Giá trị nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình

Nếu tính từ tác phẩm “Đường Kách mệnh” viết năm 1927, lần đầu tiên Hồ Chí Minh bàn về vấn đề tự phê bình và phê bình của người cách mạng cho đến tác phẩm cuối cùng là “Di chúc”, Người đã công bố khoảng 200 bài nói, viết về xây dựng Đảng, trong đó sử dụng 90 lần thuật ngữ tự phê bình và phê bình, 67 lần thuật ngữ phê bình và tự phê bình. Ở Người, tự phê bình và phê bình đã trở thành một phẩm chất trong nhân cách và là một đặc trưng trong phong cách lãnh đạo. Dù ở cương vị lãnh đạo cao nhất, Người vẫn thực hành tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc, nêu tấm gương sáng về đức tính trung thực, thẳng thắn cho cán bộ, đảng viên noi theo.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới tự phê bình và phê bình. Người coi tự phê bình và phê bình là “vũ khí rất cần thiết và sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm"[1], là “thang thuốc” tốt nhất để chữa trị các “chứng bệnh” do chủ nghĩa cá nhân gây ra.

Qua nghiên cứu những tác phẩm của Hồ Chí Minh, vấn đề tự phê bình và phê bình là một cống hiến quan trọng của Người trong bảo vệ và phát triển lý luận Mác-Lênin; là nét đặc sắc trong tư tưởng của Người về xây dựng Đảng mác-xít; là vũ khí lý luận sắc bén đấu tranh chống lại chủ nghĩa cơ hội, xét lại và các tiêu cực trong xã hội; với văn phong giản dị, trong sáng chúng ta thấy toát lên bản chất nhân văn mác-xít, “chủ nghĩa nhân đạo hiện thực”. 


Thực chất của tự phê bình và phê bình là xây dựng, là vươn tới sự hoàn thiện, hoàn mỹ, là thúc đẩy sự tiến bộ, là cách mạng và khoa học trong cấu trúc nhân cách của  mỗi con người. Hồ Chí Minh luôn xem xét con người trong tính đa dạng của các quan hệ xã hội, trong tính cách, khát vọng, phẩm chất, khả năng; trong hoàn cảnh xuất thân, điều kiện sống, làm việc,... Theo Người trong hoạt động thực tiễn, ai cũng có ưu điểm và khuyết điểm, chỉ khác nhau ở  mức độ, trạng thái biểu hiện mà thôi: “Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không kiên quyết sửa nó đi”
[2].

Hồ Chí Minh không trừu tượng hoá con người, mà xét họ trong môi trường sống cụ thể và tự phê bình và phê bình được ví như “thang thuốc” thần diệu, có tác dụng chữa khỏi bệnh, đồng thời bồi bổ để người ta sống cao đẹp hơn. Thông qua tự phê bình và phê bình mà mỗi cá nhân, mỗi tổ chức ngày càng hoàn thiện, tạo ra sự biến đổi về chất, tạo ra sức mạnh nội sinh trong mỗi tổ chức, mỗi con người; mọi sự kìm nén, ức chế được giải toả, luồng sinh khí mới sẽ sưởi ấm “cái tâm” của mỗi người, để họ không ngừng phấn đấu, vươn lên.

Vì vậy, về bản chất, tự phê bình và phê bình là cách mạng và khoa học; là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tình cảm và lý trí, giữa cái riêng và cái chung; là sự đấu tranh giữa mặt tốt và mặt xấu, đúng và sai, cao cả và thấp hèn,... trong mỗi con người, mỗi tổ chức cho đến toàn xã hội, qua đó đi đến những giá trị chân, thiện, mỹ .

Đối tượng trực tiếp của tự phê bình và phê bình là “Phê bình việc làm (nhận thức, hành vi và việc làm không đúng), chứ không phải phê bình người”[3]. Người chỉ rõ cần tránh hiện tượng: “Khi phê bình ai, không phải vì Đảng, không phải vì tiến bộ, không phải vì công việc mà chỉ công kích cá nhân, cãi bướng, trả thù tiểu khí”[4]. Những việc làm sai trái, những suy nghĩ lệch lạc, sai lầm khuyết điểm của cá nhân hay tổ chức đều phải được phê bình nghiêm túc và “phải lập tức sửa chữa”. 

Tự phê bình và phê bình những nhận thức, hành vi và việc làm không đúng trong tư tưởng tự Hồ Chí Minh khác về bản chất với tư tưởng phê phán và trừng trị, lợi dụng phê bình để thổi phồng hoặc bóp méo sự thật, định kiến, ghen ghét, ganh tỵ, trù dập, hạ thấp con người, phê bình theo kiểu “chụp mũ”, quy kết hay “bới lông, tìm vết”. Theo Người, tự phê bình và phê bình là sự mổ xẻ một căn bệnh mang ý nghĩa như là sự khởi nguyên của một quy trình chữa lành con bệnh, làm cho con người tồn tại và phát triển khoẻ mạnh; khi mà tìm ra nguyên nhân vì sao mắc sai lầm, khuyết điểm? ảnh hưởng đến công việc như thế nào, làm thế nào để sửa chữa. Người nói: Tự phê bình và phê bình cốt để phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, để tư tưởng và hành động được đúng hơn, và tốt hơn, để làm việc có hiệu quả hơn, để gần nhau hơn, để đoàn kết và thống nhất nội bộ. Tự phê bình và phê bình thúc đẩy sự phát triển toàn diện con người, tránh cho con người không rơi vào cái "tôi" vị kỷ, thấp hèn, đố kị, nhỏ nhen.

Tự phê bình và phê bình là một nghệ thuật về phép ứng xử giữa người với người. Hồ Chí Minh sử dụng thuật ngữ "khéo dùng cách phê bình và tự phê bình”[5]  hàm chứa phương pháp, nghệ thuật khi phê bình. Theo Người, "Ta phải biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sửa chữa”[6].

Tư tưởng "khéo dùng cách phê bình và tự phê bình” của Hồ Chí Minh do quan điểm dân chủ và nhân đạo chi phối. Tư tưởng đó thể hiện quan điểm biện chứng trong đánh giá con người, biết phối hợp hài hòa giữa tình-lý trong hành vi và thái độ ứng xử giữa con người với nhau. “Khéo” trước hết phải được thể hiện trong ngôn ngữ nói: là sự chuẩn mực và mô phạm, sự thẳng thắn và chân thành của người phê bình. Người căn dặn: “phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc….”[7]. "Khéo" là sự kết hợp giữa các biện pháp giáo dục từ trên xuống và từ dưới lên, từ nội bộ Đảng đến ngoài xã hội. Nhưng trên hết là sự giúp đỡ, cảm hóa, thức tỉnh lương tâm để mọi người vươn lên tự khẳng định mình. "Khéo" là sự kết hợp giữa lý trí và tình cảm, phải hiểu cặn kẽ các nhân tố khách quan, chủ quan, “phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách nói có sách, mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn xây dựng “trị bệnh cứu người ” chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm”[8].

"Khéo” sử dụng vũ khí tự phê bình và phê bình thì tác dụng cảm hóa, lan tỏa rất lớn. Tính hiệu quả của phê bình được khẳng định khi đối tượng của phê bình trở thành đồng chủ thể tự phê bình, tự kiểm tra. Ngược lại, tự phê bình và phê bình không “khéo” sẽ gây hiệu ứng tiêu cực, thậm chí là  có hại.

Hiện nay, nhận thức về tự phê bình và phê bình còn những lệch lạc, tác động nguy hại đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng đoàn kết trong đơn vị, ảnh hưởng xấu đến sự tiến bộ của cá nhân cũng như tập thể. Như: Một là, nể nang, né tránh, ngại va chạm, làm qua loa đại khái, trông trước, ngó sau, hùa theo số đông hoặc đón ý cấp trên, dĩ hoà vi quý. Hai là, cơ hội, lợi dụng phê bình để công kích những người mình không ưa, kéo bè, kết cánh, gây mất đoàn kết nội bộ. Cả hai khuynh hướng này đều làm mất đi tính nhân văn trong tự phê bình và phê bình. Điều đó giải thích tại sao thời gian qua hoạt động tự phê bình và phê bình ít hiệu quả, như Nghị quyết Đại hội X của Đảng tổng kết: “Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình trong các cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên chưa đạt yêu cầu đặt ra, chưa tạo được chuyển biến cơ bản, chưa góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu ”[9].

Thiết nghĩ, để nâng cao chất lượng, hiệu quả tự phê bình và phê bình, đòi hỏi mỗi cán, bộ đảng viên phải thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình. Nhận thức rõ vai trò, mục đích, nội dung, phương pháp tự phê bình và phê bình; mở rộng thông tin, phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật. Đặc biệt, việc tìm hiểu và quán triệt giá trị nhân văn trong tự phê bình và phê bình gắn với nội dung Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là thiết thực góp phần hoàn thiện nhân cách của mỗi cán bộ, đảng viên; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Theo: Xaydung dang

Tin cùng chuyên mục