Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta bản Di chúc lịch sử, với những chỉ dẫn quý báu về nhiều vấn đề hệ trọng trước mắt và lâu dài cho Đảng, Nhà nước và nhân dân. Suốt 45 năm qua, toàn Đảng, toàn dân ta đã không ngừng phấn đấu thực hiện những tư tưởng của Di chúc và đạt được những thành tựu to lớn.


Trong bối cảnh hiện nay, mở lại Di chúc của Bác lại càng thấy sâu sắc hơn về điều căn dặn của Bác trong Di chúc: “TRƯỚC HẾT NÓI VỀ ĐẢNG - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.

Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[1].

Điều căn dặn đầu tiên của Bác trước lúc đi xa là về Đảng và xây dựng Đảng. Lời căn dặn cho thấy tư tưởng của Bác về vị trí quan trọng của việc xây dựng Đảng và những điều then chốt trong xây dựng Đảng. Từ những tư tưởng của Bác trong Di chúc về xây dựng Đảng, trong tình hình hiện nay, chúng ta cần quan tâm thực hiện tốt những nội dung căn bản sau:         
 
Một là, phải đặc biệt coi trọng công tác xây dựng đảng.          

Không phải chỉ đến Di chúc, Bác mới đặt việc xây dựng Đảng lên vị trí số một mà ngay trong cuốn sách giáo khoa đầu tiên cho cách mạng Việt NamĐường cách mệnhxuất bản năm 1927, Bác đã viết: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh… Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững, thuyền mới chạy”[2].

Lời dặn đầu tiên của Bác trước lúc đi xa cho thấy tầm quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng đảng và sự quan tâm đặc biệt của Bác đến công tác này. Nhiều văn kiện của Đảng đã nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Tuy nhiên, trong thực tế, nhận thức và sự quan tâm công tác xây dựng đảng chưa tương xứng với yêu cầu của một nhiệm vụ “then chốt”, thậm chí, có nơi, có lúc, người lãnh đạo còn xem nhẹ công tác xây dựng đảng.         
Trong bối cảnh nhiều thách thức hiện nay, thực hiện di huấn của Bác, đòi hỏi mỗi cấp ủy, cán bộ, đảng viên cần quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta. Trong công cuộc phát triển kinh tế thị trường hiện nay, khi việc làm, thu nhập, lợi ích trở thành vấn đề sát sườn, cấp bách đối với mọi người thì việc tập trung cho công tác xây dựng đảng không dễ thực hiện. Vì vậy, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải thể hiện rõ trách nhiệm đối với công tác xây dựng đảng, khắc phục những biểu hiện xem nhẹ vai trò lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng đảng.
         
Hai là, giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình

         
Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng ta, tuy nhiên, từ khi trở thành đảng cầm quyền, ở nơi này, nơi khác đã xảy ra tình trạng mất đoàn kết trong cấp ủy, mất đoàn kết giữa bí thư với chủ tịch, giữa cấp trưởng với cấp phó…, có nơi gay gắt, nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng. Do đó, phải tiếp tục quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ; chủ động phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp mất đoàn kết; kiên quyết xử lý, thay thế những cán bộ gây mất đoàn kết; phòng ngừa, đấu tranh loại trừ những nhóm lợi ích tiêu cực đang làm xói mòn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.          
  
Ba là, thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng từ trên xuống dưới

         
Một trong những căn nguyên của những khó khăn, thách thức đang cản trở sự phát triển của cách mạng, của đất nước sau gần 30 năm đổi mới là chưa thực hiện tốt dân chủ. Muốn khắc phục được những hạn chế, yếu kém về dân chủ nội bộ, Đảng phải đổi mới tư duy về dân chủ, từ bỏ các cơ chế lỗi thời, tin tưởng nhân dân và đội ngũ đảng viên, thực sự cầu thị, khai thông mọi nguồn lực cho dân chủ phát triển.

Trước mắt cần thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về phát huy dân chủ trong Đảng, như: thực hiện nghiêm túc Quy chế chất vấn trong Đảng, nhất là chất vấn tại các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương và cấp ủy các cấp. Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá, nhận xét cán bộ theo hướng mở rộng đối tượng tham gia; tiếp tục thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt ở cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương. Thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện, gắn với xây dựng quy chế kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực sự có hiệu quả, ngăn chặn sự lạm quyền, độc đoán. Thí điểm giao quyền cho bí thư cấp ủy lựa chọn, giới thiệu để bầu cử ủy viên thường vụ cấp ủy. Cấp trưởng có trách nhiệm lựa chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó. Thí điểm chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý. Thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự theo hướng những người được dự kiến đề bạt, bổ nhiệm phải trình bày đề án hoặc chương trình hành động trước khi cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định...      
    
Bốn là, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

       
Lời căn dặn của Bác nhấn mạnh vị trí, vai trò vẻ vang nhưng trách nhiệm nặng nề của Đảng. Hiện, Đảng ta đang đứng trước những thách thức to lớn trong sứ mệnh cầm quyền của mình, như: Làm thế nào để phát triển được lý luận và đường lối cách mạng tiên phong? Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng như thế nào để một đảng cầm quyền duy nhất nhưng không mất dân chủ, không tha hóa quyền lực và thoái hóa phẩm chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên… Điều bức thiết nhất hiện nay là phải tập trung phát triển lý luận; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.       
   
Về công tác lý luận cần đổi mới cơ chế dân chủ trong nghiên cứu khoa học xã hội, nhất là trong công tác lý luận, tăng cường tổng kết thực tiễn, coi trọng, khuyến khích các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu dự báo.          


Về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, thực hiện đúng mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước để Đảng giữ vững vai trò lãnh đạo nhưng không làm thay Nhà nước. Nhà nước thực hiện đúng chức năng quản lý và tổ chức thực hiện nhưng không xa rời sự lãnh đạo của Đảng. Xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu, có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực để ngăn chặn độc đoán, chuyên quyền.
     
Năm là, cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân

         
Bác đã dạy “Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”[3]. Sức mạnh, uy tín của Đảng là do cán bộ, đảng viên của Đảng tạo nên. Cán bộ, đảng viên là người thay mặt cho Đảng, Nhà nước trước nhân dân, do đó, uy tín của Đảng, niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước trước hết từ niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng.
 
Điều đáng tiếc là hiện nay, có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...


Để khắc phục yếu kém đòi hỏi phải tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về tự phê bình và phê bình trong Đảng. Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải tự giác, gương mẫu tự kiểm điểm, soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình. Các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở phải tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh tuyên truyền, cổ vũ những gương cán bộ, đảng viên tốt. Mặt khác, phải xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật, tham nhũng. Đồng thời, cần rà soát, phát hiện và khắc phục ngay những sơ hở trong cơ chế, chính sách đã tạo điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực tồn tại và phát triển.

........................................................
[1] Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, tập12, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.504.
[2] Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, tập2, Nxb CTQG, Hà Nội,, tr.256.
[3] Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, tập12, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.92.

Theo: Tạp chí xây dựng Đảng

Tin cùng chuyên mục