Nhà giáo Nguyễn Tất Thành mãi mãi là tấm gương sáng để các thế hệ người thầy học tập

Sinh thành trong gia đình có nề nếp gia phong mẫu mực, giữ đạo hiếu học, nhân nghĩa của vùng đất giàu truyền thống yêu nước, nơi đã sản sinh những danh nho, hiền tài của đất nước...

Quê hương, gia đình, đặc biệt là nhân cách của người cha - Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và trải nghiệm đầu đời cùng cha đi học từ làng này sang làng khác, được hầu trà, bê tráp cho các bậc cha chú, luận bàn việc nước, đàm đạo chính sự và những bài học “vỡ lòng” từ các thầy trong nhóm “Tứ hổ Nam Đàn”… đã ảnh hưởng, nuôi dưỡng và sớm giác ngộ tinh thần yêu nước, hình thành nhân cách người thầy giáo Nguyễn Tất Thành - lãnh tụ kiệt xuất Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh! Với lòng yêu nước thương dân sâu sắc trỗi dậy mạnh mẽ từ văn hoá làng cộng với vốn kiến thức lịch sử, văn hóa, văn minh phương Tây được tiếp cận ở trường Quốc học Huế, qua tìm hiểu, nghiên cứu các cuộc cách mạng tư sản diễn ra ở Hà Lan, Anh, Mỹ, nhất là cuộc cách mạng tư sản Pháp năm 1789 và tận mắt chứng kiến cảnh lầm than, cơ cực của người dân Việt Nam sống rên xiết dưới gót giày quân xâm lược đã thôi thúc người thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết tâm ra đi tìm kiếm con đường cứu nước, đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi “đêm trường nô lệ”. Trên con đường bôn ba tìm đường cứu nước, trở thành lãnh tụ của dân tộc Việt Nam, Nguyễn Tất Thành đã dạy học tại trường Dục Thanh, Phan Thiết, Bình Thuận. Dấu ấn về người thầy và nghề dạy học chỉ được khắc hoạ một phần nhỏ trong toàn bộ cống hiến lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì dân, vì nước. Song, đóng góp đó đã, đang và sẽ là tài sản vô giá đối với sự nghiệp giáo dục nước ta và trở thành quan điểm giáo dục mang tính thời đại sâu sắc.

Khi còn dạy ở trường Dục Thanh, thầy giáo Nguyễn Tất Thành không chỉ hết lòng truyền đạt tri thức, tư tưởng tiến bộ, chỉ ra tầm quan trọng đối với việc học mà còn gieo vào tâm trí người học về nguồn cội, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và nỗi niềm trăn trở của người dân mất nước qua mỗi bài giảng. Bài học Sử ký “Hùng Vương dựng nước, đời Hồng Bàng”, thời kỳ mở đầu của 18 đời vua Hùng dựng nước được thầy Thành truyền đạt đến học trò với giọng trầm ấm, âm vang, thể hiện niềm tự hào về giống nòi “Con Rồng cháu Tiên”, lòng biết ơn đối với các vua Hùng đã công dựng nước và giải thích cặn kẽ sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ một bọc trứng nở ra trăm con, một nửa theo cha xuống bể, một nửa theo mẹ lên ngàn. Thầy giải thích: Bọc trứng ấy chính là lòng mẹ, chung một mẹ - cùng một nòi giống. Vì vậy, dân ta luôn nhắc đến hai tiếng thiêng liêng, đó là “ĐỒNG BÀO” - nghĩa là cùng bọc, cùng một dòng máu, huyết thống. Thầy Thành còn giải thích thêm: Một nửa số người con theo mẹ lên ngàn, một nửa theo cha xuống bể - nói lên người Việt Nam đã trải qua bao mưa nắng, người đi phương này, kẻ đi nơi kia khai phá, mở mang bờ cõi, xây dựng đất nước. Nước Việt Nam ta được như ngày nay, ta không quên công lao của bao thế hệ cha anh đã xây dựng nên. “Tình Tổ quốc, nghĩa đồng bào” cũng xuất phát từ gốc tích ấy và thầy liên hệ thêm bài thơ bằng giọng trầm bổng, thiết tha để minh chứng sự gắn bó máu thịt thiêng liêng của đồng bào Việt Nam:“Sông sâu nước chảy nặng dòng/Lòng ta có khác chi lòng mình đâu/Dầu Nam, dầu Bắc mặc dầu/Cùng chung Tổ quốc, cùng sầu nước non”.Cả lớp học yên lặng, lắng nghe từng câu, từng chữ từ thầy! Cuối mỗi bài giảng, thầy luôn ân cần căn dặn: “Chữ là mắt, người không có chữ coi như bị mù vậy”. Hồi còn nhỏ, thầy thường được nghe cha mẹ, ông bà ngoại của thầy nói về “cái chữ” tối hệ trọng đến vậy, mà nó hệ trọng thật, không có chữ con người ta bé nhỏ trước tất cả mọi thứ dưới gầm trời này và người không có chữ sẽ mãi mãi là vật sai khiến, vật hy sinh cho bọn thống trị, cho nên các trò được ngồi học là phải tự hỏi mình: “Học chữ để nên người, giúp dân cứu nước, hay học để vinh thân phì gia?”.

