Phẩm chất quan trọng của người làm công tác dân vận

Dân vận là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng, là một điều kiện quan trọng góp phần bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền và toàn xã hội, tạo nên mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, mà trực tiếp nhất chính là đội ngũ làm công tác dân vận. Muốn nâng cao hiệu quả công tác dân vận đáp ứng với yêu cầu của giai đoạn hiện nay, đội ngũ cán bộ dân vận phải có uy tín cao, thuyết phục giỏi, khéo tuyên truyền.

Bác Hồ dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại Trại thí nghiệm trồng lúa Sở Nông lâm Hà Nội (16-7-1960). Ảnh: TL
Sinh thời Bác Hồ đã chỉ rõ: Dân vận phải thế nào? là: “phải có óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”[1]. Trong những năm qua, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng công tác dân vận chưa làm được như Bác dạy. Vẫn còn không ít tình trạng cán bộ, công chức quan liêu, hách dịch, xa dân, không lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân, phai nhạt về tư tưởng, đạo đức xuống cấp, thiếu khả năng tuyên truyền, thuyết phục… Đại hội lần thứ XI của Đảng chỉ rõ: “Nội dung, phương thức vận động, tập hợp quần chúng vẫn nặng tính hành chính… ”[2]. Thực tế cho thấy nâng cao uy tín và hoàn thiện các khả năng tuyên truyền, thuyết phục là yêu cầu để mỗi cán bộ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân một cách có hiệu quả thiết thực.Uy tín cao - Đây là phẩm chất hàng đầu của người làm công tác dân vận. Bởi, để được quần chúng hiểu, tin tưởng và làm theo thì nhất định người cán bộ làm công tác dân vận phải có uy tín, đó là những phẩm chất, năng lực có tác dụng thuyết phục, cảm hóa, thu hút người khác. Muốn có được phẩm chất này đòi hỏi phải rèn luyện, nói đi đôi với làm, đặt lợi ích nhân dân cao hơn lợi ích cá nhân. Nắm vững chính sách và thực hiện đường lối quần chúng: “Cán bộ phải nghiên cứu, hiểu rõ, thấm nhuần chính sách ấy. Theo chính sách ấy mà điều tra, nghiên cứu, nắm vững hoàn cảnh thiết thực của đơn vị mình, địa phương mình. Rồi đặt kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực, để giải thích, tuyên truyền, cổ động quần chúng, làm sao cho mọi người hiểu rõ và ủng hộ chính sách của Đảng và Chính phủ như là của họ…”[3] . Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ dân vận tốt, mà trực tiếp là cán bộ, đảng viên làm nòng cốt, nếu họ không có đủ uy tín, mất uy tín sẽ không thể vận động nhân dân. Cấp ủy đảng các cấp từ Trung ương đến cơ sở phải nhạy bén, kiên quyết, sáng tạo, bám sát thực tiễn của đất nước, kịp thời đề ra các giải pháp phù hợp với tình hình mới, tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Kiên quyết không bố trí những người không đủ năng lực, trình độ và không có uy tín làm công tác dân vận. Uy tín của người cán bộ dân vận, nhất là cán bộ ở cơ sở lại càng quan trọng, họ phải thực sự “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” thì mới tiến hành thuyết phục, giáo dục, vận động… có hiệu quả. Giỏi thuyết phục là phẩm chất cần có thứ hai của cán bộ làm dân vận. Trong quá trình tiến hành tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nhất thiết mỗi cán bộ phải giỏi thuyết phục, đó là sự tác động trực tiếp vào ý thức và hành vi của quần chúng, bằng lời nói và việc làm sinh động, bằng các sự kiện thực tế, khiến mọi người hiểu rõ, tin tưởng và quyết tâm hành động. Phải bằng những luận cứ, luận chứng khoa học, bằng những dữ liệu, sự kiện, tài liệu, thực tế để minh chứng cho vấn đề muốn truyền đạt là đúng đắn, có cơ sở. Bên cạnh đó phải bằng những lập luận khoa học để bác bỏ những nhận thức, quan điểm, hành vi sai trái hình thành và củng cố những nhận thức, quan điểm, niềm tin đúng ở nhân dân. Ở kỹ năng này, cần thuyết phục bằng cả lời nói và việc làm, phải thống nhất trong nhận thức và hành động. Tránh hiện tượng: “chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi, đến chốn” hay trước mặt dân chúng thì lên mặt “quan cách mạng”. Miệng thì nói dân chủ nhưng làm việc thì theo lối “quan chủ”. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, còn thực tế thì “chỉ biết ăn sang, diện cho kẻng, chẳng những không lo phụng sự nhân dân, mà còn muốn nhân dân phụng sự mình”[4] Thực tế, khi tiến hành công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhất thiết phải xâm nhập vào đời sống của quần chúng nhân dân, phải hiểu được ngôn ngữ, phong tục, tập quán của từng địa phương mới có thể thuyết phục hiệu quả, Khéo tuyên truyền là một trong những kỹ năng quan trọng của người cán bộ dân vận. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm”[5]. Bác đòi hỏi mỗi cán bộ phải thực sự hiểu dân: “Dân ở đó sinh hoạt thế nào, ta cũng phải sinh hoạt như họ. Nếu dân dậy sớm mà mình ngủ trưa, dân đang làm việc mà mình nằm ngủ lì, thì sẽ bị dân ghét và ảnh hưởng xấu đến việc tuyên truyền. Thấy dân làm việc gì, bất kỳ to nhỏ, ta cũng ra tay làm giúp. Đó là cách gây cảm tình tốt nhất, nó sẽ giúp cho việc tuyên truyền kết quả gấp bội”[6]. Theo Hồ Chí Minh, để đạt hiệu quả tuyên truyền, cán bộ dân vận cần nắm vững đối tượng và phân loại đối tượng, phải nâng cao khả năng dùng ngôn ngữ phù hợp với địa phương, vùng miền, dân tộc; phải hiểu được ít nhiều ngôn ngữ địa phương mới có thể vận đồng quần chúng có hiệu quả. Người chỉ rõ: “Dân chúng không nhất luận như nhau, trong dân chúng cũng có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau, có lớp tiên tiến, có lớp lừng chừng, có lớp lạc hậu”[7] và “bất kỳ nơi nào có quần chúng, thì nhất định có ba hạng người: hạng hăng hái, hạng vừa vừa, và hạng kém. Mà trong ba hạng đó, hạng vừa vừa, hạng ở giữa, nhiều hơn hết, hạng hăng hái và hạng kém đều ít hơn”[8]. Do đó, mỗi cán bộ làm công tác dân vận phải không ngừng nâng cao kỹ năng tuyên truyền, mà cụ thể là phải nói được và làm được, bởi theo Hồ Chí Minh phải: “Một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[9]. Công tác dân vận phải vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Do vậy, mỗi người làm công tác dân vận phải thực sự có những phẩm chất cần thiết nhất là uy tín để thu hút quần chúng, đồng thời phải không ngừng hoàn thiện các kỹ năng, phải giỏi thuyết phục, khéo léo khi tuyên truyền, biết vận dụng trong từng hoàn cảnh, đối tượng con người cụ thể. Quá trình này phải được bồi dưỡng, tu dưỡng rèn luyện và được trưởng thành trong hoạt động thực tiễn tuyên truyền, vận động quần chúng. Cần phải kiên trì nhẫn nại, giữ vững lập trường, quan điểm đồng thời phải biết vận dụng sáng tạo, đó cũng chính là nhằm thực hiện tư tưởng của Hồ Chí Minh về dân vận khéo.
----------------
[1]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 2000, tr.699. [2]. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nxb CTQG, H. tr, 175. [3]. Tài liệu: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”- Ban Tuyên giáo Trung ương - Nxb CTQG, H, 2013, tr. 17-18. [4]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, H,2000, tr.89 [5]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 2000, tr.162 [6] .Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 2000, tr.163. [7]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 2000, tr.296 [8] . Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 2000, tr.289 [9].  Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 2000, tr.163

Theo: Tạp chí xây dựng Đảng

Tin cùng chuyên mục