp vận động bà con hiến đất, tôi đã xung phong hiến mảnh đất trồng chè cạnh đường để xây dựng. Tôi nghĩ đó là việc nên làm vì mọi người và vì cả mình nữa”.

Nêu gương

Không chỉ nêu gương trong thực hiện nhiệm vụ mà cán bộ, đảng viên ở đây còn nêu gương trong phát triển kinh tế gia đình. Điển hình như đảng viên Triệu Văn Bách, dân tộc Dao thôn Ngòi Nung. Năm nay đã hơn 64 tuổi đời, gần 30 năm tuổi Đảng nhưng ông vẫn hăng say phát triển kinh tế. Ông là người đầu tiên mang cây cam sành về trồng ở đất Ngòi Nung. Khoát tay lên phía đồi cam, ông Bách kể, đồi cam này khoảng 4 ha có dư. Năm nay, cam nhà bán rẻ vài giá nên chỉ được gần 200 triệu đồng, chứ để sau Tết phải được thêm dăm bảy mươi triệu nữa. Chỉ tay về phía bên trái, ông Bách bảo, nhà vẫn duy trì gần 2 ha chè lấy búp. Tuy chè không thu nhập cao bằng cam nhưng cho thu quanh năm. Khí hậu ở đây lại hợp nên việc chăm bón không vất vả, mỗi năm gia đình thu được 60 - 70 triệu đồng. Bên cạnh nỗ lực phát kinh tế gia đình, lâu nay ông Bách còn cùng với cán bộ thôn, xã vận động đồng bào Dao trồng cam, chè, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và thực hiện nếp sống văn hóa trong việc hiếu, hỷ ở thôn.

Gần 15 năm làm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bến Đền, thôn có trên 90% là đồng bào công giáo, ông Nguyễn Văn Quang đã không quản ngại vất vả, sát sao, trách nhiệm với từng việc lớn, việc nhỏ ở thôn. Ông Quang cho biết: Thôn có 115 hộ với gần 500 nhân khẩu, chi bộ có 20 đảng viên. Với vai trò của mình, ông Quang đã cùng cấp ủy, chi bộ thôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Ban công tác Mặt trận thôn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân tích cực tự nguyện đóng góp tiền, công lao động, vật tư, hiến đất để làm đường..., góp phần xây dựng hạ tầng ở thôn hoàn thiện. Bản thân ông thường đến tận hộ dân lắng nghe những ý kiến, nguyện vọng của người dân, đồng thời bàn bạc với nhân dân trong mọi công việc của thôn để có sự đồng thuận cao nhất. Ông Quang đã vận động người dân làm được gần 1km đường giao thông rộng từ 4,5 đến 5 m, thuận lợi cho việc giao thương lâu dài. Khi Nhà nước triển khai làm cầu phao bắc qua sông, ông cùng với cán bộ đầu ngành thôn vận động 17 hộ dân nhượng trên 500 m2 đất trước khi nhận tiền đền bù để thi công đường dẫn xuống cầu. Nhờ vậy, diện mạo thôn Bến Đền đã có nhiều khởi sắc, kinh tế phát triển với trên 10% hộ dân có cuộc sống khá giàu, công tác an ninh trật tự trên địa bàn được bảo đảm…

Ông Quang chia sẻ, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trước hết bản thân phải gương mẫu, lời nói phải đi với việc làm, quy tụ sự đoàn kết trong chi bộ, sự đồng thuận trong nhân dân. Mọi việc trong thôn đều đưa ra họp bàn công khai, dân chủ theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Người bí thư còn phải đặc biệt quan tâm xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, chú trọng chất lượng sinh hoạt chi bộ và đội ngũ đảng viên, xem đây là yếu tố quan trọng quyết định năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; làm tốt công tác quản lý đảng viên, phân công nhiệm vụ cụ thể đi đôi với thường xuyên giám sát, kiểm tra, đánh giá kết quả công việc. Đồng thời, quan tâm, tạo điều kiện, động viên quần chúng hăng hái tham gia sinh hoạt trong các tổ chức chính trị - xã hội, thi đua phát triển kinh tế, các hoạt động giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn... 

Việc học tập và làm theo Bác ở Bạch Xa không hình thức, chung chung mà đi vào cụ thể nên đã tạo được sức lan tỏa đến với mọi tầng lớp nhân dân, tạo ra phong trào thi đua “người tốt, việc tốt” ở thôn bản. Những tấm gương điển hình trên mọi lĩnh vực từ phát triển kinh tế hộ, vận động nhân dân đến hiến đất xây dựng công trình đã góp phần xây dựng thôn, xã ngày một phát triển.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục