Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi sáng soi

Sau 45 năm công bố, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sáng rõ tầm nhìn thời đại và vẹn nguyên giá trị. Di chúc của Người vẫn là những chỉ dẫn quý báu, động lực tinh thần giúp chúng ta vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ, chấp nhận thách thức để tiến tới con đường phát triển bền vững.

Vài nét về quá trình Bác viết Di chúc


Nhân dịp sinh nhật lần thứ 75, sáng ngày 10-5-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc. Đến ngày 15-5, bản Di chúc đầu tiên này hoàn thành, dài gần 3 trang, do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh máy, có chữ ký của Người và chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn - lúc đó là Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Từ ngày 10-5-1965 đến lúc kết thúc viết Di chúc ngày 10-5-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung và viết lại. Năm 1966 và 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh không có bản viết riêng, chỉ có hai bản bổ sung vào Di chúc năm 1965. Năm 1968, Người viết bổ sung một đoạn gồm 6 trang viết tay, ngày 10-5-1969 viết lại toàn bộ phần mở đầu Di chúc, gồm 1 trang viết tay.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên được công bố trong Lễ tang của Người tháng 9-1969, gồm 4 trang in khổ 14,5 cm x 22 cm. Ngày 19-8-1989, Bộ Chính trị ra Thông báo số 151-TB/TWVề một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minhkhẳng định Di chúc công bố chính thức năm 1969 đảm bảo trung thành với bản gốc của Người. Nội dung chủ yếu dựa theo bản Bác viết năm 1965, trong đó đoạn mở đầu là của bản viết năm 1969, đoạn về việc riêng là của bản viết năm 1968. Lúc đầu, vì những lý do nhất định, nên một số vấn đề trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa được công bố, như: Việc căn dặn của Người về hoả táng thi hài; việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi; miễn giảm thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp... Trong dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) đã quyết định công bố toàn bộ các bản viết Di chúc của Người.

Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta ở vào giai đoạn ác liệt, song đang trên đà thắng lợi, đòi hỏi sự đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hai miền Nam - Bắc với niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng. Đế quốc Mỹ sau thất bại trong chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", chúng tiến hành chiến lược "Chiến tranh cục bộ" ở miền Nam, đồng thời leo thang "Chiến tranh phá hoại" miền Bắc lần thứ nhất;Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ướng Đảng khóa III tháng 3-1965 đã hạ quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ xâm lược. Sau khi đánh bại cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, chúng ta mở cuộc Tổng tiến công, nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, buộc đế quốc Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, chấp nhận đàm phán với ta ở Hội nghị Pa-ri.

Giá trị to lớn của Di chúc


Di chúc là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng.

Di chúc thể hiệnsự tự nhận thứcsâu sắc về bản thâncủa Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đón nhận quy luật cuộc sống bằng phong thái ung dung, tự tại, chuẩn bị việc ra đi của mình bằng những lời tâm huyết dặn lại. Tâm nguyện của Người: “Suốt đời tôi hết lòng phụng vụ Tổ quốc, phụng vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phụng vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Ý chí, niềm tin, tinh thần lạc quan cách mạng, trách nhiệm với nhân dân của Người thể hiện sâu sắc ở dự báo về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ và ngày thống nhất đất nước, ở những chỉ dẫn về công việc của sự nghiệp cách mạng còn dang dở. Di chúc làtâm sựcủa một người đã suốt đời hy sinh hạnh phúc riêng tư, hiến dâng trọn cuộc đời cho Tổ quốc và nhân dân; là tấm lòng chung thuỷ với “các nước anh em” và “bầu bạn khắp năm châu”.

Di chúc là công trình lý luận về xây dựng Đảng cầm quyền


Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Đảng ta là Đảng cầm quyền”. Để đáp ứng được nhiệm vụ lãnh đạo xã hội, Đảng phải luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và gắn bó máu thịt với nhân dân, không ngừng nâng cao bản chất giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình. Di chúc nêu những vấn đề cốt yếu của công tác xây dựng Đảng, đó là: Giữ gìn mối đoàn kết trong Đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ nhân dân của mỗi cán bộ, đảng viên. Công tác chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ chiến lược, là công việc thường xuyên để giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng.

Sự nghiệp cách mạng là một sự nghiệp bền bỉ, dài lâu, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đảng cầm quyền phải chăm lo phát triển lực lượng cho hiện tại và chuẩn bị cho tương lai một thế hệ trẻ vừa “hồng” vừa “chuyên”, có như vậy mới thực hiện thành công lý tưởng xây dựng một xã hội mới, tiến bộ, văn minh. Bác dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, đó là công việc bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức rèn luyện đạo đức cách mạng, đào tạo nguồn nhân lực kế tục sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Cách mạng Việt Nam không thể tách rời cách mạng thế giới. Sự vững mạnh của Đảng còn được khẳng định trong mối quan hệ đoàn kết chặt chẽ với các đảng cộng sản và bè bạn quốc tế. Điều Bác dặn trong Di chúc “về phong trào cộng sản thế giới” chỉ dẫn định hướng quan trọng cho quan hệ đối ngoại của Đảng, đó là nguyên tắc đoàn kết quốc tế dựa trên “nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình”.

Di chúc là tác phẩm bàn về xây dựng xã hội XHCN ở Việt Nam, là phác thảo lý luận sự nghiệp đổi mới ở nước ta


Di chúc là điểm kết tinh tư tưởng của Bác về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam, mối quan hệ giữa công bằng và tiến bộ xã hội, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá trong xây dựng xã hội mới, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh thời đại, động lực lợi ích và chăm lo chu đáo tới cuộc sống con người, tư tưởng trọng dân, coi dân là gốc, là chủ thể của sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước.

Di chúc như một kế hoạch, một chương trình hành động của toàn Đảng, toàn dân về sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh với những chỉ dẫn về quản lý xã hội như: đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp hoàn cảnh mới; khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế; phát triển công tác vệ sinh, y tế; chính sách miễn thuế nông nghiệp cho nông dân; chính sách xã hội, công bằng xã hội...

Giá trị văn hoá của Di chúc rất lớn lao, trong đó Bác chỉ dẫn con đường, mục tiêu phát triển của nền văn hoá Việt Nam; trù tính, dự liệu về những cuộc vận động lớn giáo dục văn hoá trong toàn dân, toàn xã hội, lấy văn hoá chính trị của Đảng Cộng sản cầm quyền và văn hoá trong thể chế nhà nước - một nhà nước dân chủ pháp quyền của dân, do dân, vì dân làm sức mạnh tiêu biểu nêu gương thuyết phục nhân dân. Qua lời dặn dò về việc riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề cập đến việc xây dựng một đời sống văn hoá mới; một lối sống tiết kiệm, không lãng phí; mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, môi trường sinh thái.

Di chúc phác thảo những vấn đề quan trọng của sự nghiệp đổi mới đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, đổi mới là một tất yếu để phát triển; đổi mới là một cuộc đấu tranh bền bỉ, một quá trình xây dựng gian khổ, "là một công việc cực kỳ to lớn, nặng nề và phức tạp”, là “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Người yêu cầu, Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Theo Hồ Chí Minh, xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh, điều kiện nước ta phải đặc biệt chú trọng phát huy khả năng sáng tạo của dân, “động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.

Ý nghĩa sâu sắccủa Di chúc


Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện có giá trị vô cùng to lớn đối với quá trình cách mạng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ta trên nhiều phương diện, nó vạch ra phương hướng cho cách mạng Việt Nam cả hôm nay và trong tương lai, đặc biệt là quan hệ với các Đảng Cộng sản anh em, các nước xã hội chủ nghĩa. Ở vấn đề này, khi hệ thống chủ nghĩa xã hội có nhiều biến đổi, nhất là những diễn biến phức tạp trong khu vực và thế giới gần đây càng cho chúng ta thấy Di chúc của Người có ý nghĩa thời sự sâu sắc.

Di chúc vừa làvăn kiệncủa một nhà chính trị lớn, lãnh tụ cao nhất của Đảng và dân tộc, người đã sáng tạo ra thời đại mới, “thời đại Hồ Chí Minh”, thời đại của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam; vừa làtác phẩm nghệ thuậttầm cỡ của một nhà văn hoá lớn. Đây là sự phản ánh thống nhất, cô đọng nhất vềtoàn bộ cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởngChủ tịch Hồ Chí Minh; thể hiện phẩm chấtđạo đứcsáng ngời suốt đời phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc và nhân dân của người chiến sĩ cộng sản kiệt xuất; thể hiện mong muốn cuối cùng của Người.

Di chúc thể hiện cô đọng và sâu sắcnhững tư tưởng đổi mớicủa Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam. Người đã căn dặn toàn Đảng, toàn dân ta những việcto lớn, hệ trọng, cần làmsau khi đất nước thống nhất.

45năm qua, Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, vượt qua thử thách, giành những thắng lợi vẻ vang, đưa cả nước bước vào thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một dịp để chúng ta tiếp tục ôn lại lời căn dặn tâm huyết cuối cùng của Lãnh tụ kính yêu, Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới trước lúc đi xa.

Với tất cả tình cảm kính yêu vô hạn và niềm tin tuyệt đối vào lời căn dặn của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi Di chúc thiêng liêng và con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn, xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Theo: Tạp chí xây dựng Đảng

Tin cùng chuyên mục