Trăn trở với từng bài giảng về truyền thống lịch sử văn hoá ngàn đời của dân tộc Việt Nam, xót xa khi chứng kiến “hồn thiêng sông núi, dáng hình chữ S ngày càng lu mờ trên bản đồ thế giới” trước hoạ xâm lăng và nỗi nhục của người dân mất nước đã thôi thúc người thanh niên yêu nước quyết tâm ra đi tìm lại “Hình của nước”. Người đã tạm biệt ngôi trường và những học trò thân yêu vào Sài Gòn. Ngày 5-6-1911, với tên gọi Văn Ba, thầy Thành nhận làm phụ bếp trên con tàu A-mi-ran La-tu-sơ Tơ-rê-vin, rời Sài Gòn với quyết tâm phải tìm bằng được con đường cứu nước, giải phóng dân tộc!

Người đã đi qua nhiều nước trên thế giới, không ngừng nghiên cứu, tự học để tích lũy tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm lịch sử - xã hội mà nhân loại tích lũy được trong quá trình phát triển. Ngoài vốn tri thức ban đầu học được từ các thầy ở quê và khi còn trên ghế Trường Quốc học Huế, toàn bộ tri thức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tích luỹ được chủ yếu là tự học. Người không ngừng tự học qua sách báo, học ở bạn bè và đồng chí cùng hoạt động, học trên tàu, học ở thực tiễn cách mạng từ giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới, học mọi nơi, mọi lúc. Người đã khắc phục mọi khó khăn vừa tự lao động nuôi sống bản thân, hoạt động cách mạng vừa tự tìm phương pháp tự nghiên cứu, học ngoại ngữ, văn hóa, chính trị, quân sự và các lĩnh vực từ các châu lục mà Người quan tâm… Từ thực tiễn cuộc sống phong phú và những trải nghiệm trong quá trình bôn ba khắp bốn biển, năm châu, tận mắt chứng chiến cuộc sống khổ cực của người dân lao động đã giúp Người đi đến một số kết luận vô cùng quan trọng: Ở tất cả các nước thuộc địa, châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ la tinh các dân tộc bị áp bức cũng có nỗi khổ như nhau, đều có kẻ thù chung là chủ nghĩa thực dân đế quốc “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người, giống người bóc lột và giống người bị bóc lột”; “Chủ nghĩa Uyn-Xơn chỉ là một trò bịp bợm lớn”. Kết luận có tính chất bản lề, đặt cơ sở xác định đúng bạn - thù, vạch trần luận điệu Tự do - Bình đẳng - Bác ái của bọn tư bản, đồng thời khẳng định chủ nghĩa yêu nước chân chính, gắn chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản.

Từ những trải nghiệm gần 10 năm nghiên cứu, tìm con đường cứu nước, tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin. Luận cương của Lênin đã chỉ ra con đường giải phóng dân tộc, nênBác reo lên một mình như nói cùng dân tộc Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!Người nói:Đề cương của Lênin làm tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ tin tưởng biết bao. Tôi vui mừng đến phát khóc lên; ngồi một mình trong buồng mà tôi muốn nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”(1).

Với lập trường yêu nước đúng đắn, Người vạch ra chân lí“Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.“Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức”(2).Kết luận này khẳng định sự chuyển biến sâu sắc trong tư duy của Nguyễn Ái Quốc, từ người yêu nước chân chính trở thành người cộng sản - người đảng viên cộng sản đầu tiên của Việt Nam, hình thành con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam theo Chủ nghĩa Mác-Lênin, Cách mạng Tháng Mười Nga. Con đường ấy cùng kinh nghiệm trong quá trình tìm đường cứu nước là nội dung của các bài giảng cách mạng mà Người cộng sản quốc tế, thầy giáo Nguyễn Ái Quốc truyền đạt đến thế hệ học trò - lớp cán bộ, đảng viên đầu tiên của cách mạng Việt Nam tại Quảng Châu - Trung Quốc, thông qua Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Qua mỗi bài giảng và thảo luận tổ, thầy giáo Nguyễn Ái Quốc đã phân tích, so sánh để học viên nhận thức sâu sắc tính chất triệt để, đến nơi, đến chốn của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 so với các cuộc cách mạng tư sản Anh, Pháp, Mỹ… Từ đó, chuẩn bị mọi mặt cho sự ra đời của một chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Những bài giảng của thầy Nguyễn không chỉ đào tạo ra những học trò xuất sắc đầu tiên: Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Lê Hồng Sơn, Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… cùng Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930 tại Hương Cảng - Trung Quốc và đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác mà còn được tập hợp lại thành tác phẩm “Đường cách mệnh” xuất bản năm 1927 - cuốn sách giáo khoa đầu tiên dùng để giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên và trở thành cuốn sách “gối đầu giường” đối với các thế hệ người Việt Nam.

Những năm 30 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở nước ngoài nhưng luôn theo sát từng bước phát triển của cách mạng Việt Nam. Người đã tìm mọi cách đề nghị với Quốc tế cộng sản bố trí công tác phù hợp để trực tiếp tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước. Được sự nhất trí của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc trở về biên giới Việt - Trung thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, trực tiếp đạo lãnh phong trào cách mạng Việt Nam và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng. Bên cạnh đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, Nghị quyết Trung ương 8 cũng đưa ra nhiệm vụ cấp bách: đoàn kết dân tộc, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ và đào tạo án bộ. Vì vậy, thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ chăm lo đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền mà còn tổ chức và chỉ đạo từng bước xây dựng nền giáo dục cách mạng, nhằm thực hiện công cuộc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ. Đây chính là cơ sở nền tảng vững chắc để nhân dân ta vùng dậy “chớp thời cơ ngàn năm có một”, giành chính quyền trên cả nước, đồng thời “sàng lọc”, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời.

 

Như vậy, quá trình từ nhà giáo yêu nước Nguyễn Tất Thành đến người cộng sản Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là quá trình phấn đấu không mệt mỏi, khổ luyện trong mọi khó khăn, gian khổ để rèn luyện đạo đức, ý chí cách mạng của “bậc đại trí, đại nhân, đại dũng”. Vì vậy, nhà nghiên cứu Đào Phan đã giành tình cảm đặc biệt khi viết về người thầy, lãnh tụ thiên tài, nhà văn hoá kiệt xuất của dân tộc Việt Nam: “Nếu không có sự lựa chọn từ Phan Thiết của anh thanh niên Nguyễn Tất Thành để hoá thân vào giai cấp công nhân, thì làm sao có sự lựa chọn từ Pari của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc để đi đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin… Nếu không có sự quyết định từ Phan Thiết của thầy giáo Nguyễn Tất Thành, thì bạn thử nghĩ xem, làm sao có những quyết định từ Quảng Châu, Hương Cảng, Tân Trào, Hà Nội… của lãnh tụ Hồ Chí Minh đối với tiền đồ của Tổ quốc? Trong cách xử trí đối với thời đại qua một sự lựa chọn rất độc đáo từ bấy giờ, thiên tài của thầy giáo trẻ tuổi ở trường Dục Thanh quả đã báo trước sự lỗi lạc của vị Chủ tịch nước Việt Nam”.

 

Với bộn bề công việc trên cương vị người đứng đầu của nhà nước Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp giáo dục. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ cấp bách cần làm ngay của chính quyền cách mạng mạng, đó là “Diệt giặc dốt” - mở lớp bình dân học vị. Người kêu gọi toàn dân học chữ quốc ngữ, vì Người cho rằng: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu; vì vậy “Người biết chữ dạy người chưa biết chữ… Người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ chưa biết thì con bảo… Phụ nữ lại cần phải học”(3).

Nhân ngày khai giảng năm học mới đầu tiên của nước Việt Nam mới, Người đã viết thư căn dặn học sinh: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Một “non sông tươi đẹp”, một “dân tộc bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”... đó không chỉ là bài học sâu sắc, khắc dạ, ghi tâm của tất cả học sinh trên mọi miền đất nước mỗi khi bước vào năm học mới mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ của nền giáo dục nước ta và tương lai, tiền đồ của dân tộc Việt Nam trên con đường khẳng định vị thế của mình!

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ gửi thư động viên học sinh chăm ngoan, học giỏi mà còn gửi gắm nền giáo dục nước nhà tới các giáo viên. Tháng 9-1958, trong bài nói chuyện tại lớp học chính trị cho các giáo viên cấp 2, cấp 3 toàn miền Bắc, Người chỉ rõ:“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng, Chính phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú. Đó là một trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang. Mong mọi người phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ”.Như vậy, trong sự nghiệp giáo dục “trồng người”, Bác đã giao trách nhiệm, gửi gắm mọi kỳ vọng vào hai đối tượng chính là thầy và trò. Bác luôn căn dặn và yêu cầu họ thực hiện “Hai tốt” - học tốt và dạy tốt.

 

Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng Người căn dặn “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”; “Còn non, còn nước, còn người. Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.Điều đó thể hiện:Con người là tất cả và sự nghiệp trồng người là sự nghiệp cao cả nhất, đầy khó khăn nhất, là sự nghiệp chung, hàng đầu của dân tộc ta khi nước nhà thống nhất. Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác, thế hệ các nhà giáo chân chính thường xuyên rèn luyện đạo đức, năng lực tự học và sáng tạo theo gương nhà giáo Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh, không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong sạch, vững mạnh, tạo động lực thúc đẩy, đổi mới mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội “Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Vì lợi ích trăm năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”.


 

 

…………………………

(1), (2), (3).HCM TT,t.10, t.6. Nxb CTQG, H.2000, tr.127, tr.234, tr 367-368.

Theo: Tạp chí xây dựng Đảng

Tin cùng chuyên mục