Tự phê bình và phê bình theo Tư tưởng Hồ Chí Minh

Tự phê bình và phê bình chỉ thực hiện có kết quả khi có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng, dũng khí của những người đảng viên chân chính, được nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên, Bác đã dạy, bên cạnh tự phê bình và phê bình cần có thần linh pháp quyền.
 

Do đó, cùng với tự giác tự phê bình và phê bình, rất cần có chế tài đủ mạnh để những ai không tự giác đã có luật pháp điều chỉnh. Thực hiện điều đó không dễ dàng, nhưng khó mấy cũng phải quyết tâm thực hiện, chỉ khi đó xây dựng, chỉnh đốn Đảng mới thành công.

Cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với lịch sử dân tộc ta. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình, một trong những vấn đề Người quan tâm đầu tiên và nhiều nhất là xây dựng một chính Đảng kiểu mới trong sạch, vững mạnh. Bởi theo Người, Đảng có vững thì cách mạng mới thành công.

Thực hiện tư tưởng của Người, Đảng ta luôn coi trọng công tác đổi mới, chỉnh đốn Đảng, để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo cách mạng nước ta giành được nhiều thắng lợi to lớn. Ngày nay trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, vì nhiều lý do, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng theo Tư tưởng Hồ Chí Minh nhiều nơi có biểu hiện lơi lỏng, chưa triệt để, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Ðảng. Vấn đề này nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Ðảng và sự tồn vong của chế độ. Nghị quyết Trung ương 4 chỉ rõ đây là vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là vũ khí sắc bén để Đảng trở nên trong sạch, vững mạnh. Người nhấn mạnh: Đảng ta gồm những người có tài, có đức, phần đông là những người hăng hái nhất, thông minh nhất, yêu nước nhất, kiên quyết, dũng cảm nhất. Tuy nhiên trong Đảng hiện nay không phải người người đều tốt, việc việc đều hay. Hơn nữa, cán bộ, đảng viên cũng là những con người, có các mối quan hệ xã hội, sống trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, cho nên không thể tránh được những sai sót. Do vậy, đảng viên, cán bộ phải thường xuyên tự phê bình và phê bình như con người luôn cần không khí để sống, để làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân, phần xấu dần dần mất đi. Bản chất của tự phê bình và phê bình là hướng tới cái đẹp, cái tốt. Mục đích phê bình cốt là để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Đồng thời để đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng, chứ không phải lợi dụng phê bình để đấu đá, hạ bệ lẫn nhau, xúc phạm danh dự, làm ảnh hưởng xấu đến khối đoàn kết nội bộ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên ngày nay phải kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Đó là thang thuốc hay nhất bởi nếu không thực hiện điều này thì cũng như người có bệnh giấu giếm bệnh tậ, không chịu uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm nguy đến tính mạng.

Tự phê bình và phê bình theo Hồ Chí Minh như dùng khăn mặt và xà bông để gột rửa cái nhơ bẩn bám vào con người. Vì vậy mỗi một cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự phê bình và phê bình để cho những nhơ bẩn không bám lâu trên cơ thể, không có cơ hội gây bệnh. Đối với tự phê bình và phê bình cần có thái độ thành khẩn, phản ánh đúng sự thật, không thổi phồng, không bóp méo, không nể nang né tránh, không ngại va chạm, có sự tự giác cao và phải xuất phát từ tình đồng chí yêu thương lẫn nhau. Theo Người "một Đảng giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắc, chân chính”(1).

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Người, Đảng ta luôn nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, thể hiện rõ ở Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI ) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Lần này, tự phê bình và phê bình được xem là một trong những giải pháp để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây chính là khâu mở đầu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Với tinh thần nhìn thẳng, đánh giá đúng sự thật, nhất là những mặt còn yếu kém, không nể nang, né tránh đồng thời đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa thiết thực.

Tự phê bình và phê bình chỉ thực hiện có kết quả khi có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng. Cách thực hiện tự phê bình và phê bình, Người chỉ rõ: “Việc phê bình phải từ trên xuống, từ dưới lên. Cấp trên phê bình, chưa đủ. Đồng chí, đồng sự phê bình, chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa, thì sự phê bình mới hoàn toàn”(2). Khác những lần trước, lần này thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Đảng ta yêu cầu trước hết các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự phê bình, phê bình trước. Đây là cách làm thiết thực theo chỉ dẫn của Bác, không còn “tắm từ vai”. Trong Đảng có nhiều đảng bộ, đảng viên đã tự phê bình trước dân để dân góp ý phê bình cán bộ, đảng viên. Đây là cách làm tốt, đang được nhân rộng. Tuy nhiên, Bác đã dạy, bên cạnh tự phê bình và phê bình cần có thần linh pháp quyền. Do đó, cùng với tự giác tự phê bình và phê bình, rất cần có chế tài đủ mạnh để những ai không tự giác đã có luật pháp điều chỉnh. Thực hiện điều đó không phải dễ dàng, nhưng khó mấy cũng phải quyết tâm thực hiện, chỉ khi đó xây dựng, chỉnh đốn Đảng mới thành công.

Với truyền thống và bản chất tốt đẹp của Ðảng ta, dũng khí của những người đảng viên chân chính, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, tin rằng chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết lần này, tạo bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng đảng, làm cho Ðảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng thiết tha của toàn dân, để Đảng làm tròn trách nhiệm lãnh đạo đất nước giành thắng lợi trong công cuộc xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

-------------------

(1), (2). Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 5, tr.261, 584-585.

Theo: Tạp chí xây dựng Đảng

Tin cùng chuyên mục