Tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm và thực hành tiết kiệm

Trong các bài nói, bài viết của mình, Hồ Chí Minh đã đề cập nhiều đến tiết kiệm và thực hành tiết kiệm. Người đã luận giải kỹ các nội dung về tiết kiệm và thực hành tiết kiệm.

1. Tiết kiệm là gì ?

 

- Theo Hồ Chí Minh, tiết kiệm “là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”.

 

- Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, mà những việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng.

 

- Tiết kiệm là tích cực. “Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực” (1).

 

2. Vì sao phải tiết kiệm ?

 

- Để phục vụ cho kháng chiến và kiến quốc.

 

- Để tăng thêm tiền vốn xây dựng đất nước. Điều này càng quan trọng khi nước ta là nước dân chủ nhân dân, không thể tích lũy vốn theo kiểu thực dân, đế quốc bằng cách cướp bóc thuộc địa, bóc lột công nhân, nông dân, vay nợ nước ngoài...

 

- Để nhanh chóng đưa nước ta ra khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu, hậu quả của 80 năm đô hộ, vơ vét của đế quốc Pháp rồi đến phát xít Nhật.

 

3. Nội dung của tiết kiệm

 

- Tiết kiệm sức lao động. Tức là phải tổ chức sắp xếp cho khéo, phải nâng cao năng suất lao động, “1 người làm bằng 2, 3 người”.

 

- Tiết kiệm thời giờ. Bác nói: “Thời giờ tức là tiền bạc”; “Một tấc bóng là một thước vàng”. “Ai đưa vàng bạc vứt đi, là người điên rồ. Thì ai đưa thời giờ vứt đi, là người ngu dại” (2). Tiết kiệm thời giờ của mình và tiết kiệm thời giờ của người khác.

 

- Tiết kiệm tiền của. Phải tiết kiệm tiền của của Nhà nước, của nhân dân và của chính mình. Việc này liên quan tới tiết kiệm sức người, tiết kiệm thời giờ.

 

4. Ai cần phải tiết kiệm ?

 

- Tất cả mọi người đều phải tiết kiệm. Trước hết là các cơ quan, bộ đội, các xí nghiệp.

 

- Nội dung tiết kiệm phải cụ thể, thiết thực ngay trong vị trí công tác của mình. Bộ đội, chiến sĩ thì tiết kiệm đạn, quân nhu, chiến lợi phẩm...; cán bộ cơ quan hành chính thì tiết kiệm thời gian, giấy, mực...; cán bộ tư pháp tiết kiệm thời giờ cho dân khi triển khai nhanh công việc...

 

(1). Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội 2002, t.6, tr.485.

(2). Sđd, t.5, tr.637


(Theo Tài liệu học tập chuyên đề Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm chống tham ô, lãng phí, quan liêu)

Tin cùng chuyên mục