Dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai cấp công nhân và công đoàn

Sau khi trở thành người cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực tìm kiếm những hình thức nhằm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân Việt Nam, đặt nền móng xây dựng những cơ sở đầu tiên cho tổ chức công đoàn nước ta.

 
Bác Hồ nói chuyện với công nhân Ngành Đường sắt Việt Nam

Cuối tháng 12-1920, anh Nguyễn cùng 160 đại biểu của Đảng Xã hội trong Đại hội Tua đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế III và tuyên bố thành lập Đảng cộng sản Pháp. Trước đó, ngay từ năm 1914, Người đã tham gia tổ chức “Lao động hải ngoại”, tổ chức nghiệp đoàn của những người thợ thuyền thuộc địa sống trên đất Anh.

Năm 1919, Người gia nhập “công đoàn kim khí” quận 17 Pa-ri. Cùng lúc đó, phong trào yêu nước và thợ thuyền Việt Nam ở Pháp bừng tỉnh. Cùng với luật sư yêu nước Phan Văn Tường và nhà chí sĩ cách mạng Phan Chu Trinh, Người tham gia lập “Hội những người Việt Nam yêu nước ở Pháp”. Đây là cầu nối đầu tiên giữa Người với công nhân, lính thợ, thủy thủ người Việt ở Pháp. Sau khi Người tham gia sáng lập “Hội liên hiệpthuộc địa” (10-1921) và nhất là khi tờ “Người cùng khổ” ra mắt vào tháng 4-1922 thì những tổ chức công đoàn đầu tiên của người Việt Nam trên đất Pháp càng phát triển mạnh mẽ. Đồng chí Tôn Đức Thắng, một trong những người sáng lập phong trào công đoàn Việt Nam, đã 2 lần đến Pa-ri để tìm Nguyễn Ái Quốc. Đồng chí đã tham gia cuộc nổi dậy phản chiến nổi tiếng ở Biển Đen và sau khi bị trục xuất về Sài Gòn (1922-1923), đã gieo những hạt giống đầu tiên của Công hội đỏ Việt Nam tại xưởng đóng tàu Ba Son. 

Tháng 7-1924, Người tham gia Đại hội III “Quốc tế công hội đỏ” tại Mat-xcơ-va, là đại biểu duy nhất cho giai cấp công nhân thuộc địa và đọc bản tham luận chính thức trong phiên họp thứ 15 ngày 21-7-1924. Đây là tiếng nói chính thức đầu tiên của một đại biểu của phong trào công nhân và Công đoàn nước ta trên diễn đàn quốc tế. Người kêu gọi: “... tổ chức công nhân cách mạng Pháp phải tích cực giúp đỡ chúng tôi trong cuộc đấu tranh giải phóng của chúng tôi”(1). Năm 1925, Bản án chế độ thực dân Pháp được “Thư quán lao động”  xuất bản tại Pa-ri.

Trong Chương XII mang tên “Nô lệ thức tỉnh”, tác giả cổ vũ cuộc bãi công của 600 công nhân nhuộm vừa nổ ra ở Chợ Lớn, “đây là lần đầu tiên một phong trào như thế nhóm lên ở thuộc địa”(2). Năm 1926, ngoài tờ báo “Thanh niên” có đăng một số bài của Người về tổ chức công đoàn Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc sáng lập thêm báo “Công Nông”, tờ báo đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Năm 1927, tác phẩm “Đường Kách mệnh” được xuất bản.

Đây là tác phẩm quan trọng nhất của Người về cách mạng Việt Nam nói chung và về phong trào công đoàn nói riêng. Người xác định: “Tổ chức công hội trước là để  cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang lại cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân...”(3). Như vậy là vào thời kỳ này, Người đã rất chú ý đến chức năng bảo vệ quyền lợi của người lao động. Quả thực, cho đến nay, chức năng cơ bản của công đoàn vẫn là bảo vệ lợi ích của người lao động. Khi xa rời chức năng đó thì người công nhân tự nhiên sẽ xa lánh hoặc thờ ơ với sự tồn tại của tổ chức công đoàn và công đoàn đến lượt nó mất đi tính đại diện của người lao động.

Đề cập đến vấn đề này, trong bài nói chuyện tại Trường cán bộ Công đoàn ngày 19-1-1957, Người nói: “Công đoàn phải tuyên truyền đường lối, chính sách chung của Đảng, vì Đảng mình là Đảng của giai cấp vô sản. Đường lối chung là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Giai cấp mà không có Đảng lãnh đạo thì không làm cách mạng được, Đảng mà không có giai cấp công nhân cũng không làm được gì. Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong của dân tộc… Mục đích công đoàn là phải cải thiện dần đời sống công nhân, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của giai cấp công nhân nói riêng và nhân dân nói chung”(4). Hồ Chủ tịch cũng đã không ít lần bàn về đồng lương thực tế cho người thợ: “Bây giờ anh em mong được lên lương có chính đáng không? Có. Nhưng lương tăng gấp đôi mà hàng đắt thì vẫn không ăn thua gì”(5). Tại Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ II, tháng 2-1961, Người nhấn mạnh: “Phát minh, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng là vấn đề quan trọng. Phải nhận rằng đại đa số công nhân ta đều cần cù, thông minh và có nhiều sáng kiến hay... Nếu công đoàn biết khuyến khích, áp dụng, cải tiến và phổ biến rộng rãi những sáng kiến ấy thì năng suất lao động sẽ nâng cao không ngừng”(6). Người còn dạy: “Công đoàn phải có biện pháp thiết thực để nâng cao trình độ văn hóa và kỹ thuật của công nhân, phải tùy khả năng cộng với cố gắng mà nâng cao dần đời sống vật chất của họ; phải chú ý bảo vệ sức khỏe, bảo vệ an toàn lao động và tăng cường công tác vệ sinh...”(7). Cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho giai cấp công nhân nói riêng và nhân dân nói chung là khát vọng luôn canh cánh bên Người.

Hiện nay Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chú trọng đến việc phát huy vai trò trách nhiệm của giai cấp công nhân. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”(8). Báo cáo chính trị tại Đại hội XI của Đảng cũng chỉ rõ: “Quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân Việt Nam cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, kỷ luật lao động, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH - HĐH và hội nhập quốc tế(9).

Quan điểm của Đảng về chiến lược xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, CNH, HĐH đất nước, hội nhập quốc tế. Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, chăm lo xây dựng giai cấp công nhân; đảm bảo hài hoà lợi ích giữa công nhân, người sử dụng lao động, Nhà nước và toàn xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, quan tâm giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho công nhân, từng bước trí thức hoá giai cấp công nhân là một nhiệm vụ chiến lược.

Bước vào thời kỳ đất nước hội nhập, vấn đề xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn lớn mạnh càng phải được quan tâm sâu sắc, toàn diện, thiết thực và cụ thể hơn theo tinh thần Nghị quyết 20/NQTW và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Đây là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị cùng sự nỗ lực vươn lên của bản thân mỗi người công nhân, là yếu tố quan trọng thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXBCTQG, H.2000, tập 1, tr.293. (2), (3) Sách đã dẫn, tập 2, tr.114, 302. (4), (5) Sách đã dẫn, tập 8, tr.295,297. (6), (7) Sách đã dẫn, tập 10, tr.291. (8), (9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXBCTQG, H.2011, tr.80, 49.

Theo: Tạp chí Xây dựng Đảng

Tin cùng chuyên mục